ExxonMobil và Chevron trong “cuộc sáp nhập sinh tồn”!
Chevron và Exxon đang rục rịch cho việc nối lại cuộc thảo luận sáp nhập lớn nhất trong ngành dầu mỏ kể từ năm ngoái.
Năm ngoái, hai công ty đã thảo luận sáp nhập sau cuộc suy thoái của ngành dầu khí do nhu cầu yếu và những căng thẳng tài chính của cả hai. Nhưng các cuộc thảo luận được mô tả “chỉ là sơ bộ, không liên tục và chưa đi đến đâu”.
Đáng chú ý, một thỏa thuận như vậy sẽ tái hợp hai hậu duệ lớn nhất của công ty độc quyền Standard Oil của John D. Rockefeller, công ty đã bị các cơ quan quản lý của Mỹ phá bỏ vào năm 1911, và từ đó định hình lại ngành công nghiệp dầu mỏ.
Vì đâu thỏa thuận trở lại?
ExxonMobil được coi là công ty có giá trị nhất của Mỹ cách đây 7 năm, với giá trị thị trường lên đến hơn 400 tỷ USD, gần gấp đôi Chevron. Nhưng ánh hào quang quá khứ đã lụi tàn với Exxon. Họ đã sa sút từ đỉnh cao sau một loạt sai lầm chiến lược, và càng bị trầm trọng thêm bởi đại dịch COVID-19.
Exxon giờ đây dường như chỉ còn là cái bóng của chính mình khi bị những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Amazon che khuất. Đau đớn hơn khi năm ngoái, họ lần đầu tiên bị loại khỏi Chỉ số Công nghiệp Dow Jones kể từ năm 1928.
Giá trị vốn hóa thị trường của Exxon hiện chỉ bằng khoảng 1/4 nhà sản xuất ô tô điện Tesla, công ty có giá khoảng 752 tỷ USD. Cổ phiếu của Exxon đã giảm 40% vào năm ngoái, khiến giá trị thị trường của họ giảm 120 tỷ USD.
Đồng thời Exxon phải chịu đựng một trong những hoạt động tài chính tồi tệ nhất từ trước đến nay vào năm 2020. Dự kiến lần đầu tiên trong lịch sử, họ sẽ báo cáo khoản lỗ hàng quý thứ tư liên tiếp vào tuần này và với hơn 2 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2020.
Tương tự, Chevron cũng gặp sự sụt giảm nghiêm trọng vào năm ngoái sau cuộc chiến giá giữa Ả Rập Xê Út và Nga, cùng với đó là ảnh hưởng từ đại dịch khiến giá trị của dầu mỏ giảm xuống. Vốn hóa thị trường của Chevron giảm mạnh 68 tỷ USD do cổ phiếu của công ty này giảm 30%. Mặc dù cổ phiếu của Chevron không giảm manh như của Exxon nhưng cũng chẳng kém là bao. Điều này đang khiến các nhà đầu tư lo ngại về lợi nhuận dài hạn và các quyết định chi tiêu của công ty.
Những con số đáng chú ý
Thời điểm này, nếu thỏa thuận thành công thì giá trị thị trường của công ty kết hợp có thể lên tới 350 tỷ USD. Exxon là 190 tỷ USD, trong khi Chevron là 164 tỷ USD.
Cùng nhau, họ có thể tạo lên đế chế dầu khí lớn thứ hai thế giới theo giá trị và sản lượng, sản xuất khoảng 7 triệu thùng dầu và khí đốt mỗi ngày (dựa trên mức độ trước đại dịch), chỉ đứng sau Saudi Aramco của Ả Rập Xê-Út.
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ có thể gặp phải những thách thức về quy định và chống độc quyền dưới thời chính quyền Biden. Tổng thống Biden cho biết biến đổi khí hậu là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt. Và ông cho rằng, sẽ thúc đẩy đất nước "chuyển đổi khỏi ngành công nghiệp dầu mỏ".
Có thể nói, cả hai công ty đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” để hoàn tất thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, người mà được coi là “thân thiện” với ngành dầu khí. Một số thương vụ khá lớn đã được hoàn thành vào năm ngoái, bao gồm việc Chevron mua lại Noble Energy trị giá 5 tỷ USD. ConocoPhillips tiếp quản Concho với giá khoảng 10 tỷ USD…
Trong các cuộc hội đàm, CEO của cả Exxon và Chevron đã hình dung ra việc cùng nhau đạt được sự hiệp lực thông qua việc cắt giảm chi phí lớn để giúp vượt qua sự suy thoái của thị trường năng lượng. Khi mà vào cuối năm 2019, Exxon đã tuyển dụng khoảng 75.000 người và Chevron khoảng 48.000 người.
Paul Sankey, một nhà phân tích độc lập đã đưa ra những con số về việc sáp nhập của Chevron và Exxon vào tháng 10 năm ngoái, ước tính công ty kết hợp sẽ có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 300 tỷ USD cùng 100 tỷ USD nợ. Đồng thời việc sáp nhập sẽ cho phép họ cắt giảm tổng cộng 15 tỷ USD chi phí quản lý và 10 tỷ USD chi phí đầu tư hàng năm.
Có thể bạn quan tâm