Chuyện gì đã xảy ra với Exxon Mobil, công ty từng đắt giá nhất nước Mỹ

THEO BIZLIVE 15/09/2020 15:13

Cuối tháng 8 vừa qua, Exxon bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones sau gần 1 thế kỷ là thành viên của chỉ số danh giá này.

Theo tờ Wall Street Journal, cách đây 7 năm, Exxon còn là công ty niêm yết đắt giá nhất của Mỹ. Nhưng từ đỉnh cao đó, Exxon đến nay đã chứng kiến mức vốn hóa “bốc hơi” khoảng 60%, còn khoảng 160 tỷ USD.

Hiện tại, thách thức bủa vây hãng dầu lửa này, khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu suy yếu trên phạm vi toàn cầu.

Chiến lược sai lầm?

Giới phân tích ước tính Exxon sẽ lỗ hơn 1 tỷ USD trong năm nay, so với khoản lãi 46 tỷ USD trong năm 2008 - thời điểm đó là con số lãi năm kỷ lục mà một công ty Mỹ từng đạt được. Cuối tháng 8 vừa qua, Exxon bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones sau gần 1 thế kỷ là thành viên của chỉ số danh giá này. Diễn biến đó được xem là một dấu mốc lớn trong cuộc sa sút vận mệnh của Exxon.

Nguyên nhân cốt lõi khiến Exxon rơi vào thảm cảnh hiện nay nằm ở việc hãng đầu tư mạnh tay vào hoạt động khoan tìm dầu vào đúng thời điểm không thể tệ hơn. Trong lúc các hãng đối thủ như BP và Shell đã bắt đầu chuyển hướng sang phát triển năng lượng tái sinh, Exxon vẫn thắm thiết với năng lượng hóa thạch. Giới đầu tư cổ phiếu Exxon bỏ chạy, nhân viên Exxon thì bất mãn về đường lối của hãng - một công ty bị nhiều người xem là có đội ngũ lãnh đạo “cứng đầu”.

Hai năm trước, Tổng giám đốc (CEO) Darren Woods của Exxon trình làng một kế hoạch đầy tham vọng là chi 230 tỷ USD để đến năm 2025 nâng sản lượng dầu khí thêm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày. Đến hiện tại, sản lượng khai thác dầu khí của Exxon mới chỉ tăng nhẹ, nhưng các khoản đầu tư thêm đã gây sức ép không nhỏ lên công ty. Mới đây, Exxon đã có chuỗi hai quý liên tiếp thua lỗ đầu tiên sau hơn 20 năm.

Exxon giữ niềm tin rằng với đà tăng dân số, thế giới sẽ cần thêm nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ tới, và việc hãng đặt cược vào việc tăng sản lượng dầu khí sẽ mang lại lợi nhuận trong dài hạn. Hãng lập luận rằng nhu cầu dầu của thế giới giảm sút trong thời gian đại dịch, nhưng đã ở trong xu hướng tăng trong phần lớn thời gian của thế kỷ này.

Exxon cho rằng sự đặt cược trên sẽ mang lại “trái ngọt” trong tương lai, một khi giá dầu thô và khí đốt tăng lên vào cuối thập kỷ này trong khi các đối thủ của hãng không thể tranh thủ được điều đó vì đã không chịu bỏ vốn đầu tư từ trước. Ngoài ra, Exxon cũng phủ nhận những thông tin cho rằng nội bộ công ty có sự mâu thuẫn về đường lối.

Nhưng dù gì, Exxon - công ty có trụ sở ở Irving, Texas - đã cắt gảm 10 tỷ USD, tương đương 30%, trong kế hoạch đầu tư cơ bản của năm nay. Cùng với đó, công ty giảm tốc hàng loạt dự án tại nhiều nơi, từ miền Tây của bang Texas cho tới châu Phi.

Đối với các nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu Exxon, lý do duy nhất khiến họ chưa bán tháo cổ phiếu này là cổ tức. Exxon đã phải vay nợ những khoản lớn để trả cổ tức cho cổ đông, và giới phân tích cho rằng cách làm này không hề bền vững.

Nhân viên bất mãn

Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, khoảng hơn 20 nhân viên và cựu nhân viên của Exxon nói rằng phong cách quản lý của công ty không còn phù hợp trong bối cảnh những thách thức mới, bao gồm các quy chế siết chặt liên quan đến biến đổi khí hậu và cạnh tranh từ lĩnh vực năng lượng tái sinh.

Từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra đến nay, các hãng dầu khí lớn khác đã công bố kế hoạch sa thải tổng cộng hơn 35.000 nhân viên, nhưng Exxon vẫn chưa đưa ra một kế hoạch sa thải nào. Tuy vậy, hãng đang tiến hành một đợt rà soát có thể dẫn tới việc một số lượng không nhỏ nhân viên bị mất việc.

Nhân viên Exxon nói rằng những thay đổi trong hệ thống xếp hạng nội bộ có khả năng khiến hàng nghìn nhân viên rơi vào cảnh bị sa thải một cách âm thầm.

Exxon sử dụng một hệ thống đánh giá để cho điểm nhân viên. Gần đây, hãng thay đổi công thức đánh giá, dẫn tới việc tỷ lệ nhân viên ở Mỹ được cho là cần phải “cải thiện nhiều trong công tác” từ 3% lên 8-10%. Những nhân viên có điểm đánh giá thấp sẽ buộc phải chọn giữa tự nguyện nghỉ việc và được hưởng 3 tháng lương, hoặc tham gia vào một đợt thử thách kéo dài 3 tháng, trong đó họ phải đạt các mục tiêu mà ban lãnh đạo ra đề ra nếu không sẽ bị sa thải.

Nhiều nhân viên của Exxon nói rằng hệ thống đánh giá mới quá khắc nghiệt. Enrique Rosero, một cựu kỹ sư địa chất của Exxon, quyết định rời công ty vào mùa hè năm nay sau khi nhận điểm đánh giá thấp. Rosero nói ông bị phạt vì đặt ra những câu hỏi về chiến lược khí hậu của công ty. Cách đây mới 2 năm, Rosero nằm trong số 1/3 số nhân viên có điểm đánh giá cao nhất.

Giá dầu đi xuống và COVID-19

Exxon - “hậu duệ” trực tiếp lớn nhất của hãng dầu lửa độc quyền Standard Oil của John D. Rockefeller - vốn dĩ đã trầy trật trong thời gian giá dầu thế giới giảm xuống thấp trong những năm gần đây.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu giảm sâu chính là sản lượng dầu đá phiên của Mỹ tăng mạnh. Sau khi chậm chân trong giai đoạn đầu của cơn sốt dầu đá phiến, Exxon đặt cược lớn vào nhiều dự án khai thác dầu khí quy mô lớn tại nhiều nơi trên thế giới, và phần lớn các dự án đó đều không đáp ứng được kỳ vọng.

Từ 2009-2019, Exxon chi 261 tỷ USD cho đầu tư cơ bản, nhưng sản lượng dầu khí của công ty trong thời kỳ đó gần như đi ngang và số nợ lại tăng thêm 45 tỷ USD - theo số liệu của ngân hàng đầu tư Evercore ISI. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của Exxon vào năm 2009 là 16%, đến năm 2019 chỉ đạt 4%.

Để đẩy mảng dầu khí đá phiến sau một thời gian tụt hậu so với các hãng đối thủ, Exxon mua lại XTO Enery Inc. với mức giá hơn 30 tỷ USD vào năm  2010. Nhưng đó lại cũng chính là thời điểm mà giá khí đốt cao hơn so với phần lớn thời gian của thập niên kế tiếp. Các vụ đầu tư lớn và rủi ro ở vùng Bắc Cực của Nga và dầu cát ở Canada cũng không diễn ra như mong muốn.

Nhằm vực dậy Exxon, CEO Woods sử dụng lại chính chiến lược cũ của công ty: đầu tư mạnh vào các dự án lớn vào thời điểm giá dầu giảm xuống thấp nhằm đón đầu một đợt tăng giá dầu trong tương lai. Với chiến lược này, hãng đã rót nhiều tỷ USD vào Guyana và vùng Permian Basin thuộc miền Tây bang Texas.

Nhưng ngay từ trước khi đại dịch ập đến, một số kế hoạch tăng trưởng của Exxon ở Texas đã bị một số nhân viên của hãng xem là thiếu thực tế - nguồn tin nội bộ tiết lộ. Tháng 3/2019, Exxon tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu khí của hãng tại Permian Basin lên 1 triệu thùng/ngày sớm nhất vào năm 2024, từ mục tiêu trước đó là đạt 600.000 thùng/ngày vào năm 2025. Nhưng một số nhân viên của dự án nói rằng mục tiêu như vậy là lạc quan thái quá.

Ứng phó với đại dịch, Exxon đã phải cắt giảm đầu tư ở Permian Basian và hạ dự báo sản lượng dầu khí của hãng ở vùng này trong năm 2020 xuống còn 345.000 thùng/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyện gì đã xảy ra với Exxon Mobil, công ty từng đắt giá nhất nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO