“Quốc hữu hóa” các công ty nước ngoài, đòn trả đũa của Nga?
Matxcơva đã bắt đầu cho thấy các động thái để đáp trả các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Bắt đầu bằng việc đe dọa “quốc hữu hóa” các công ty nước ngoài và sau đó có thể là một đòn chí mạng…
- Các tập đoàn Trung Quốc - “Ngư ông đắc lợi” sau căng thẳng Nga - Ukraine?
“Quốc hữu hóa” các công ty nước ngoài?
Mới đây, Tổ chức đại chúng của Nga đã đưa ra danh sách các công ty nước ngoài có thể sẽ bị “quốc hữu hóa” bởi chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo đó, 60 công ty nước ngoài quyết định tạm dừng hoặc rút khỏi Nga được cho là đã được đưa vào danh sách này. Người đứng đầu Tổ chức, Oleg Pavlov cho biết danh sách đã được đệ trình lên Chính phủ và Văn phòng Tổng công tố.
Trong danh sách đó, người ta có thể nhìn thấy các công ty toàn cầu bao gồm: Volkswagen, Apple, IKEA, Microsoft, IBM, McDonald’s, Porsche, Toyota, H&M và một số người khác.
Mặc dù trước đó, phát ngôn viên của Tổng thống Dmitry Peskov hôm 3/3 nói với các phóng viên rằng Điện Kremlin không xem xét việc quốc hữu hóa tài sản của các công ty nước ngoài tại Nga.
"Tôi không biết về điều này và Điện Kremlin không xem xét nó", ông trả lời trong một buổi phỏng vấn. Nhưng, sau đó lại nói thêm: “Tất cả các vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt, để giảm thiểu thiệt hại của các lệnh trừng phạt đó đều được xem xét và quyết định bởi trung tâm chống khủng hoảng của chính phủ do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đứng đầu”.
Vậy là đã có những tín hiệu rõ ràng từ phía chính quyền Matxcơva rằng, các công ty từ "những khu vực tài phán không thân thiện" đang rút khỏi Nga hoàn toàn, bao gồm cả BP và Shell, có thể sẽ bị quốc hữu hóa tài sản và mất cơ hội quay trở lại.
Hôm 10/3, Matxcơva đã vạch ra ba lựa chọn cho các công ty quốc tế ở Nga: Họ có thể tiếp tục hoạt động; chuyển quyền sở hữu của họ cho các đối tác Nga của họ quản lý và nhận lại sau đó; hoặc rút lui hoàn toàn, đóng cửa các hoạt động và sa thải nhân viên. Matxcơva cho biết họ sẽ coi lựa chọn cuối cùng là phá sản tự nguyện.
- Hàng loạt các công ty rút khỏi Nga, điều gì đang xảy ra?
- Visa, Mastercard rút khỏi Nga, các ngân hàng chuyển hướng sang Trung Quốc
Nga bắt đầu phản ứng trả đũa?
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và LNG của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm hoặc hạn chế xuất nhập khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô. Chính phủ Nga sẽ công bố danh sách các sản phẩm bị cấm vào ngày 11 tháng 3.
Tuy nhiên, vẫn có một dấu hiệu cho thấy, sẽ không có giới hạn nào được áp dụng đối với xuất khẩu khí đốt, Bộ Ngoại giao Nga cho biết vào ngày 9 tháng 3 rằng Matxcơva "không từ chối vị thế là một nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu”.
Trước đó, Phó Thủ tướng Alexander Novak đã cảnh báo, Matxcơva có thể ngừng cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 155 tỷ mét khối mỗi năm và định tuyến lại các nguồn năng lượng của Nga đến các điểm đến khác.
"Sau những cáo buộc vô căn cứ với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và việc đưa ra lệnh cấm đối với Nord Stream 2, chúng tôi có mọi quyền đưa ra quyết định và áp đặt lệnh cấm vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1", ông Novak cho biết trong một tuyên bố.
Rõ ràng đây là xác nhận chính thức đầu tiên rằng Matxcơva đang cân nhắc mọi lựa chọn để đáp trả các lệnh trừng phạt.
"Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định này, bởi vì không ai được hưởng lợi từ việc đó", ông Novak nói. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng "các chính trị gia châu Âu đang thúc đẩy chúng tôi đi đến quyết định này thông qua các tuyên bố và cáo buộc của họ chống lại Nga”.
Có thể nói, với “con bài” khí đốt trong tay, nhiều khả năng Nga sẽ thực sự gây ra sức ép lớn đối với các đồng minh châu Âu của Mỹ. Đơn giản vì nơi này có một sự phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt của Nga mà khó có thể thay thế trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cung cho rằng, không có nhiều khả năng Matxcơva sẽ chơi đòn “ tổn nhân bất lợi kỷ” đó, cấm xuất khẩu khí đốt sẽ là một quyết định đau đớn đối với Matxcơva. Dẫu sao đó vẫn là một trong số ít nguồn đồng tiền cứng của Nga trong bối cảnh này.
Có thể bạn quan tâm
Các tập đoàn Trung Quốc - “Ngư ông đắc lợi” sau căng thẳng Nga - Ukraine?
11:01, 10/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine khiến châu Âu bất an
05:30, 10/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và nghịch lý cấm vận
04:30, 09/03/2022
Xung đột Nga - Ukraine đang đẩy ngành ô tô vào cuộc khủng hoảng mới
16:22, 08/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, thế giới nơm nớp lo cái ăn
16:00, 07/03/2022
Việt Nam với hệ lụy từ cuộc chiến Nga - Ukraine
02:33, 06/03/2022