Nỗi đau "làm giàu" của "Vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn
Từ hai bàn tay trắng, "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn gây dựng cơ nghiệp, trở thành người giàu có và rồi bị ép vào tù tội mãi đến sau đổi mới mới được minh oan.
Những năm 80, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn. Số phận thăng trầm của "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn có thể gói gọn trong hai chữ "oan nghiệt". Cuộc đời ông là cả một chuỗi bi kịch liên tiếp với ba lần vào tù ra tội đầy cay đắng. Từ hai bàn tay trắng, "vua lốp" gây dựng cơ nghiệp, trở thành người giàu có và rồi bị ép vào tù tội mãi đến sau đổi mới mới được minh oan.
Ông Nguyễn Văn Chẩn vốn là một nông dân ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Năm 1954, ông bán tài sản giá trị nhất là ruộng rau, để lại cho vợ con một nửa số tiền, mang theo nửa còn lại tìm đường ra Hà Nội. Thoạt đầu, ông xin vào làm công ở “ngành công nghiệp” bóc vỏ xe ô tô cũ cắt ra làm dép. Sau khi tích luỹ được một số vốn, ông mở một cửa hiệu nhỏ rồi đón vợ con lên Hà Nội. Chỉ sau một năm, công việc làm ăn của ông Chẩn phất lên…. Nhưng điều này khiến ông bị coi là “tư sản mới”, bị kiểm tra, toàn bộ tài sản bị tịch biên và bản thân ông bị đưa đi cải tạo nhưng may mắn, chỉ vài ngày sau, ông được thả.
Trở về, ông Chẩn vẫn không bỏ được máu làm ăn. Một lần, khi cây viết mực của con bị hư, ông phải đi khắp các “cửa hàng bách hoá” mà không mua được vì “bút máy” là mặt hàng “phân phối”. Sau khi tìm mua được một cây viết chợ đen với giá đắt hơn giá trong cửa hàng Nhà nước nhiều lần, ông Chẩn tức mình ngồi tháo ra nghiên cứu và nhận thấy là ông có thể tự làm được những cây viết mực. Thế rồi ông chuyển sang làm “bút máy”. Bút máy của ông có kiểu dáng gần giống và chất lượng tương đương “bút máy Trường Sơn” nhưng được bán tự do với giá rẻ. Ông Chẩn đem mẫu bút ra Phòng thủ công nghiệp quận đăng ký sản xuất bút mực.
Tá bút được người ta thi nhau lia trên 12 tờ giấy trắng. Một thời gian sau, ông được phép sản xuất và những chiếc bút máy mang kiểu dáng bút Trường Sơn được xuất xưởng hàng loạt, mỗi ngày ra hàng trăm chiếc vẫn không có đủ để bán.
Ông Chẩn lại phất lên và lại bị “tài chính quận Hoàn Kiếm” kiểm tra chỉ vì ông “sống ở quận Ba Đình mà kinh doanh ở Hoàn Kiếm”. Toàn bộ công cụ, đồ nghề, nguyên liệu, sản phẩm lại bị tịch thu rồi chỉ được trả một phần nhỏ sau nhiều lần thưa kiện. Sau lần bị tịch thu công cụ, nguyên vật liệu sản xuất bút, "vua lốp" đoạn tuyệt với nghề làm bút tai vạ.
Những tưởng sẽ được yên ổn, nào ngờ chỉ một thời gian ngắn sau đó, công an quận Ba Đình kéo đến khám nhà, tịch thu toàn bộ môtơ, khuôn làm bút, vài tạ dép đứt quai, cao su, hàng ngàn chi tiết bút.... Với tội danh “tàng trữ và đầu cơ hàng hoá sản xuất trái phép”, ông Nguyễn Văn Chẩn bị Toà án Hà Nội xử 30 tháng tù giam. Thay vì phúc thẩm ngay theo đơn kháng án của ông, mãi tới ngày 25-5-1972, Toà án Tối cao mới xử phúc phẩm và tại bản án số 22, ông Chẩn chỉ bị buộc tội “đầu cơ”, bị “cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng” sau khi đã phải trải qua 18 tháng trong nhà tù Hoả Lò, 12 tháng trong trại tù Yên Bái.
Khi từ nhà tù Yên Bái trở về, ông Chẩn đã định từ giã con đường làm ăn tư nhân. Ông xin vào công ty vệ sinh Thành phố và buổi tối thì nhận xăm của nhà máy cao su về nối. Nhưng… ông nhận ra nhựa vá xăm lốp quốc doanh “chưa vá đã bong” nên mày mò pha chế và tìm ra một loại nhựa tốt hơn.
Các chủ đại lý lại xếp hàng rồng rắn trước xưởng nhựa của ông Chẩn. Khách các tỉnh xa về mua hàng càng lớn. Ông Chẩn lại giàu lên. Tháng 1-1974, ông bị bắt và ngồi tù cho tới ngày 30-3 năm ấy. Ra tù ở tuổi 50, sau 5 năm bán chè chén, năm 1979, ông quay lại với nghề làm vỏ xe ở một trình độ cao hơn. Năm 1980, ông Chẩn cho xuất xưởng những chiếc vỏ xe thồ có thể chạy ba năm trong khi vỏ xe cùng loại của Nhà máy cao su Sao Vàng chỉ chạy được chưa đầy sáu tháng. Sản phẩm của ông từng được trao Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ. Từ đây, ông Nguyễn Văn Chẩn bắt đầu có tên “Vua Lốp”.
Khách hàng từ các tỉnh phía Bắc đến xếp hàng hằng ngày chờ mua vỏ xe thồ đã làm cho Chính quyền chú ý. Người có tiền án hai lần vào tù vì “buôn bán xăm lốp ô tô cũ và sản xuất bút máy” đương nhiên trở thành đối tượng của công an. Đầu tháng 7-1983, ông Chẩn bị kiểm tra và trong suốt ba ngày trời, “dưới sự chứng kiến của hàng trăm quan chức đủ mọi thành phần và hàng ngàn người dân hiếu kỳ, ông Chẩn và các con đã phải thao tác quy trình làm lốp bằng phế liệu”. Không tìm ra lỗi, Chính quyền Hà Nội đành cáo buộc ông “tự ý sản xuất” làm “rối loạn” nền kinh tế mà, trong đó, mọi sản phẩm đều do Nhà nước lên kế hoạch, giao chỉ tiêu từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ.
Hà Nội năm 1983 là địa phương duy nhất hăng hái thi hành “Chỉ thị Z-30” mà theo đó, sự giàu có cũng được coi là tội trọng. Sáng sớm ngày 27-8-1983, lực lượng liên ngành quận Ba Đình bao gồm quân đội, công an, viện kiểm sát, uỷ ban đã phong toả nhà và xưởng sản xuất của Vua Lốp, rồi tuyên bố, tịch thu toàn bộ nhà cửa, nguyên vật liệu và dây chuyền sản xuất xưởng sản xuất lốp, đồng thời ra lệnh bắt giam ông Chẩn.
Đã có kinh nghiệm từ ba lần trước, ông Chẩn bỏ trốn lên Hàng Đào, rồi sau đó bắt đầu những ngày phiêu bạt, nay Thái Bình, mai Hải Phòng, Hà Bắc. Các lực lượng chức năng kéo đến nhà ông Chẩn ở làng Ngọc Hà rất đông. Lệnh khám nhà; Bắt người khẩn cấp; Thu nhà; Thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu sản xuất, lệnh truy nã toàn quốc đối tượng Nguyễn Văn Chẩn cũng lập tức được ban bố rộng rãi. Điều trớ trêu là sau khi bị thu nhà, tài sản, đến tháng 9/1983, gia đình “Vua lốp” nhận được giấy mời đi nhận huy chương cho lốp Quyết Thắng!.
Bản thân "Vua lốp" phải sống những ngày chui lủi tăm tối của một kẻ bị truy nã, nhưng ông vừa trốn vừa kêu oan. "Đó là khoảng thời gian rất cơ cực, tôi vừa phải trốn vừa làm đơn kêu oan gửi đi khắp nơi, bất cứ chỗ nào có thể. Cuộc hành trình đi tìm công lý gian khổ và vất vả không thể kể hết thành lời", ông Chẩn nói. Không thể kể hết bao nhiêu lá đơn ông viết, bao nhiêu lần gửi đơn đến cơ quan công quyền. Cuối cùng thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nhà cửa cho "Vua lốp".
Nhưng Công an lại ra quyết định miễn tố. Ông Chẩn tiếp tục kiện: "Miễn tố là có tội nhưng miễn cho, nhưng tôi có tội gì?". Lại thêm những đơn từ kiện lên, kiện xuống. Ngày 21/12/1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội, quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận tôi vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản cho gia đình ông. Đây có thể nói là một "thắng lợi tinh thần", giúp ông lấy lại danh dư vì được minh oan và trở thành người vô tội.
Từ năm 1989, Hà Nội bắt đầu sửa sai chiến dịch Z30 theo thông báo số 83 TB/TƯ ngày 8/8/1986 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: "Đối với những trường hợp kết luận, xử lý sai phải trả lại nhà và tài sản thu giữ của họ". Ngày 1/9/1990, Hà Nội ra công văn số 4071 do Chủ tịch UBND Lê Ất Hợi ký về việc trả lại tài sản cho "Vua lốp". Ngày 13/2, gia đình ông hân hoan đón nhận ngôi nhà sau gần 7 năm bị thu giữ, trong tiếng pháo ăn mừng của bà con trong làng Ngọc Hà. "Nhà được trả lại, nhưng tài sản thì không, "Vua lốp" lại tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng, không mệt mỏi. Và phải 10 năm sau đó, ông mới nhận lại được một phần tài sản của mình.
Về già, cụ Chẩn nghễnh ngãng nặng, cụ cho kê hai cái bàn bi a trong sân, cho trẻ thuê với điều kiện "không nói tục, chửi bậy". Cụ còn làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, chữa được cho nhiều người mắc chứng nan y. Các con cụ cũng đã nên ông nên bà, con cháu không ai còn theo nghề lốp. Cái phát minh được đánh giá là "vĩ đại" của Việt Nam trong việc tái sử dụng cao su phế thải dần bị lãng quên.
Ông Nguyễn Văn Chẩn mang khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời của cả một thế hệ, mãnh liệt chẳng kém gì khát vọng độc lập tự do trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ sau đổi mới, cái khát vọng ấy đã được thừa nhận và khuyến khích. Từ những "hiện tượng" Nguyễn Văn Chẩn trong thực tế cuộc sống, chính sách của Đảng và Nhà nước dần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Từ ngày đổi mới, xã hội có cái nhìn trân trọng hơn với giới doanh nhân. Để có được cái nhận thức ấy là cả một quá trình trăn trở tự "lột xác", của từ người lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân và quá trình ấy đang diễn ra hằng ngày. Cuộc đời chìm nổi của "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn có ý nghĩa như người tiên phong, đóng góp kinh nghiệm cho sự phát triển của Thủ đô, của đất nước, để cho xã hội có được thế hệ doanh nhân như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm