Xung quanh gia đình cuộc sống đều xoay quanh hoá chất, bữa cơm cũng nói chuyện về hoá chất, đã trở thành cuộc sống của Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang, Đào Hữu Duy Anh.
Sau 6 năm giữ vai trò Phó Tổng giám đốc, đầu năm 2020, Đào Hữu Duy Anh chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc CTCP Hoá chất Đức Giang. Năm nay, ở tuổi 33, giá trị cổ phiếu Duy Anh đang nắm giữ khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Những mùa hè đáng nhớ
Lớn lên trong môi trường hóa chất, là đời thứ 3 làm việc cho hóa chất Đức Giang trong gia đình từ bà ngoại, bố. "Đó là nghiệp của gia đình. Từ bé đến lớn chưa nghĩ làm gì khác. Xung quanh gia đình cuộc sống đều xoay quanh hoá chất, bữa cơm cũng nói chuyện về hoá chất, từ bé nhà bán hoá chất ở tầng 1, tầng 2, còn gia đình tôi ở tầng 3, tầng 4, lúc nào cũng ở cạnh hoá chất. Đến khi đi học ở Anh về gia đình mới mua nhà tách khỏi công ty. Đó là cuộc sống của mình rồi, không bao giờ thấy gò bó khi làm công việc này", Đào Hữu Duy Anh chia sẻ.
Mặt mũi đen xì là cách mà Đào Hữu Duy Anh miêu tả về mình khi nghĩ về những ngày thơ bé tại căn hộ tập thể trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), nơi anh sống cùng bố mẹ và 6 thành viên khác trong gia đình cùng làm nghề hóa chất. Căn hộ chật chội còn chứa một xưởng hóa chất thu nhỏ khi ông Đào Hữu Huyền mày mò làm bạc nitrat để tráng gương. Muội đen bám quanh nhà, bám khắp người cậu con trai Duy Anh đang bò lổm ngổm.
Đó là những năm đầu thập kỷ 90, khi ông Huyền, trong thời gian làm việc tại Nhà máy hóa chất Đức Giang được cử đi học tại Áo, tiếp nhận những tư duy mới về kinh doanh… trở về tìm cách khởi nghiệp. Đây cũng là lúc Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, manh nha xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân và hoạt động sản xuất công nghiệp. Ông Huyền nghỉ việc tại Đức Giang và cùng vợ lập nên Công ty Văn Minh - chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán cho thị trường trong nước.
Năm 2007, khi Đức Giang tiến hành cổ phần hóa, bố mẹ Duy Anh quay trở lại trở thành những cổ đông lớn nhất tại công ty. Tiếp xúc với hóa chất từ bé trong phòng thí nghiệm của bố tại nhà, Duy Anh cũng thường xuyên nghe bố mẹ nói: “Sau này kế nghiệp gia đình nhé”.
Có tuổi thơ không vất vả về vật chất nên Đào Hữu Duy Anh có điều kiện để học hành bài bản. Giành được một phần học bổng của Đại học Cambridge và có những năm tháng du học ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Anh, song cứ đến kỳ nghỉ hè, Duy Anh lại trở về Việt Nam và gần như dành toàn bộ khoảng thời gian này để làm quen với công việc kinh doanh từ nhỏ nhất của gia đình.
Năm 2009, Đức Giang thành lập công ty con là Hóa chất Đức Giang - Lào Cai tại Cụm Công Nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, khởi công nhà máy sản xuất phosphor lớn nhất Việt Nam (công suất 40.000 tấn/năm). Mùa hè năm đó, Bảo Thắng thường xuyên 40 độ.
Công việc đầu tiên tại công ty của Duy Anh là công nhân đổ bê tông, sau đó là công nhân ở xưởng nguyên liệu. Tất cả đều phải làm 8 tiếng một ngày. Nhà máy chưa xong, máy móc thiết bị chưa lắp, anh công nhân trẻ phải trực tiếp xúc than, xúc apatite vào máy sàng. “Đó là mùa hè không thể quên”, vị Phó tổng giám đốc trẻ nhớ lại.
Duy Anh chia sẻ, cảm xúc lúc đó là sự đam mê háo hức rất lớn vì đây là nhà máy đầu tiên, là tài sản đầu tư lớn nhất lúc đó của công ty. Đó còn là cơ hội tiếp xúc, nghe câu chuyện của “những người công nhân đang sống ở khu vực nghèo nhất Việt Nam, những người anh thậm chí còn chưa từng tiếp xúc ở Hà Nội. Ở Anh tất nhiên là càng không”.
Những năm sau đó, Hóa chất Đức Giang liên tục mở thêm các công ty con là Hóa chất Lào Cai, Hóa chất Bảo Thắng… sau khi đưa vào vận hành Đức Giang - Lào Cai. Thời gian di chuyển từ Hà Nội tới các nhà máy cách hơn 400km mất cả 8-9 tiếng.
Cũng giống như các du học sinh khác, Duy Anh từng có ý định ở lại làm việc để trải nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm trong các tập đoàn hàng đầu thế giới trước khi về nước. Nhưng những công việc trải qua trong khoảng thời gian về nước nghỉ hè, nghỉ Tết khiến chàng du học sinh thay đổi dự định cho tương lai.
“Lúc đó, suy nghĩ cũng mơ mộng lắm, muốn làm cho McKinsey, muốn làm cho các doanh nghiệp nước ngoài… Nhưng về thấy bố mẹ đã hơn 50 tuổi rồi mà vẫn phải di chuyển liên tục để xây dựng, quản lý các nhà máy, thấy thương quá. Mùa hè cuối cùng ở Anh, trước khi quyết định sẽ về hay ở lại thêm vài năm nữa, có một lần mình đứng ở Harrods - khu phố đắt đỏ nhất London. Mọi thứ đều hào nhoáng. Nhưng mình chợt nhận ra thực sự chưa bao giờ thấy cuộc sống ở Anh là vui cả, vì không có gia đình ở đây. Chỉ khi về nghỉ hè hay nghỉ Tết ở Việt Nam, cứ về đến nhà là cảm thấy vui rồi”, Duy Anh tâm sự.
Dấu ấn tại Đức Giang
Trở về sau những năm du học, công việc chính thức đầu tiên Duy Anh đảm nhiệm ở Đức Giang là làm trợ lý cho bố mình – ông Đào Hữu Huyền. 25 tuổi được đặt lên ngồi ở vị trí Phó Tổng giám đốc, đến Tổng giám đốc ở tuổi 32.
“Lúc mình mới vào công ty, mọi người nhìn với con mắt rất dè dặt, rất sợ. Nhưng dần dần, việc gì mình cũng làm, biết lắng nghe, biết sửa sai và hòa đồng với mọi người thì sự đánh giá đã chuyển sang những gì mình đóng góp cho công ty”, vị lãnh đạo trẻ tự tin.
“Bố mẹ mình nói rằng, muốn làm giỏi, phải làm được những việc bé nhất. Thế nên mình làm trợ lý cho bố, rồi làm trong phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), rồi phụ trách mảng xuất khẩu, rồi làm dự án mới với giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng. Phải tự tay chọn công nghệ, lựa chọn bên mua, tìm bên bán, mọi việc đều phải làm hết”.
Môi trường chuyên nghiệp và những kiến thức học ở Anh, và môi trường làm việc tại một doanh nghiệp có gốc Nhà nước rất khác biệt. Chẳng hạn khi Duy Anh đề xuất áp dụng các phần mềm quản lý như ERP, SRP để số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, rất nhiều người nghi ngờ việc biến toàn bộ sổ sách thành dữ liệu trên máy tính.
Phương châm của Duy Anh là kết hợp cả những thực tế của doanh nghiệp và ưu điểm của các mô hình nước ngoài. Vị lãnh đạo 8x cho rằng, quá trình chuyển giao giữa quá trình quản lý nhà nước và mô hình công ty tư nhân không thể bê nguyên 100% quản lý nước ngoài để áp dụng. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều đặc thù riêng mà quản lý nước ngoài không thể tính tới .
Ở tuổi 33 và sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hàng trăm tỷ đồng, Duy Anh chia sẻ “thực sự không có cảm giác gì khác lạ vì tài sản trên thị trường chứng khoán không đánh giá được hết những gì mình đang có”. Ngược lại, vị lãnh đạo trẻ cho rằng một trong những tài sản quý báu nhất của mình là lợi thế về ngôn ngữ - vừa kỹ thuật, vừa học thuật - để có thể trao đổi xu hướng và công nghệ với các giáo sư, kỹ sư hàng đầu của nước ngoài, để hiểu xu thế chung của thị trường hóa chất thế giới, qua đó biết được mặt hàng đang thiếu cung, có lợi thế sản xuất và lợi nhuận cao.
Mặc dù sớm được xác định là người kế nghiệp bố - vốn đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, song Duy Anh khẳng định Đức Giang không phải là doanh nghiệp gia đình mà là công ty đại chúng, nơi các cổ đông bên ngoài nắm hơn 55% cổ phần. “Nếu không thể đáp ứng tốt nhất lợi ích cho các cổ đông, chính mình cũng bị thay thế. Đây cũng chính là quan điểm của bố mình”, anh nói.
Chia sẻ về quan điểm quản trị công ty Đào Hữu Duy Anh chia sẻ, đầu tiên là kỹ trị, phải nắm rõ kỹ thuật, thì mới nói những người ở dưới, vì các giám đốc nhà máy đều là nhân tài cả. Họ là các bạn đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế, có bạn là tiến sỹ hoá học Cambridge, kỹ sư Bách Khoa…là những người đầu ngành về kỹ thuật, mình phải nắm chắc kỹ thuật, nói không sai thì người khác mới nghe được.
Thứ hai là nhân trị, nhân viên là những người trong gia đình, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của họ vì họ cống hiến hết mình cho công ty.
"Đối với tôi, nhân trị và kỹ trị là hai yếu tố hàng đầu, nhưng cũng không thể thiếu pháp trị. Sai phạm phải bị xử lý theo quy định để không ảnh hưởng đến công ty, nhưng pháp trị là yếu tố cuối cùng phải xử lý", Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang cho biết.
Có thể bạn quan tâm