Hành trình biến đất thành “vàng” của “vua gốm sứ"

NGUYỄN VIỆT 17/02/2021 04:43

Công ty Minh Long I của nghệ nhân Lý Ngọc Minh được biết đến qua những tác phẩm phục vụ sự kiện và các buổi yến tiệc quốc gia.

Minh Long I là một trong những nhà tài trợ đặc biệt của hội nghị cấp cao ASEAN 2020 với bộ bình trà Huyền Liên, được chế tác phức tạp hơn bộ Hoàng Liên tại APEC 2017 với họa tiết được đắp nổi. 

Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Minh Long Lý Ngọc Minh.

Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Minh Long Lý Ngọc Minh.

Tuy nhiên, để vừa sống sót, vừa nuôi dưỡng kĩ thuật đẳng cấp, Công ty Minh Long I đã phải phá vỡ nghịch lý “cả đời mài giũa, khao khát tạo ra những sản phẩm độc bản, đỉnh cao về mặt nghệ thuật và kĩ thuật nhưng thị trường thì chạy theo những sản phẩm sản xuất hàng loạt với giá rẻ”, bằng sự nghĩ và tự vượt ra ngoài các khuôn khổ của truyền thống.

Mỗi bộ Hoàng Liên bán ra thị trường với giá tới gần trăm triệu, nhưng Minh Long I không sống bằng những tác phẩm như vậy. Giống như các hãng gốm sứ lâu đời khác trên thế giới, Minh Long I “sống” nhờ những sản phẩm sản xuất đại trà bằng hệ thống máy móc tự động. 

Để xây dựng thương hiệu gắn liền với những sản phẩm thủ công, Minh Long I đã tự “làm khó” mình ở thị trường Việt Nam, vì khách hàng trông đợi ở những sản phẩm mà hãng bán ra, dù là đại trà cũng phải có vẻ đẹp và chất lượng “nhìn vào là thấy đẳng cấp”.

Nhưng túi tiền của người dân lại không chi trả đắt hơn những sản phẩm không có thương hiệu quá 50%. Đã có lúc, để duy trì đẳng cấp này mà Minh Long I “về kĩ thuật thì đạt đến đỉnh cao mà về kinh tế thì trước mắt là vực thẳm”, theo lời Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Minh Long Lý Ngọc Minh. 

Là người có những ước mơ lớn trong việc chinh phục những đỉnh cao của kĩ nghệ gốm sứ, ông Minh không che giấu tham vọng muốn sản phẩm của mình sánh vai hoặc hơn các hãng của Đức như Rosethal, Meissen, Villeroy & Boch…với tuổi nghề hàng trăm năm. Nhưng ông Minh cũng là người thực tế, chân luôn chạm đất với óc kinh doanh nhạy bén. 

Cái đẹp, với ông Lý Ngọc Minh, cũng nên là một loại ngôn ngữ có thể truyền đạt cho nhiều người hiểu được. Ông lấy ví dụ như có mấy người nước ngoài cảm nhận được vị ngon của nước mắm, mắm nêm, mắm tôm nguyên bản? Nhưng khi chế biến thành các món như chả cá Hà Nội, bún chả, phở thì ai ăn cũng thích. Làm nghề thủ công ở thời hiện đại với ông là như vậy, phải tái định nghĩa lại những công năng của gốm sứ.

Và bộ nồi chảo của ông Minh ra đời với cái tên “dưỡng sinh” bắt kịp đúng xu hướng thời thượng sống xanh, ăn sạch được dấy lên trong vài năm trở lại đây. Nhưng để sản phẩm thể hiện đẳng cấp mà lại không được bán đắt mà vẫn đủ sống trên thị trường là “bài toán khó giải”. Và ông Lý Ngọc Minh nhận thấy, tự động hóa là lối thoát duy nhất.

Minh Long I “sống” nhờ những sản phẩm sản xuất đại trà bằng hệ thống máy móc tự động.

Minh Long I “sống” nhờ những sản phẩm sản xuất đại trà bằng hệ thống máy móc tự động.

Do đó, từ cuối những năm 90, ông Minh đã nhập khẩu những máy móc hiện đại nhất của ngành gốm sứ ở Đức và Nhật để tự động hóa một số công đoạn. Đến ngày nay, quá trình tự động hóa và số hóa đã thực hiện gần như toàn bộ, từ “cục đất chạy ra cái chén”.

Không mấy người hiểu rằng nếu không có những tri thức “thoát thai” từ thủ công truyền thống thì sẽ không thể thiết kế hệ thống tự động hóa. Và ngược lại, nếu không có số hóa, cho phép kiểm soát, ghi lại từng thông số kĩ thuật của từng bước sản xuất thì kĩ thuật cũng như thiết kế cũng không thể phá bỏ được những giới hạn cũ. 

Chia sẻ tại một diễn đàn với chủ đề “CEO 4.0: lướt trên cơ hội hay chìm trong thách thức”, ông Lý Ngọc Minh từng khẳng định, việc đầu tư công nghệ tự động hoá chỉ là bước đầu. Sau đó là hàng loạt những thách thức cần tìm lời giải. 

Theo ông Minh có những khó khăn khi đầu tư dây chuyền tự động hoá trong sản xuất mà DN cần phải tính toán đến như nhân lực vận hành và đầu ra cho sản phẩm chứ không chỉ là bài toán tài chính.

Ông Minh kể lại câu chuyện tự động hoá của doanh nghiệp mình, sau khi nhập máy móc, Minh Long 1 bắt đầu tuyển dụng 80 nhân viên kỹ thuật để vận hành dây chuyền sản xuất mới của giai đoạn tự động hoá.

Nhưng trong 3 tháng đầu tiên, 80 kỹ sư được tuyển dụng vẫn không thể nào vận hành trôi chảy hệ thống sản xuất mới vì dù có kiến thức, kỹ thuật nhưng các kỹ sư lại không có chuyên môn về sản xuất gốm sứ. 

Rồi chuyện khi dây chuyền đi vào hoạt động công suất tăng gấp 3-4 lần thì bài toán tìm thị trường tiêu thụ cũng hết sức quan trọng. Chính vì thế trước khi tự động hoá, doanh nghiệp cũng phải tính bài toán đầu ra cho sản phẩm. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bốn quy tắc

    Bốn quy tắc "bất thành văn" của ông chủ gốm sứ Minh Long I

    02:18, 17/06/2020

  • Gốm sứ Minh Long I: “Hàng hiệu” của người Việt!

    Gốm sứ Minh Long I: “Hàng hiệu” của người Việt!

    00:00, 02/02/2015

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hành trình biến đất thành “vàng” của “vua gốm sứ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO