Việt Nam sẽ thành một cường quốc về blockchain, metaverse, web 3.0?
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho rằng, đây là thời điểm để chúng ta cùng nhau đưa Việt Nam thành một cường quốc về blockchain, về metaverse, web 3.0... trên thế giới trong tương lai.
>> Metaverse đang đặt ra những thách thức gì cho cơ quan quản lý?
Chia sẻ tại chương trình Tech Summit 2022, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, muốn nhìn sự phát triển, phải nhìn vào sự đầu tư nghiên cứu để phát triển. Đó cũng là lý do các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ... chinh phục nhiều cột mốc thành công về công nghệ và internet. Đến nay, toàn thế giới có khoảng 1.350 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển các công nghệ ảo, biến metaverse thành cuộc đua mới giữa các ông lớn facebook, Apple, Google.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa đánh giá Internet có hậu thuẫn mạnh mẽ từ chủ trương chính sách chương trình “chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với thể chế và công nghệ là động lực. Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu Việt Nam nằm trong TOP 5 ASEAN.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu kết nối và chuyển đổi số tại Việt Nam bùng nổ. Ông Khoa dẫn chứng một vài số liệu minh chứng cho sự bứt tốc đột phá này. Nổi bật có tốc độ download internet cố định và di động lần lượt xếp thứ 42 và 48 trên thế giới, đứng thứ 4 tại Đông Nam Á. Lưu lượng Internet cũng tăng hơn 30% trong năm qua.
Theo ông Khoa, đầu tư chuyển đổi số là kế hoạch lâu dài. Với hạ tầng về băng thông, blockchain, 5G... hành trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ là con đường khả quan với nhiều tiềm năng chuyển biến tích cực.
Xu hướng đầu tư vào AI, metaverse, blockchain nở rộ và thu hút các doanh nghiệp Việt đổ vốn, tạo ra các nền tảng, hệ sinh thái các giải pháp, ứng dụng dựa trên AI... Với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên mới của internet, ông Khoa cho biết, VINASA đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành hệ sinh thái cho từng xu hướng công nghệ. Đồng thời, Hiệp hội sẽ hỗ trợ toàn diện từ tư vấn chính sách, phát triển thị trường, nghiên cứu công nghệ, truyền thông, phát triển nguồn lực và khởi nghiệp.
>> Các thương hiệu nổi tiếng đang “nhập vai”trong Metaverse như thế nào?
"Khi đã có tiền đầu tư để thử nghiệm, ta cần một bãi thử để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo đó. Đây là thời điểm để chúng ta cùng nhau đưa Việt Nam thành một cường quốc về blockchain, về metaverse, web 3.0... trên thế giới trong tương lai", Chủ tịch VINASA chia sẻ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác, sáng tạo, bứt phá trong kỷ nguyên mới của internet, góp phần sớm đưa Việt Nam thành cường quốc về AI, blockchain...
Ông Trí Phạm - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Whydah cho rằng, metaverse là khái niệm khá khó hiểu với nhiều người trong khi đây vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều người, thậm chí doanh nghiệp, sẽ có những định nghĩa khác nhau dành cho thế giới ảo này. Nếu một ngày metaverse có thể hiện hữu như một thế giới thực, Giám đốc Whydah cho rằng, nó sẽ bao gồm bốn tính chất cơ bản: sự hội tụ của trải nghiệm online và offline; tính liên tục; quyền sở hữu số và tự chủ danh tính.
Minh chứng cho việc metaverse ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới, Giám đốc Whydah đưa ra số liệu về người dùng tham gia "thế giới ảo" này. Chỉ trong hơn một năm từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2021, con số này đã tăng gấp 10 lần.
"Các chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội do COVID-19, cộng với xu hướng làm việc tại nhà nở rộ khiến người dùng dành nhiều thời gian trên Internet hơn. Tăng trải nghiệm online và ít giao tiếp xã hội khiến mọi người bắt đầu mua những vật phẩm online và sở hữu những món đồ phục vụ cho avatar thay vì chính bản thân họ. Các chuyên gia của Forbes hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm nhìn thấy metaverse là một ngành kinh tế nghìn tỷ USD", ông Trí Phạm cho biết.
Theo đó, rất nhiều công ty đã bước chân vào metaverse, đơn cử có Facebook, Alibaba, Tencent, Nvidia... Nhiều công ty cũng bán những vật phẩm ảo bên cạnh sản phẩm thật như Adidas. Thậm chí các công ty game hàng đầu như Epic Games hay Roblox cũng phát triển metaverse của riêng mình.
Theo ông Trí Phạm, sự phát triển của metaverse đồng hành với sự phát triển của các công nghệ cốt lõi như công nghệ VR (Virtual Reality - Thực tế ảo), AR (Augmented Reality - Thực tế tăng cường), IoT (Internet of Things - Internet vạn vật), Digital Twins (Cặp song sinh kỹ thuật số - bản sao kỹ thuật số của các cấu trúc trong thế giới thực) và blockchain.
Có thể bạn quan tâm
Nike mua lại startup NFT studio RTFKT với tham vọng chinh phục metaverse
06:26, 20/12/2021
Metaverse đang đặt ra những thách thức gì cho cơ quan quản lý?
04:50, 15/12/2021
Các thương hiệu nổi tiếng đang “nhập vai”trong Metaverse như thế nào?
05:15, 14/12/2021
Metaverse “ngược dòng” của Niantic
04:08, 13/11/2021
Roblox và tham vọng xây dựng metaverse
04:08, 23/10/2021
Metaverse - Cuộc đua mới của các ông lớn công nghệ
04:11, 29/09/2021