Thanh Hóa: Nhiều nạn nhân dính "bẫy" đầu tư vào Bạch Gia Media
Thông tin đến Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều người dân ở Thanh Hóa cho biết, họ đã rơi vào cảnh nợ nần, nhà tan cửa nát vì đầu tư "ôm" tivi, dính vào "bẫy" huy động vốn của Công ty Bạch Gia.
Theo đơn thư của những nhà đầu tư tại Thanh Hóa, từ lời giới thiệu quảng cáo của nhân viên công ty, họ đã đầu tư nhiều tiền của "ôm" ti vi chờ lãi lớn vào Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Bạch Gia Media (có địa chỉ trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Gold Silk, Vạn Phúc, Hà Đông, TP Hà Nội). Nhưng hơn một năm qua hàng trăm người dân tại Thanh Hóa đang phải nuốt cay đắng vì "tiền mất tật mang".
Tan cửa nát nhà vì đầu tư vào Bạch Gia
Ông Trịnh Hữu Thường, có địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa cho biết: vợ chồng ông đầu tư tổng số 85 thiết bị màn hình ti vi, mỗi thiết bị là 12.800.000 nghìn đồng. Ban đầu ông Thường đầu tư vào 13 thiết bị và nhận được bản hợp đồng thuê-mua tài sản và biên bản bàn giao thiết bị mà người đại diện phía Công ty có tên là Bạch Hải Âu, chức vụ Giám đốc Công ty CP truyền thông đa phương tiện Bạch Gia.
Điều đáng nói, sau khi đầu tư 13 ti vi, những tháng đầu tiên, phía Công ty Bạch Gia đều trả tiền lãi suất và gốc qua tài khoản cho ông Thường theo đúng hợp đồng đã ký kết. Thấy vậy, ông và vợ tiếp tục đầu tư mua thêm tổng lên 85 thiết bị màn hình ti vi, với số tiền là trên một tỷ đồng để tiếp tục cho phía Công ty Bạch Gia thuê.
Đến tháng 2/2019, Công ty Bạch Gia đột ngột ngừng trả tiền lãi suất và gốc theo hợp đồng ký kết cho ông Thường và nhiều người dân khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhượng, Thị Trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành cũng không khác ông Thường, bà cũng đầu tư tổng 33 thiết bị.
Bà Nhượng cho biết: Sau khi nghe anh Lê Văn Dương và chị Lò Phương Chiên, thành viên Công ty Bạch Gia có văn phòng làm việc tại số 23 Phạm Văn Hinh, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) đến tư vấn về tham gia hợp đồng thuê-mua tài sản với Công ty Bạch Gia, gia đình tôi bị “thuyết phục”. Nội dung tư vấn là khi tham mua thiết bị màn hình quảng cáo, sau đó cho chính công ty này thuê lại trong thời gian 12 tháng, tôi được trả 1,6 triệu đồng/tháng bao gồm cả gốc lẫn lãi. Sau khi hết hợp đồng ngoài số tiền gốc là 12,8 triệu đồng, tôi được 6,4 triệu đồng tiền lãi cho thuê thiết bị. Thấy có lợi nhuận, gia đình tôi đã vay mượn tiền của người thân và ngân hàng mua tổng 33 màn hình. Chúng tôi mới nhận được số tiền lãi trong vài tháng thì đến 2/2019 phía công ty ngừng giao dịch từ đó đến nay không thấy đâu nữa.
"Hiện tại, gia đình tôi vô cùng khốn đốn, những đồng lương tích cóp để dùng lúc tuổi già cũng như sổ đỏ chúng tôi đã đổ hết vào Công ty Bạch Gia. Không nhưng mất tiền mà hàng tháng còn phải trả lãi ngân hàng, trong nhà đồ gì có giá trị phải bán hết", bà Nhượng cho biết thêm.
Gian nan đi tìm công lý
Bà Phạm Thanh Tâm, ông Kiều Hồng Vân xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc cũng trong hoàn cảnh trên, bức xúc nói: "Trước những hành vi có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Bạch Gia, chúng tôi đã làm đơn phản ánh, tố cáo đến chính quyền và các cơ quan chức năng của các huyện Hậu Lộc, công an tỉnh Thanh Hóa, Công an Hà Nội. Thế nhưng hơn một năm qua vẫn chưa nhận được hồi âm thỏa đáng của chính quyền".
Ông Trịnh Hữu Thường cho biết thêm: "từ khi bị Công ty Bạch Gia ngừng chi trả và “lặn tăm” tại Thanh Hóa, người dân chúng tôi đã kéo ra tận trụ sở chính công ty ở Hà Nội, gõ cửa nhiều cơ quan ban ngành từ địa phương đến Trung ương để cầu cứu. Thế nhưng hiện nay mọi sự vẫn chưa được giải quyết".
Trước sự việc trên, người dân mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ hoạt động huy động vốn của Công ty Bạch Gia và các thành viên của công ty này đóng trên địa bàn Thanh Hóa.
Được biết, không chỉ riêng Thanh Hóa mà nhiều địa phương trên cả nước cũng có rất nhiều trường hợp đầu tư vào công ty truyền thông Bạch Gia Media. Nhiều nhất phải kể đến các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định,... nhiều chủ đầu tư, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng bần. Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Bạch Gia đang bị hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành trên cả nước tố cáo có dấu hiệu "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo mô hình siêu đa cấp".
Có thể bạn quan tâm
Tài chính đa cấp: Nhiều nhà đầu tư “tố" FNET lừa đảo
05:30, 30/11/2020
Đa cấp tài chính (Kỳ III): Cần xử lý nghiêm sàn đa cấp biến tướng Yokef
05:30, 27/10/2020
Đa cấp tài chính (Kỳ II): Yokef núp bóng đa cấp "hút máu" nhà đầu tư?
05:30, 30/09/2020
Đa cấp tài chính (Kỳ I): Cẩn trọng “đánh bạc” kiểu đa cấp trên sàn Yokef
05:00, 29/09/2020