Tài chính đa cấp: Nhiều nhà đầu tư “tố" FNET lừa đảo

DIỄM NGỌC 30/11/2020 05:30

Các hoạt động và thông tin về Công ty Cổ phần Công nghệ FNet Work (FNET) đã hoàn toàn "bặt vô âm tín", hàng loạt nhà đầu tư hoang mang, “tố" công ty này lừa đảo.

Bánh vẽ ngọt ngào...

Công ty FNet được thành lập từ 24/2/2020, địa chỉ tại L8, Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh có vốn điều lệ 33 tỷ đồng, do ông Lương Thế Hoài là Tổng giám đốc, địa chỉ website: https://www.fnet.me.

Đầu tháng 3/2020, FNet đi vào hoạt động và giới thiệu là mạng xã hội 4.0 nằm trong chuỗi dự án hệ sinh thái về công nghệ của công ty CP Công nghệ Fnetwork, với lợi thế có sẵn cộng đồng hơn 1.000.000 thành viên. Lấy cốt lõi “Nội dung là vua” và nguồn vốn có được từ Quỹ đầu tư hơn 100 tỷ đồng, FNet lựa chọn hướng phát triển là “Nội dung” và “Quảng cáo mạng lưới” tạo nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo, để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng.

FNET đưa ra

FNET đưa ra "bánh vẽ" về một hệ sinh thái đầy hấp dẫn thu hút nhà đầu tư

Ban lãnh đạo công ty này cũng giới thiệu, công ty có đội ngũ sáng lập là những thành viên với hơn 10 năm kinh nghiệm điều hành quản trị trong các tập đoàn đa quốc gia thuộc các lĩnh vực như tài chính, công nghệ, am hiểu về người dùng ở Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…. Đội ngũ của Công ty có nền tảng công nghệ cao về App Mobile, Website, Hạ tầng Server, Xử lý Big Data, bản quyền sở hữu trí tuệ và được sự tham vấn từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các quỹ đầu tư trong ngành. 

Tuy nhiên, mô hình phát triển của công ty này lại “đậm chất” đa cấp bằng cách xây dựng mạng lưới bán cổ phần và huy động vốn, trả hoa hồng trực tiếp, gián tiếp cho nhà đầu tư theo mô hình chóp nón.

Mô hình trả thưởng của công ty

Mô hình trả thưởng của FNET "đậm chất" đa cấp khi trả thưởng tới 10 tầng với tổng số hoa hồng lên tới 35%

Cụ thể, FNET phát hành cổ phiếu nội bộ (CPNB) với tổng số phát hành 200 triệu CPNB, trong 5 giai đoạn gọi vốn với thời gian 2,5 tháng từ 01/3 đến 15/5/2020, giá khởi điểm là 0,0015USD/CPNB. 

Các đợt mở bán CPNB như sau: Vòng 1 (15 ngày bắt đầu từ ngày 01/3/2020): FNET phát hành 6.666.000 CPNB, với giá 0,0015USD/CPNB, số lượng mua nhỏ nhất 20$ tương đương 13.333 CPNB và gói lớn nhất là 100.000 USD. 

Những nhà đầu tư tham gia mua CPNB tại vòng 1 được hưởng thêm các quyền lợi như: Được tặng 10 chỉ vàng cho Top 10 nhà đầu tư có gói đầu tư lớn nhất; Tặng 40% cổ phiếu ưu đãi gói đã mua; Được chuyển nhượng cổ phiếu tự do trên sàn nội bộ từ vòng 2; Được nhận cổ tức chia chung của công ty từ vòng 2; Được hoàn 100% số tiền tương ứng đã mua, số tiền được chuyển về ví điểm, sau mỗi ngày nhà đầu tư nhận về 0,2% ví điểm quy đổi ra ví USDT cho đến khi hết ví điểm. Nhà đầu tư có thể mua tiếp CPNB hoặc sau khi công ty bán hết CPNB sau 5 vòng, nhà đầu tư có thể rút được tiền. Đồng thời, công ty cam kết mua lại CPNB với giá gấp đôi sau 6 tháng.

Nhà đầu tư giới thiệu, mời nhà đầu tư mới tham gia mua CPNB của công ty sẽ được hưởng hoa hồng đến 10 tầng bao gồm: Hoa hồng trực tiếp F1 hưởng 15% số CPNB nhà đầu tư mới mua và hoa hồng gián tiếp từ F2 đến F10 lên tới 20%.

Ngoài ra, nếu đạt doanh số cao nhất mỗi vòng thì nhà đầu tư được thưởng thêm CPNB như: Đạt doanh số mỗi vòng cao nhất trong 7 ngày được thưởng 2 triệu CPNB, trong 12 ngày được thưởng 1,5 triệu CPNB và trong 15 ngày được thưởng 1 triệu CPNB.

Cái kết đắng...

Theo tố cáo của nhà đầu tư tên H đến từ Ninh Bình, sau khi tung ra chương trình bán CPNB, FNet thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư tham gia, chia sẻ và mở rộng mạng lưới. Công ty này tiếp tục mở ra dự án mới mang tên Vipharma, website: vipharma.com, cung cấp các ứng dụng, giải pháp về ngành dược phẩm, y tế nằm trong chuỗi hệ sinh thái về công nghệ của công ty FNet. Chính sách phát hành CPNB tương tự như tại FNet, một hình thức “bình mới rượu cũ" nhằm dẫn dụ nhà đầu tư tiếp tục xuống tiền với những hứa hẹn trên trời về lợi nhuận.

Theo đó, 120 triệu cổ phiếu được Vipharma phát hành với 3 vòng gọi vốn trong 2 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020, với giá khởi điểm là 0,002USD/CP, giá sẽ tiếp tục tăng qua mỗi vòng gọi vốn. Chính sách cho các nhà đầu tư xây dựng hệ thống vẫn là hoa hồng 10 tầng, tổng 35% doanh số toàn nhánh cùng nhiều phần thưởng khác. 

Đến nay, 2 website của FNet hoàn toàn dừng hoạt động, các nhà đầu tư không còn nhận được lợi tức sau khi đầu tư tiền vào công ty này và đã nhiều lần liên lạc với ban lãnh đạo công ty nhưng không có phản hồi.

Các website của FNET đã hoàn toàn dừng hoạt động và ban lãnh đạo công ty cũng bặt vô âm tín

Các website của FNET đã hoàn toàn dừng hoạt động và ban lãnh đạo công ty cũng bặt vô âm tín

Đỉnh điểm là vào đầu tháng 11/2020, trong các hội nhóm FNet trên mạng xã hội Zalo đã xuất hiện những nhóm chia sẻ thông tin khởi kiện công ty này đến các cơ quan chức năng. Nhà đầu tư H cho biết thêm, hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3/2020, thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, bà H có quen biết một số người đang đầu tư tại FNet, sau khi nghe giới thiệu về dự án, bà H đã bỏ số tiền 4 triệu đồng đầu tư 2 mã vào công ty này. Khi công ty ra mắt dự án Vipharma, bà H cũng tiếp tục đầu tư thêm 1 triệu đồng ở dự án mới nhưng vì lý do dịch bệnh bùng nổ, công ty thông báo gặp khó khăn nên cũng không nhận được lợi tức nào từ FNet. Cho đến nay, các thông tin về công ty cũng như ban lãnh đạo đều bặt vô âm tín. 

Không riêng bà H, mà còn rất nhiều người khác cũng đầu tư, thậm chí với số tiền rất lớn và đang hoang mang không biết làm thế nào để đòi lại quyền lợi.

Không riêng bà H, mà còn rất nhiều người khác cũng đầu tư, thậm chí với số tiền lớn và đang hoang mang không biết làm thế nào để đòi lại quyền lợi

Không riêng bà H, mà còn rất nhiều người khác cũng đầu tư, thậm chí với số tiền lớn và đang hoang mang không biết làm thế nào để đòi lại quyền lợi

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, không ít những dự án có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp tài chính như FNet nở rộ thời gian gần đây, tiềm ẩn rủi ro pháp lý, gây nguy cơ tiền mất tật mang, hệ luỵ cho xã hội nhưng dường như cộng đồng nhà đầu tư vẫn mù quáng lao theo.

Trong khi đó, kinh doanh đa cấp được quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP và phải được đăng ký tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng- Bộ Công thương. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều bỏ qua yếu tố này cho đến khi “mất bò mới lo làm chuồng". Hiện tại, những nhà đầu tư đã bị sập bẫy đa cấp cần có đơn tố cáo gửi tới chính quyền sở tại, nơi công ty đăng ký kinh doanh, đặt trụ sở hoạt động, trong đơn cần nêu đầy đủ thông tin, diễn biến sự việc để các cơ quan chức năng nắm bắt và thụ lý vụ việc. 

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư tài chính đa cấp:

    Đầu tư tài chính đa cấp: "Lùa" nhà đầu tư bằng "chuyên gia" đọc lệnh

    06:00, 21/07/2020

  • DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 13- 18/7:

    DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 13- 18/7: "Nở rộ" đầu tư tài chính đa cấp

    11:30, 18/07/2020

  • Đa cấp tài chính (Kỳ III): Cần xử lý nghiêm sàn đa cấp biến tướng Yokef

    Đa cấp tài chính (Kỳ III): Cần xử lý nghiêm sàn đa cấp biến tướng Yokef

    05:30, 27/10/2020

  • Đa cấp tài chính (Kỳ II): Yokef núp bóng đa cấp

    Đa cấp tài chính (Kỳ II): Yokef núp bóng đa cấp "hút máu" nhà đầu tư?

    05:30, 30/09/2020

  • Đa cấp tài chính (Kỳ I): Cẩn trọng “đánh bạc” kiểu đa cấp trên sàn Yokef

    Đa cấp tài chính (Kỳ I): Cẩn trọng “đánh bạc” kiểu đa cấp trên sàn Yokef

    05:00, 29/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tài chính đa cấp: Nhiều nhà đầu tư “tố" FNET lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO