Dân bên KĐT Phước Lý kêu trời (Kỳ 2): Người dân bức xúc do đâu?
Sau một thời gian thi công Khu đô thị (KĐT) Phước Lý (TP Đà Nẵng), người dân xung quanh vẫn bức xúc khi những nhập nhằng chưa được giải quyết dẫu đã ý kiến nhiều lần.
Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, lấn chiếm quá diện tích đất thu hồi, nhập nhằng giải tỏa đền bù là những hậu quả KĐT Phước Lý đem lại cho người dân địa phương.
Bất bình đẳng trong đền bù
Theo quy định trước đó, người dân có đất nông nghiệp tại khu vực triển khai dự án KĐT Phước Lý phải bị thu hồi trên 4.000 mét đất mới đăng ký mua 01 lô đất tái định cư. Đồng thời những người bị thu hồi diện tích đất trên cũng sẽ được bố trí 01 chung cư tại khu chung cư Phước Lý. Thế nhưng, một thời gian sau thì chế độ hỗ trợ người dân lại không phải như vậy.
Ông Hồ Nhị, trú tại tổ 123 (P. Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết những người chấp hành những quy định trước đó phải chịu mất 4.000 mét mới được đăng ký mua 01 lô đất tái định cư. Thế nhưng những người không chấp hành, cố tình chây ỳ lại có lợi hơn. Cụ thể, ông Nhị cho rằng nhiều hộ không không bị thu hồi đủ diện tích đất vẫn được đăng ký mua đất.
“Không những thế, phần bố trí chung cư lúc ban đầu khi nhận thông báo thì chúng tôi được biết rằng sẽ là bố trí chung cư cho người dân ở. Tuy nhiên, sau vài năm thì chúng tôi phải đóng tiền để thuê chung cư? Hỏi Ban quản lý chung cư thì chỉ nhận được câu trả lời rằng thành phố quy định thu tiền”, ông Hồ Nhị nói.
Cũng theo ông Nhị, phía chủ đầu tư, địa phương giải quyết không rõ ràng, không công bằng với những người chấp hành và không chấp hành. Những người không chấp hành lại được lợi hơn. Trong khi những người chấp hành trước khi không đủ thì cũng chịu cảnh nhận đền bù rẻ bèo.
“Chúng tôi muốn có sự công bằng giữa một cộng đồng dân cư với nhau. Khi cần thu hồi đất thì địa phương cưỡng chế nhà dân khiến họ phải chấp nhận cảnh đền bù với giá một mét đất chỉ hơn một tô bún nhưng người chây ỳ thì lại được lợi. Việc bất bình đẳng đã khiến người dân ngày càng thêm bức xúc”, ông Nhị nói thêm.
Nhập nhằng mục đích sử dụng đất
Theo người dân địa phương, diện tích đất thu hồi trước đó được thông báo để làm cụm công nghiệp Phước Lý. Thế nhưng, sau khi thu hồi xong thì khu vực này lại chuyển sang làm Khu đô thị khiến người dân càng thêm phần khó hiểu.
“Không hề có một nhà máy nào cả, mà lại chuyển sang phân lô bán nền. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng chẳng thông báo gì cho nhân dân được biết. Như thế là lừa dân chứ còn gì nữa. Chính quyền cần phải có những suy nghĩ về những lại ích cho nhân dân, tầm nhìn phải có tâm có tầm, chứ KĐT để lại nhiều hậu quả mà chính dân cư tại đây phải gánh chịu”, ông Nhị bức xúc.
Để làm rõ các thông tin người dân phản ánh, phóng viên đến gặp ông Phạm Ngọc Lãnh - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh để xác minh sự việc. Tuy nhiên vị này từ chối trả lời vì phóng viên không có thẻ nhà báo. Mặc dù phóng viên đã trình giấy giới thiệu nhưng vị này vẫn quả quyết rằng giấy này không có hiệu lực.
Tiếp tục, phóng viên liên hệ ông Nguyễn Nhường – Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu để tiếp cận thông tin. Ông Nhường cho biết xung quanh KĐT Phước Lý trước đây người dân làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp nhiều cho nên bây giờ phải chịu ngập?
“Sắp đến thành phố sẽ quy hoạch, giải tỏa di dời dân đến nơi khác. Những giấy tờ ở đây toàn là viết tay bán cho nhau nên cần phải xem xét lại. Thời gian qua quận cũng đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ dân trong những lúc khó khăn. Còn phương án tổng thể thì phải đợi thành phố, khi ổn thỏa sẽ quy hoạch lại khu vực ấy”, ông Nguyễn Nhường thông tin.
Bên cạnh đó, ông Nhường cũng cho rằng đối với khu vực quận Liên Chiểu nếu như làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp sẽ không được sửa chữa. Còn việc có sổ đỏ là được cấp sau ngày công bố quy hoạch, việc hợp thức hóa làm sổ đỏ trên nền đất ruộng thanh tra quận đang rà soát lại, xem gốc hồ sơ đó giả hay thật, đúng hay sai.
“Hiện nay dân phải chấp nhận sửa chữa, xây dựng tạm một thời gian để thời gian tới chờ thành phố quyết định. Còn dự án KĐT Phước Lý khi nào triển khai xong cũng phải chờ chủ trương của thành phố, quận không có quyền. Thành phố phải xem xét quyết định tùy theo khả năng, dịch bệnh, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra,... xong rồi sẽ có chủ trương”, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nói thêm.
Đối với các hộ bị thu hồi quá diện tích đất, ông Nhường cũng thông tin rằng tại Liên Chiểu cũng có hàng nghìn trường hợp như thế, tất cả đều đang chờ được giải quyết.
Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn hoài nghi rằng nếu thanh tra thì liệu rằng thanh tra có phát hiện ra trong tổng số diện tích đất thu hồi ấy có lợi ích nhóm hay không? Liệu rằng có tổ chứ nào lấy tên của nhân dân để sở hữu đất tại KĐT Phước Lý ấy. Người dân địa phương mong muốn được thanh tra bởi họ nghi ngờ đến tính minh bạch của dự án này.
Diễn đàn doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Dân bên KĐT Phước Lý (Đà Nẵng) kêu trời (Kỳ 1): Đời sống bấp bênh vì dự án
04:30, 04/12/2020
Đà Nẵng công bố lịch trình di chuyển của trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19
16:29, 01/12/2020
Đã Nẵng cách ly 11 người liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 ở TP. HCM
09:00, 01/12/2020
Đà Nẵng: “Hoán đổi đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng”
13:14, 26/11/2020
Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam bắt tay nhau kích cầu du lịch
20:54, 25/11/2020
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng chưa làm gì đã lạc hậu?
16:30, 25/11/2020
Cử tri Đà Nẵng: Dân tại dự án cống Khe Cạn không biết về đâu?
12:14, 25/11/2020
Đà Nẵng không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
11:17, 25/11/2020