Xây dựng Hòa Bình trước ngã rẽ tranh chấp ở HĐQT
Trước khi xảy ra tranh chấp ở HĐQT, giai đoạn trước dịch, doanh thu của HBC đã tăng trưởng lên hơn 5.000 tỷ đồng mỗi quý. Tuy nhiên, từ năm 2020, kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
>>>Xung đột tại HĐQT HBC: Liên tục các diễn biến mới
Nếu như trong năm 2015, doanh thu mỗi quý của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, thì giai đoạn sau doanh thu của Tập đoàn xây dựng số 1 Việt Nam này liên tục tăng trưởng. Đến năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19, doanh thu đã đạt hơn 5.000 tỷ đồng mỗi quý.
Sau đó, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, chịu chi phí tài chính tăng cao khi lãi suất tăng và ảnh hưởng của thị trường trái phiếu, nhưng xét về doanh thu, HBC vẫn ghi nhận đạt dao động trong khoảng từ hơn 2.000 – hơn 4.000 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế của HBC cũng tăng trưởng rất cao trong giai đoạn 2015-2019 và cũng đến năm 2020, lợi nhuận của tập đoàn giảm rất mạnh chỉ còn cao nhất là 59 tỷ đồng (quý II/2021), đến thấp nhất là quý II/2020 với chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Kết quả này phản ánh tác động sâu sắc của đại dịch đối với ngành xây dựng khi các dự án gần như "đóng băng" khó triển khai; chưa kể, sự "đóng băng" hoặc chậm trễ ghi nhận dự án vào doanh thu còn đến từ giá nguyên vật liệu xây dựng tăng vọt.
Bước sang năm 2022, bức tranh kinh doanh của HBC có phần sáng sủa hơn nhưng vẫn chưa trở lại so với thời kỳ trước dịch. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của HBC ghi nhận đạt 10.904 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế đạt 113 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế giảm 16%, còn 61 tỷ đồng.
Riêng trong quý III/2022, HBC ghi nhận quý doanh thu khởi sắc với 3.778 tỷ đồng, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, giúp biên lợi nhuận gộp đạt tới 7,46% (cao hơn nhiều so với cùng kỳ chỉ 5,54%).
Trong quý, doanh thu tài chính đạt mức tăng 2,3 lần, đạt 34 tỷ đồng (chủ yếu là lãi bán hàng trả chậm, chậm thanh toán). Tuy nhiên, các loại chi phí còn tăng rất mạnh như: chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,3 lần, lên 153 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 50%, lên 112 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải gánh khoản lỗ khác 6,7 tỷ đồng.
Tất cả những yếu tố trên đã khiến lợi nhuận trước thuế của HBC chỉ còn 25 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 5,4 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận trước và sau thuế quý III/2022 của HBC đã tăng lần lượt 65% và 4%, nhưng so với quý II, lợi nhuận sau thuế giảm 88%.
Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của HBC đạt 18.653 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15%, đạt 13.355 tỷ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản. Trong đó, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng thêm 12%, lên 415 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp đạt 2.793 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm 15% tổng tài sản. Như vậy, các khoản phải thu và hàng tồn kho của HBC đã chiếm tới 86% tài sản. Đây là một tỷ lệ rất cao.
>>>Nỗ lực thoát dòng tiền kinh doanh âm của HBC
Về nguồn vốn, nợ phải trả của HBC tại ngày 30/9/2022 đạt 14.913 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Như vậy, 80% tài sản của HBC được hình thành từ nợ phải trả. Nợ vay của HBC cũng có bước tăng khá mạnh trong 9 tháng, đạt 6.566 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng, tăng 17%; vay dài hạn 1.070 tỷ đồng, tăng 2,7 lần.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ là 13.332 tỷ, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó nợ vay là 6.566 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng; chủ yếu là từ ngân hàng. Nợ vay ngắn hạn là 5.496 tỷ đồng và dài hạn là 1.070 tỷ bao gồm dư nợ trái phiếu 987 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong 3 quý là gần 358 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sự suy giảm của vốn chủ sở hữu, còn 3.770 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn xây dựng này đã lên tới 3,95 lần, tăng mạnh so với đầu năm (3,08 lần) và là hệ số rất cao, kể cả với đặc thù của ngành xây dựng.
Tăng mạnh khoản phải thu là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HBC ghi nhận âm 1.331 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ dương 896 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 319 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 22 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính dương gần 1.501 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 756 tỷ đồng, do tăng đi vay.
Liên quan đến huy động vốn, trong tháng 10 vừa qua, HBC đã thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị lên tới 95 tỷ đồng. Mục đích phát hành là để thực hiện chương trình mua tài sản.
Doanh nghiệp cũng công bố kết quả đợt chào bán 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 32.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Theo thông tin công bố, toàn bộ số cổ phiếu được mua bởi Sanei Architecture Planning Co. Ltd (Sanei) đến từ Nhật Bản. Qua đó, Sanei sở hữu 1,87% vốn tại HBC. Kết thúc đợt chào bán, HBC đã huy động được 162,5 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của tập đoàn lên 2.678 tỷ đồng.
Liên quan đến tranh chấp tại HĐQT HBC, mới đây, ông Lê Viết Hải đã dùng quyền cổ đông lớn của HBC, với tỷ lệ nắm giữ 17,14% cổ phần, yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường.
Chương trình họp ĐHCĐ bất thường dự kiến có những nội dung chính sau: Thứ nhất, thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT; Thứ 2, thay đổi một số quy định trong điều lệ của công ty; Thứ 3, bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới. Cuối cùng là đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi cuối tuần trước.
Cuộc tranh chấp tại HĐQT Tập đoàn xây dựng số 1 Việt Nam giữa ông Lê Viết Hải, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và là người giữ vị trí này suốt gần 35 năm qua với ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập, người mới gia nhập HBC chưa đầy 2 năm và không sở hữu cổ phần nào, đang ngày càng nóng khi bên nào cũng cho là mình đúng. Phía ông Phú tuyên bố nếu vị trí Chủ tịch HĐQT không được chuyển giao trong cuộc họp HĐQT vào ngày 10/1 thì ông sẽ khởi kiện. Còn ông Hải cũng khẳng định, ông đã chuẩn bị sẵn những tình huống pháp lý.
Có thể bạn quan tâm