Sự việc tranh chấp nội bộ tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) liên tục xuất hiện các diễn biến mới thu hút sự chú ý của dư luận cũng như giới đầu tư.
>>>Nỗ lực thoát dòng tiền kinh doanh âm của HBC
Nguồn cơn của việc tranh chấp này xuất phát từ việc ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Hòa Bình có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty và vào ngày 14/12/2022, HĐQT HBC đã ban hành Nghị quyết số 50 bao gồm một số nội dung như: chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023, thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Hải xin rút khỏi tư cách Thành viên HĐQT, thông qua thành lập “Hội đồng sáng lập” HBC.
Đồng thời, HĐQT HBC cũng thông qua Nghị quyết 51 về việc bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT HBC thay thế ông Lê Viết Hải. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2023.
Việc từ nhiệm của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT công ty là nhằm mục đích hợp thức hóa vị trí Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, hai vị trí Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT của công ty đại chúng không được có quan hệ huyết thống.
Vào ngày 31/12/2022, HĐQT HBC bất ngờ công bố Nghị quyết số 53 nhằm hoãn việc thi hành các quyết định tại Nghị quyết 50 và 51 đã thông qua trước đó, trong đó có việc từ nhiệm của ông Hải. Do đó, tính đến ngày cuối cùng của năm 2022, ông Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT của HBC.
Tuy nhiên, “nhóm” ông Nguyễn Công Phú (nhóm bao gồm Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine) đã lên tiếng cho rằng, những quyết định của Nghị quyết số 53 công bố ngày 31/12/2022 không có hiệu lực thi hành.
Phía ông Phú cho rằng, ông Hải đã triệu tập HĐQT lần hai nhưng chỉ có 4/8 thành viên HĐQT tham gia, nên không đủ điều kiện để tiến hành họp HĐQT theo điều lệ của công ty. Do đó, Nghị quyết 53 ban hành ngày 31/12 không có hiệu lực thi hành.
Đáng chú ý, trong thông cáo báo chí phát đi ngày đầy năm 2023, nhóm ông Phú còn chỉ trích ông Lê Viết Hải "điều hành yếu kém", khiến HBC đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính.
Đồng thời, nhóm ông Phú cũng cho rằng, việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu HBC nhằm mục tiêu duy nhất là "khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai".
>>>HBC chật vật tới ngôi vương
Trước những công kích từ “nhóm” ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Viết Hải đã có tâm thư gửi cổ đông công ty. Ông cho rằng, những phát ngôn hay trình bày của bất kỳ các cá nhân nào khác, dưới bất kỳ hình thức nào đều là không chính thống và không thể hiện ý chí của công ty, không hướng đến việc bảo vệ lợi ích chung của công ty và cổ đông.
Theo ông Hải, những cá nhân nói trên, chủ yếu là những người không phải là cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của ông mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty, và không loại trừ có động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực muốn thâu tóm công ty.
“Những hành vi ấy đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty cũng như gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của tất cả cổ đông của công ty, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại", ông Hải viết trong tâm thư.
Đồng thời, ông Hải khẳng định sẽ sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng cùng các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho nhóm ông Phú tổ chức buổi gặp mặt báo chí cung cấp những thông tin kinh doanh nội bộ của Tập đoàn vào ngày 5/1 vừa qua.
Được biết, ngày 3/1 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi gửi văn bản đề nghị HBC cung cấp các biên bản họp HĐQT ngày 13/12/2022, ngày 31/12/2022, đồng thời có văn bản giải trình về việc triệu tập họp HĐQT ngày 31/12/2022.
Giải trình với HoSE, ông Lê Viết Hải cho rằng, sau khi ban hành các Nghị quyết trên, việc quản trị, điều hành doanh nghiệp đã phát sinh một số bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của Hội đồng sáng lập. Cụ thể, Hội đồng sáng lập đang được trao một số quyền hạn có thể ảnh hưởng tới hoạt động độc lập của HĐQT.
Đồng thời, việc thay đổi nhân sự cho vị trí Chủ tịch HĐQT có thể dẫn đến không đảm bảo thông suốt mọi hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm cận Tết Nguyên đán 2023.
Từ những lý lẽ trên, HĐQT cho rằng, cần thiết phải tạm dừng toàn bộ nội dung Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51 để củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới, tránh gián đoạn trong hoạt động tài chính và ngân hàng dịp cuối năm. Do đó, ngày 31/12/2022, HĐQT đã tổ chức cuộc họp và ban hành Nghị quyết 53 để hoãn thi hành 2 Nghị quyết nói trên.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT ông Lê Viết Hải đã triệu tập cuộc họp HĐQT vào ngày 31/12/2022 theo đề nghị bằng văn bản của ít nhất 2 thành viên HĐQT phù hợp với quy định. Cuộc họp HĐQT lần 1 được tổ chức trực tuyến đã không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự. Do đó, cuộc họp HĐQT lần 2 đã được diễn ra với số lượng 5/8 thành viên.
Trên cơ sở nội dung trao đổi liên quan đến cuộc họp, các thành viên HĐQT đã thảo luận và cho ý kiến biểu quyết. Với 3/5 phiếu biểu quyết tán thành, Nghị quyết 53 của HĐQT đã được thông qua hợp lệ.
Ở một diễn biến khác, mới đây, Trung tâm Trọng tài quốc tế - Chi nhánh tại TP.HCM (VIAC) đã có thông báo về việc tiếp nhận đơn khởi kiện của một cổ đông HBC liên quan đến những tranh chấp tại doanh nghiệp này. Theo đó, VIAC cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn khởi kiện cùng các tài liệu kèm theo của ông Huỳnh Bảo Ngọc kiện HBC với yêu cầu khởi kiện là tuyên bố hủy bỏ các Nghị quyết 50, 51 ký ngày 14/12/2022 và Nghị quyết 53 ký ngày 31/12/2022 của HĐQT HBC. Theo thông báo này, VIAC cho biết sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.
Có thể bạn quan tâm