“Mối lương duyên” với Amazon cạn dần, GIL đặt kế hoạch “đi lùi”
Năm 2023, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) đặt kế hoạch kinh doanh với cả doanh thu và lợi nhuận giảm hơn 52,6% và 71,4% so với năm trước.
>>>Cổ đông lớn đứng sau Chủ tịch HĐQT Gilimex là ai?
Cụ thể, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 28/4 tới, HĐQT GIL sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 103,5 tỷ đồng. Như vậy, so với kết quả thực hiện được của năm 2022 với doanh thu đạt hơn 3.166 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 361 tỷ đồng, thì kế hoạch năm 2023 của GIL giảm lần lượt là hơn 52,6% và gần 71,4%.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2023, doanh nghiệp dự kiến sẽ dành từ 800 – 1.000 tỷ đồng cho việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có kế hoạch vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để tài trợ vốn cho hoạt động.
Lãnh đại GIL dự báo, năm 2023 sẽ có nhiều khách hàng lớn tiềm năng trên thế giới thay thế, bổ sung đơn hàng cho các khách hàng hiện hữu và phát triển đầy công suất cho Công ty. Mặc khác, Công ty đã chủ động có kế hoạch ứng phó với tình hình hiện tại đồng thời xây dựng kế hoạch đáp ứng nhanh nhất trong tình hình mới khi kinh tế thế giới dần hồi phục.
Về các mục tiêu phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, doanh nghiệp cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất ngành hàng chính là hàng gia dụng, tái cơ cấu để tối ưu hóa các chuyền may hiện có tại các nhà máy trong hệ thống.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng, đa dạng hóa các layout chuyền, nhà máy sản xuất để đáp ứng chuyển đổi nhanh khi cần. Mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn. Tìm kiếm các cơ hội M&A trong ngành để phát triển công suất, đầu tư chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong thời gian nhanh nhất với giá trị đầu tư hợp lý.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Huế với tổng diện tích khoảng 460ha. Đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề đã được phê duyệt trong đánh giá tác động môi trường của dự án.
Mục tiêu trong năm 2023, dự án sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong quý II/2023; hoàn thành công tác thi công xây dựng, đưa phân khu A đi vào vận hành vào quý IV/2023 và hoàn thành 100% công tác thi công xây dựng đối với phân kỳ 1 – phân kỳ B và đưa vào vận hành trong quý IV/2023.
>>>Rủi ro của GIL khi lệ thuộc kinh doanh vào đối tác nước ngoài
Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với tổng diện tích khoảng 400ha từ quý III/2023. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát triển dịch vụ để phục vụ cho Khu công nghiệp như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics.
Đối với công tác phát triển sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tập trung công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, kịp thời nắm bắt thị hiểu của người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Thắt chặt mối quan hệ hợp tác với khách hàng hiện tại, mở rộng phát triển khách hàng mới, thị trường và sản phẩm mới có giá trị cao.
Phối hợp chặt chẽ cùng với khách hàng để đa dạng hóa sản phẩm, nhanh chóng đưa ra thị trường sản phẩm mới. Tái cơ cấu, cải tiến sơ đồ tổ chức, tăng nguồn lực chất lượng phát triển sản phẩm phục vụ cho việc mở rộng tìm kiếm khách hàng mới cũng như mở rộng nguồn hàng, mặt hàng khác từ khách hàng hiện tại.
Trở lại với kế hoạch kinh doanh năm 2023 “đi lùi” của GIL, mặc dù doanh nghiệp không giải thích rõ nguyên nhân, nhưng kế hoạch này cũng không gây bất ngờ. Bởi sang năm 2023, mối “lương duyên” giữa GIL với “gã khổng lồ” Amazon gần như không còn, khi Amazon đột ngột cắt giảm đơn hàng và GIL đâm đơn khởi kiện đối tác lớn nhất của mình, yêu cầu bồi thường hàng trăm triệu USD. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn tỷ đồng doanh thu đến từ sàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới này cũng sẽ bị mất đi.
Trên thực tế, thời điểm năm 2021 khi hai bên vẫn còn “cơm lành canh ngọt”, tổng các đơn đặt hàng của Amazon tại GIL lên đến 146,6 triệu USD, tương đương khoảng 3.451 tỷ đồng, chiếm tới gần 83,2% tổng doanh thu của doanh nghiệp này (năm 2021, GIL đạt 4.150 tỷ đồng doanh thu). Do đó, khi Amazon đột ngột cắt giảm đơn hàng, doanh thu của GIL ngay lập tức bị ảnh hưởng và phản ảnh ngay vào kết quả kinh doanh của 2 quý cuối năm 2022.
Theo đó, trong quý III/2022, doanh thu của GIL lao dốc trầm trọng xuống chỉ còn 213 tỷ đồng, giảm đến 83% so với quý trước đó và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Bước sang quý IV/2022, kết quả còn thê thảm hơn, khi doanh thu chỉ đạt gần 262 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 81,3% và gần 92% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 do đơn hàng giảm mạnh. Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đơn hàng trong quý I/2023 giảm 25 - 27% so với cùng kỳ do sức mua trên thế giới giảm sút. Trong khi đó, tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) dự báo, đơn hàng trong năm 2023 sẽ giảm 25% so với cùng kỳ. Do đó, việc GIL đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh so với năm trước cũng là điều dễ hiểu.
Có thể bạn quan tâm
Cổ đông lớn đứng sau Chủ tịch HĐQT Gilimex là ai?
04:14, 17/12/2022
Rủi ro của GIL khi lệ thuộc kinh doanh vào đối tác nước ngoài
05:25, 16/12/2022
Hành trình học tập và trưởng thành của gần 200 nhà quản lý tại Học viện Agile
19:00, 20/06/2022
GIL gặp khó đầu vào
13:16, 14/06/2022
Gilimex chuyển hướng sang bất động sản
04:30, 18/12/2021