Với lợi thế của doanh nghiệp dệt may sở hữu quỹ đất vị trí đắc địa khu vực quận sầm uất của TP.HCM và đang mở rộng, trong những năm gần đây, Gilimex không giấu tham vọng trong thị trường bất động sản.
>>> Học May Sông Hồng “bán nợ”
Mở rộng quy mô, đa ngành là xu hướng của nhiều doanh nghiệp, trong đó đích đến được ưu tiên là bất động sản (BĐS). Chẳng hạn như gần đây, Tập đoàn Hòa Phát ngày càng khẳng định vai trò trong mảng BĐS.
Với lĩnh vực dệt may, nhiều doanh nghiệp đã vừa “đạp bàn máy may”, vừa mở hướng sang BĐS, tài chính. Trường hợp của Công ty Dệt May Thành Công (TCM) là một ví dụ. Bên cạnh dệt may, TCM với sự chi phối của E-Land (hơn 43%) đã khẳng định BĐS như một trong những mũi chiến lược đa ngành. Theo kế hoạch năm 2021, Công ty này hợp tác với đối tác trong nước triển khai dự án TC Tower tại số 37 Tây Thạnh, TP HCM.
Hay như Công ty Damsan (ADS), Công ty Đầu tư và Thương mại TNG cũng “lấn sân” sang BĐS với vốn rót đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, TNG rót hơn 13.000 tỷ đồng vào các dự án BĐS khu công nghiệp và BĐS nhà ở; riêng dự án Khu đô thị Núi Cốc Escape chiếm tỷ trọng đầu tư lớn với gần 9.000 tỷ đồng…
Đến cuối 2020, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex (mã chứng khoán: GIL) đã có 4 công ty thành viên kinh doanh BĐS là Công ty BĐS Gia Định (GIL sở hữu 100%); Công ty CP BĐS Hưng Khang (GIL sở hữu 99,99%); Công ty CP Đầu tư Hạ tầng BT (vốn điều lệ 12 tỷ, GIL sở hữu 100%) và Công ty TNHH Lưu Công Hiệu (vốn điều lệ 25 tỷ, GIL sở hữu 100%). Ngoài ra còn có Công ty về Dịch vụ nhà hàng và Công ty Quản lý Khu công nghiệp, Công ty thiết bị Xây dựng, Công ty chiếu sáng, Công ty sản xuất kim khí. Theo đó, nhóm công ty này chiếm 9/13 công ty con và liên kết của GIL, tức đã dần áp đảo so với dệt may.
204 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2021 của GIL, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh phát triển dệt may, GIL hướng tới phát triển BĐS khu công nghiệp và chuỗi khách sạn đi kèm phục vụ các khu công nghiệp trong nước. GIL đã thông qua kế hoạch rót thêm 126 tỷ đồng cho 2 công ty thuộc BĐS. Trong đó, riêng với Công ty Đầu tư Mỹ Khang, GIL góp vốn đầu tư thông qua chuyển nhượng cổ phần để sở hữu 99,94%. Với những động thái mạnh mẽ trong lĩnh vực BĐS, GIL được dự báo có thể là ông lớn mới nổi của ngành BĐS, hoán đổi vị thế của nhà xuất khẩu chuyên về dệt may trước đây.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận của GIL vẫn chủ yếu đến từ mảng dệt may. Trong BCTC hợp nhất quý 3/2021, GIL ghi nhận doanh thu thuần giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 629 tỷ đồng do tác động của dịch COVID-19. Dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, GIL ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt tăng 8% so với cùng kỳ, đạt lần lượt gần 2.752 tỷ đồng và 204 tỷ đồng, sắp đạt về doanh thu và vượt về lợi nhuận so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Những khoản mục đầu tư bất động sản của GIL, vẫn chưa thể tạo ra tiền ngay với thanh khoản cao mà vẫn đang tồn tại ở dạng quyền lợi tương lai dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Kịch bản nào cho ngành dệt may năm 2022?
03:30, 09/12/2021
Tối ưu hoá chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may "cán đích"
16:01, 16/12/2021
Doanh nghiệp dệt may và logistics “bắt tay” vượt khủng hoảng
03:30, 17/12/2021
Dệt may Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Mỹ và EU
04:00, 06/12/2021