Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp phân hóa lợi nhuận

ĐÌNH ĐẠI 18/11/2023 05:00

Thị trường bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là có triển vọng tươi sáng nhờ nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, song lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn có sự phân hóa mạnh.

>>>Bất động sản công nghiệp xuất hiện nguồn cung mới giàu tiềm năng

Nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận

Thị trường Bất động sản Khu công nghiệp được đánh giá là có triển vọng tươi sáng nhờ nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, song, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành vẫn có sự phân hóa mạnh.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là có triển vọng tươi sáng nhờ nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, song lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành vẫn có sự phân hóa mạnh.

Đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp trong ngành bất động sản khu công nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý III/2023 là Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA), với doanh thu thuần đạt hơn 181 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp theo đó tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên hơn 108 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng hơn 220%, lên hơn 78 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý III tăng mạnh, song do quý II kém tích cực hơn, khiến doanh thu và lợi nhuận luỹ kế 9 tháng của ITA giảm lần lượt 29% và 25% so với cùng kỳ về hơn 323 tỷ đồng và gần 115 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Đứng thứ hai là Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) mang về 208 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 136% so với cùng kỳ từ mức nền thấp so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng.

Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp vẫn là doanh thu từ cho thuê đất khu công nghiệp đạt 170,5 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 6,6 ha cho Tập đoàn Sonadezi thuê (Sonadezi sở hữu 46,8% của SZC) với mức 72 USD/m2/chu kỳ thuê và khách thuê diện tích nhỏ đã thuê 3,4 ha trong quý III/2023.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, SZC mang về 559 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu đất cho thuê đạt 486,7 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, với diện tích cho thuê là 28,7 ha. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 127 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2% so với cùng kỳ.

Tiếp theo là Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (HoSE: TIP) ghi nhận doanh thu đạt 40,43 tỷ đồng, giảm 59,2% so với cùng kỳ; Nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 69,4 tỷ đồng, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới việc ghi nhận doanh thu tài chính đột biến.

Theo thuyết minh, doanh thu tài chính tăng đột biến trong quý III chủ yếu do ghi nhận lãi hợp tác 70 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận. Trong đó, Công ty thuyết minh lợi nhuận hợp tác chủ yếu liên quan tới việc Công ty CP Dầu khí Đầu tư khai thác Cảng Phước An thanh toán trước một phần chi phí sử dụng vốn phát sinh theo điều khoản hợp đồng hợp tác.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, TIP ghi nhận doanh thu đạt hơn 110 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 96 tỷ đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 58,7% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp khác trong ngành là Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (HoSE: NTC) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 35% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý III của NTC đạt 54,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với đóng góp lớn từ doanh thu tài chính, nhờ lãi tiền gửi, lãi cho vay tăng mạnh, cùng với khoản cổ tức từ các công ty đầu tư bên ngoài, nên lợi nhuận sau thuế của NTC tăng 35% so với cùng kỳ lên mức 76,7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần NTC đạt 172,5 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 232 tỷ đồng, tăng 11%. Công ty thực hiện lần lượt 21% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận.

>>>KBC hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận sụt giảm sâu

Nhiều doanh nghiệp ngành BDS KCN sụt giảm sâu lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp ngành BDS KCN sụt giảm sâu lợi nhuận.

Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm mạnh phải kể đến là “ông lớn” trong ngành là Tổng công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) với cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu. Theo đó, doanh thu quý III của IDC ghi nhận đạt 1.443 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 194 tỷ đồng, giảm hơn 68% so với quý 3/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 4.997 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.032 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và giảm 56% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, kết quả lợi nhuận sụt giảm mạnh chủ yếu do các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định của Bộ Tài chính.

Tương tự, Công ty CP Long Hậu (HoSE: LHG) cũng ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận giảm sâu. Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2023 của LHG giảm 62% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 67 tỷ đồng. Lãi ròng chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kỳ này, LHG không phát sinh doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu, trong khi, cùng kỳ thu gần 119 tỷ đồng và là doanh thu chủ chốt của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến lợi nhuận của LHG giảm mạnh trong quý III.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, LHG ghi nhận doanh thu gần 250 tỷ đồng và lãi ròng 107 tỷ đồng, giảm lần lượt 52% và 38% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 84% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HoSE: IJC) ghi nhận doanh thu thuần trong quý III giảm 59% so với cùng kỳ, xuống còn hơn. Lãi ròng của doanh nghiệp cũng giảm 42% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 69 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, IJC ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.255 tỷ đồng và lãi sau thuế 319 tỷ đồng, giảm lần lượt 28% và 34% so với cùng kỳ. Với kết quả này, IJC đã vượt 26% kế hoạch lãi trước thuế năm sau 9 tháng.

>>>SZC còn triển vọng với quỹ đất khu công nghiệp?

Triển vọng tươi sáng

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cuối năm sẽ tác động gián tiếp tới ngành bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) trong trung và dài hạn. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, BVSC cho biêt, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tính đến này 30/9/2023, lượng giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch cao hơn cùng kỳ về cả số tương đối và số tuyệt đối.

Giải ngân đầu tư công được chú trọng là động lực gián tiếp cho các khu công nghiệp (KCN) khi tăng tính hấp dẫn do việc cải thiện hạ tầng dẫn tới sự thuận lợi về logistics. Đặc biệt là các KCN trong các tỉnh thành được phân bổ vốn lớn, các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS KCN vẫn tiếp tục là điểm sáng với tỷ lệ hấp thụ tốt và giá chào thuê tiếp tục ở mức cao. Theo CBRE, giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc và miền Nam lần lượt ở ngưỡng 127 USD và 187 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Do quỹ đất sẵn sàng bàn giao hạn chế, nhu cầu cao khiến giá chào thuê các KCN đặc biệt ở miền Bắc vẫn tăng trưởng mạnh.

Tương tự, Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng đánh giá, triển vọng BĐS KCN tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định trong tương lai. Với lợi thế nền kinh tế mở, đồng thời Chính phủ có những chính sách đặc biệt để phát triển khu công nghiệp, triển vọng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục duy trì tích cực trong tương lai. Theo báo cáo của CBRE, diện tích đất KCN tại miền Bắc và miền Nam được kỳ vọng lần lượt tăng thêm 3,700 ha và 9,800 ha.

Giá đất KCN được dự phóng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định 5% - 10%/ năm trong tương lai nhờ nhu cầu thuê ổn định, tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì ở mức cao, và nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, với xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đi cùng vơi sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhà xưởng xây sẵn (NXXS) và Nhà kho xây sẵn (NKXS) sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai nhờ thiết kế hiện đại, giúp tiết kiệm chi phí và nguồn vốn cho doanh nghiệp đi thuê.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ góp phần kết nối các thành phố lớn hiệu quả hơn, qua đó tạo điều kiện để NKXS và NXXS phát triển tại các tỉnh lân cận quanh thành phố lớn.

Ngoài ra, Shinhan Việt Nam cho rằng, BĐS KCN còn được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công nghệ. Theo đơn vị này, các KCN gần các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam nhờ sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao dồi dào.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản công nghiệp xuất hiện nguồn cung mới giàu tiềm năng

    Bất động sản công nghiệp xuất hiện nguồn cung mới giàu tiềm năng

    08:00, 07/11/2023

  • Bất động sản công nghiệp duy trì triển vọng tích cực

    Bất động sản công nghiệp duy trì triển vọng tích cực

    04:30, 28/10/2023

  • Nguồn cung lớn, bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn đắt khách

    Nguồn cung lớn, bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn đắt khách

    20:30, 19/10/2023

  • Loạt thương vụ tỷ đô, bất động sản công nghiệp giữ vững vị thế

    Loạt thương vụ tỷ đô, bất động sản công nghiệp giữ vững vị thế "sao sáng"

    04:00, 19/10/2023

  • Doanh nghiệp FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng

    Doanh nghiệp FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng

    03:00, 16/10/2023

ĐÌNH ĐẠI