Đón đà phục hồi kinh tế
TS Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định rằng để nền kinh tế phục hồi và đi nhanh thì doanh nghiệp sẽ là trọng tâm của mọi chính sách.
Ông Bình cũng nhấn mạnh việc mở cửa một cách dần dần trong phạm vi an toàn, từng bước trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, người lao động sẽ giúp nền kinh tế sớm ngày ổn định trở lại. Các chính sách tiếp tục tháo gỡ chi phí cho doanh nghiệp sẽ là chính sách cần ưu tiên. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch, doanh nghiệp đã phải chịu thêm rất nhiều chi phí như chi phí xét nhiệm, chi phí cho việc thực hiện 3 tại chỗ… nên được xem xét tháo bỏ hoặc giảm tải một phần nào đó cho doanh nghiệp.
- Thưa ông, trong quá trình tái sản xuất và phục hồi sau dịch, sự hỗ trợ của nhà nước dành cho doanh nghiệp sẽ không đơn giản chỉ là cắt giảm những chi phí không cần thiết?
Đúng là như vậy, hỗ trợ ở đây không chỉ có nghĩa là cắt giảm chi phí mà còn là hỗ trợ về tài chính, về tiền. Cùng với đó, tôi cho rằng, hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là trả lại và mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, trên cơ sở có thể đảm bảo được an toàn về chống dịch.
Các biện pháp chống dịch phải khoa học, linh hoạt và tương xứng để tránh triệt tiêu không gian phát triển kinh tế. Các địa phương, cơ quan công quyền cần xem xét thu hồi một số biện pháp chống dịch khuôn mẫu, cứng nhắc gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Các Bộ, ngành cũng nên nghiên cứu, rà soát lại những quy định về thủ tục hành chính, những quy định pháp luật phi lý. Nhiều quy định, văn bản không chỉ không hỗ trợ nhiều mà còn gây phản ứng ngược cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, hiện có 2 luồng ý kiến, một cho rằng các chính sách hỗ trợ cần công bằng, trong khi đó, có ý kiến cho rằng cần ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp/ngành nghề có tính chất dẫn dắt hoặc những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tôi thiên về quan điểm thứ hai, tức cần ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp/ngành nghề có tính chất dẫn dắt hoặc những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Trên thực tế có những ngành nghề không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi COVID-19 như thương mại điện tử, các ngành nghề kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như gạo, sữa… có thể không cần hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều ngành nghề lại chịu thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không… thì cần nhận được sự hỗ trợ mạnh.
Với chính sách an sinh xã hội cũng vậy. Chúng ta nên ưu tiên những đối tượng yếu thế, những người mất đi công ăn, việc làm do ảnh hưởng của dịch. Tiếp đó, mới hỗ trợ đến những người bị giảm công việc, giảm thu nhập do dịch bệnh.
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng mọi chính sách cần phải hướng đến một trọng tâm nhất định thì mới phát huy được hiệu quả khi thực thi.
- Tác động từ đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tới kinh tế Việt Nam được đánh giá là lớn. Ông nghĩ như thế nào về tăng trưởng những tháng còn lại cuối năm?
Những tháng cuối năm sẽ khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Các chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố vừa qua cho thấy sự giảm tốc về tăng trưởng trong tất cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và cả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn vốn đầu tư công mới chỉ giải ngân được phân nửa trong khi chúng ta đã đi qua 3/4 quãng thời gian của năm. Không chỉ lấy đi cơ hội kinh doanh sản xuất, làn sóng dịch bệnh thứ 4 đã khiến chi phí kinh doanh tăng vọt. Hiệu quả kinh doanh, năng suất của đại bộ phận doanh nghiệp do vậy bị ảnh hưởng.
Một số tỉnh thành vẫn có thể tiếp tục theo đuổi các mục tiêu sạch bóng ca nhiễm COVID-19, nhưng một số tỉnh thành cần tính đến các giải pháp và cách thức chống dịch để từng bước hoàn trả lại các không gian hoạt động kinh tế, cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức ngay trong bối cảnh vẫn còn có các ca dương tính tại địa phương của mình.
- Theo ông, chúng ta có thể trông chờ vào những động lực quan trọng nào những tháng cuối năm nay?
Trong khi các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn, chúng ta cũng thấy có nhiều tỉnh thành đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí còn gia tăng tuyển dụng lao động, ví dụ như Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh và nhiều số tỉnh thành khác. Những địa phương này đang gánh trách nhiệm lớn hơn và là động lực duy trì tăng trưởng cho cả nước trong năm nay.
Chúng ta có thể trông chờ vào nhu cầu tăng mạnh của thị trường toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam khi trong những tháng tới, đặc biệt là vào những tháng tiêu dùng cuối năm. Đà suy giảm của tiêu dùng trong nước cũng được kỳ vọng sẽ bị chặn đứng và quay đầu tăng trở lại nếu như dịch bệnh được khống chế hay các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ hơn cũng đóng góp thêm cho tốc độ tăng trưởng.
Đặc biệt, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP là bước chuyển hướng tư duy linh hoạt thích ứng, đối phó tốt hơn với những thách thức tiếp theo. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không “cát cứ”, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Nhưng các động lực này chỉ có thể được phát huy tác dụng ở mức cao nhất nếu như chúng ta khống chế được dịch, hoặc chúng ta có các biện pháp khôi phục lại sản xuất một cách an toàn, xây dựng được mô hình đồng hành chống dịch - phát triển kinh tế ngay cả trong bối cảnh vẫn còn các ca dương tính tại các địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID 19
16:00, 29/10/2021
Phục hồi kinh tế: 67% doanh nghiệp gỗ hoạt động trên 70% công suất
15:36, 29/10/2021
GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Mong kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế
05:30, 28/10/2021
Giá xăng dầu tăng “phi mã” đe dọa đà phục hồi kinh tế
04:30, 28/10/2021
Đón đà phục hồi kinh tế
15:48, 26/10/2021
Nỗ lực phục hồi kinh tế: “Bệ đỡ” từ chính sách tài khóa
14:00, 23/10/2021
VCB cùng khách hàng hợp lực phục hồi kinh tế
13:00, 23/10/2021
[Infographic] Nỗ lực phục hồi kinh tế
11:00, 23/10/2021