Nỗ lực phục hồi kinh tế: “Bệ đỡ” từ chính sách tài khóa

NGỌC DIỄM thực hiện 23/10/2021 14:00

Theo PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân sức ép lạm phát là hiện hữu, mức cung tiền trong nền kinh tế cũng phải hạn chế lại trong năm nay.

Do đó, điểm tựa hỗ trợ của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nếu có sẽ đến từ chính sách tài khóa.

- Sau báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, ông có đánh giá và dự báo thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm?

Tôi đồng tình với phân tích của Chính phủ tại Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Kể từ thời điểm này trở đi, nếu Chính phủ thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” sẽ thực sự tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết phải đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, các địa phương không làm trái với chỉ đạo, gỡ bỏ các hoạt động giãn cách, đảm bảo cho phép lưu thông hàng hóa, không bị đứt gãy, đặc biệt ở những địa phương đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 có thể rơi vào khoảng từ 2- 2,5%.

Còn nếu mỗi địa phương lại có một kiểu ngăn sông cấm chợ khác nhau, không đảm bảo được cho các hoạt động sản xuất bình thường mới, thì tình hình kinh tế có thể sẽ xấu hơn rất nhiều. Trong khi đây là giai đoạn được đánh giá là quan trọng đối với nền kinh tế và tạo tác động đến cả năm 2022.

Thực thế, những dấu hiệu tích cực về tiêm chủng vaccine đã rất rõ, nhưng một khó khăn khác mà các khu vực vừa trải qua đợt giãn cách kéo dài phải đối mặt là việc thiếu nguồn cung lao động, trong bối cảnh tình trạng di cư ngược về quê của người lao động ồ ạt diễn ra. Từ đó, có thể sẽ mất thời gian và chi phí để kêu gọi các lao động này quay trở lại thành phố làm việc.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, sức ép lạm phát của chúng ta không lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông có quan điểm ra sao về điều này, thưa ông?

Theo tôi, sức ép lạm phát đối với nền kinh tế là không hề nhỏ với các nhuyên nhân như:

Thứ nhất, sự đứt gãy do hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra không đến tay được người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí lớn trước nhu cầu nền kinh tế mở trở lại, dẫn đến nguy cơ lạm phát gia tăng.

Thứ hai, nguy cơ giá lương thực thực phẩm tăng cao trong cuối năm, do thời gian qua các sản phẩm sản xuất không đến được tay người tiêu dùng, người chăn nuôi không tái đàn trong khi nhu cầu cuối năm mở rộng.

Thứ ba, trong vòng một năm qua, giá nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp đã tăng rất mạnh, tới 70%; giá nguyên vật liệu nông nghiệp thô tăng khoảng 40%; giá nhiên liệu tăng khoảng gấp đôi. Giá thành sản xuất cao, không sớm thì muộn, chi phí sản xuất sẽ phản ánh vào giá hàng hoá, khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao.

Thứ tư, chi phí về logistics, với giá nhiên liệu tăng cùng việc nhiều tỉnh thành đưa ra quy định khắt khe về vận tải, đã khiến chi phí logistics đội lên trông thấy.

 Mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý III suy giảm sâu 6,2% (so với cùng kỳ năm trước); và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP HCM đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.

Mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý III suy giảm sâu 6,2% (so với cùng kỳ năm trước); và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP HCM đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.

Do đó, sức ép về lạm phát đang lớn dần lên. Chính sách tiền tệ đã hết sức hạn hẹp, không thể áp dụng trong thời gian tới, cần hết sức thận trọng với câu chuyện lãi suất, cũng như tăng cung tiền, hay tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ được.

- Vậy ở góc độ nghiên cứu, phân tích chính sách, ông có khuyến nghị chính sách gì tới Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh chính sách tiền tệ hạn hẹp, thưa ông?

Cũng kể từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo xu hướng nới lỏng. Đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong 9 tháng đầu năm, với mức giảm 0,6 – 0,7%/năm và lãi suất huy động cũng duy trì ở mức thấp.

Đến nay, các vấn đề bủa vây nền kinh tế bao gồm sức ép lạm phát, giá cả hàng hoá tăng cao và bong bóng trên thị trường tài sản. Với những khó khăn đó, khả năng hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới là không thể thực hiện được nữa, nếu có giảm thì doanh nghiệp cũng không thể hấp thụ hết được vốn vay, cho nên việc hỗ trợ cho nền kinh tế nếu có, sẽ đến từ chính sách tài khóa.

Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ số, để chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mới toàn cầu…  

Theo tôi, cách tốt nhất là Chính phủ nên vay tiền từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á vì họ có thể hỗ trợ Việt Nam vay vốn với lãi suất thấp từ 1-2%, quy mô lên đến 10% thu ngân sách để khẩn trương hỗ trợ nền kinh tế.

Khả năng hồi phục kinh tế càng sớm sẽ càng tạo điều kiện tốt, mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, triển vọng phục hồi càng chắc chắn. Nếu để lâu quá và doanh nghiệp chết hẳn thì khả năng khôi phục sẽ khó khăn hơn, trong khi kinh tế Việt Nam của những năm sau ra sao, phụ thuộc rất lớn vào sức bật của quý 4 năm nay.

Tuy nhiên, đối với việc đi vay nước ngoài cũng cần cân nhắc, có một rủi ro là các tổ chức quốc tế vẫn bám vào chỉ số GDP cũ để tính toán các chỉ số tài chính công. Nhưng bắt đầu từ năm nay, Việt Nam đã sử dụng thước đo GDP mới, nên gần đây các chỉ số tài chính công giảm rất mạnh, nợ công của nợ Chính phủ giảm còn khoảng 40% GDP. Song, rủi ro đó là nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đang tiến gần đến ngưỡng khoảng 25% thu ngân sách, chưa tính các khoản nợ mà Chính phủ vay về và cho vay lại.

- Nhưng hiện nay doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, với các chính sách hỗ trợ Chính phủ cần cân nhắc những vấn đề gì?

Về các chính sách hỗ trợ, có một số lưu ý cần tập trung đẩy mạnh đó là:

Một là, với khu vực doanh nghiệp, nên hỗ trợ tối đa chi phí như chi phí vốn vay, xét nghiệm COVID-19, trong đó có chi phí phòng chống dịch là rất lớn, Chính phủ nên để các doanh nghiệp tự xét nghiệm và có sự tự chủ về vấn đề y tế.

Hai là, với người lao động, muốn thu hút họ quay trở lại nhà máy sản xuất thì phải có chế độ hỗ trợ, không gì khác ngoài tiền mặt, vấn đề này các địa phương phải gấp rút thực hiện. Trong thời gian bắt đầu đi làm trở lại, người lao động phải có tiền đủ để trang trải các chi phí, thuê nhà, sinh hoạt trong 1-2 tháng, tối thiếu từ 2-3 triệu đồng/người.

Ba là, với khu vực không chính thức, những lao động tự do, mất việc làm cũng cần tiếp tục được giúp đỡ để đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục có việc làm, tham gia vào mọi hoạt động như giai đoạn trước dịch một cách bình thường.

Bốn là, vấn đề giảm tiền thuê đất đai trực tiếp được Chính phủ triển khai, tuy nhiên vấn đề này cũng nên được mở rộng với cả những đối tượng thuê đất không thuộc Nhà nước để có thể tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông!

Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỉ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương 2,84% GDP.
(Thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư).

Có thể bạn quan tâm

  • [Infographic] Nỗ lực phục hồi kinh tế

    [Infographic] Nỗ lực phục hồi kinh tế

    11:00, 23/10/2021

  • COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ

    COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ

    06:45, 22/10/2021

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 22/10: Nỗ lực phục hồi kinh tế

    ĐIỂM BÁO NGÀY 22/10: Nỗ lực phục hồi kinh tế

    05:30, 22/10/2021

  • Khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng

    Khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng

    17:02, 20/10/2021

  • Hỗ trợ phụ nữ thúc đẩy phục hồi kinh tế vươn lên sau dịch

    Hỗ trợ phụ nữ thúc đẩy phục hồi kinh tế vươn lên sau dịch

    15:14, 20/10/2021

  • Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022 – 2025: Dùng đầu tư công để kích thích tổng cầu

    Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022 – 2025: Dùng đầu tư công để kích thích tổng cầu

    11:00, 17/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗ lực phục hồi kinh tế: “Bệ đỡ” từ chính sách tài khóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO