Tích cực hỗ trợ phụ nữ thúc đẩy phục hồi kinh tế vươn lên sau đại dịch COVID-19 đang trở thành sứ mệnh của nhiều tổ chức.
Bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề đáng chú ý trên toàn cầu. Đặc biệt với bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 tới nay, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020, đại dịch khiến cho công cuộc thu hẹp bất bình đẳng giới kéo dài thêm khoảng 36 năm.
Tại Việt Nam, phụ nữ cũng chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch, như suy giảm thu nhập, bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính hay các dịch vụ xã hội, gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần… Trong khi đó, họ luôn ở tuyến đầu, là y tá, bác sĩ, điều dưỡng, là nhân viên siêu thị, dịch vụ, là nhân viên môi trường, là công nhân nhà máy, là mẹ, là chị thầm lặng chăm sóc gia đình.
Một là, đào tạo, nâng cao năng lực về kinh doanh và phát triển kinh tế, tăng cường cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là khu vực nông thôn, bán thành thị, các tỉnh phía nam đang bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19; tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ tại nơi làm việc.
Hai là, tăng tiếp cận tài chính cho phụ nữ giúp họ khởi động lại doanh nghiệp, cải thiện sinh kế, vay vốn thoát nghèo vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất.
Ba là, tăng cường cơ hội truy cập nền tảng số cho phụ nữ.
Sống chung an toàn với Covid-19 là hướng đi tất yếu trên thế giới và Việt Nam. Trong thời điểm quyết định này, sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội để trao quyền cho phụ nữ chính là nguồn động lực mạnh mẽ, đồng hành cùng họ trên hành trình phục hồi kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam: "Kinh tế là đòn bẩy không chỉ giúp phụ nữ tự tin, an yên hơn trong cuộc sống gia đình, mà còn là bước khởi đầu vững chắc để vượt qua các rào cản hướng đến bình đẳng giới, thực sự làm chủ cuộc sống của bản thân và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cộng đồng trong bối cảnh đại dịch. Khát khao của Unilever suốt thời gian hiện diện tại thị trường Việt Nam là góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc hay các đặc điểm khác. Điều này được hiện thực hoá đồng nghĩa với việc mọi phụ nữ và trẻ em gái có thể tạo ra cuộc sống mình mong muốn mà không chịu sự gó bó bởi những định kiến của xã hội". Bà Elisa Fernandez Saenz – Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam: “Đối với lao động nữ, chúng tôi thấy rằng Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến nhóm ngành chính thức, nhiều phụ nữ mất việc làm dẫn đến mất thu nhập. Theo cáo cáo của USAID, 75% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã phải giảm giờ làm, tạm hoãn nhiều hợp đồng, cắt giảm lương, sa thải nhân sự trong những ngành mà phụ nữ là lực lượng chủ yếu. Covid-19 cũng ảnh hưởng đến lao động nữ thuộc nhóm ngành không chính thức, không chỉ mất hoặc thiếu việc làm, mà còn thiếu sự bảo trợ xã hội. Đối với nhóm doanh nhân nữ khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, họ phải đối mặt với việc đóng cửa và cắt giảm kinh doanh dẫn đến lượng nhân viên nghỉ việc lớn và doanh thu giảm từ 70% đến 90% tại hầu hết các doanh nghiệp. Điều này khiến các chủ doanh nghiệp nữ không những mất thu nhập mà còn chịu tác động tâm lý sâu sắc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội, phụ nữ cũng phải gánh vác phần lớn trách nhiệm trong gia đình, chăm sóc con cái, cùng lúc với làm việc ở nhà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trái ngược với các ông bố, các bà mẹ có nhiều khả năng bị mất việc hoặc giảm giờ làm để dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc gia đình.” Bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Trong cuộc chiến chống Covid-19, phụ nữ là lực lượng chiếm số đông, đã và đang xông pha trên tuyến đầu trong lĩnh vực chăm sóc y tế và đảm bảo đời sống xã hội. Bên cạnh lực lượng y tế, còn có đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp ở cơ sở, nơi có dịch đã dốc sức chăm lo cho người dân tại địa bàn. Trong cuộc chiến này, sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ là những đóng góp không hề nhỏ. Mặc dù rất vất vả nhưng các chị đều không một chút phàn nàn. Thay vào đó là sự lạc quan và tràn đầy năng lượng để mau chóng chữa khỏi bệnh, sớm trở lại với công việc của mình. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với dịch, đã có những mất mát và hy sinh. Tính đến ngày 25/09/2021, đã có 356 cán bộ Hội các cấp mắc Covid-19 (F0) tại 18 tỉnh/thành, trong đó, có 33 chị đã không thể qua khỏi. Đó thực sự là những mất mát to lớn đối với gia đình, người thân, địa phương và tổ chức Hội. Vượt qua những mất mát, đau thương đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp vẫn đang thầm lặng hỗ trợ 2.449 lao động nữ di cư mang thai và 2.033 trẻ em vùng dịch trở về quê an toàn.” Bà Emily Hamblin – Tổng Lãnh sự và Giám đốc Thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam: “Tôi nhận thấy phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Một khảo sát của Grant Thornton cho thấy khoảng 36% đội ngũ quản lý cấp cao ở Việt Nam có sự tham gia của phụ nữ, cao hơn mức trung bình toàn cầu (29%) và ASEAN (28%). Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia và khu vực, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại, phụ nữ có thể phải làm những công việc được trả lương thấp hơn và bấp bênh hơn. Vì vậy, cải thiện bình đẳng giới không những là việc làm đúng đắn và công bằng, mà còn mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho các lĩnh vực. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi phụ nữ tham gia đàm phán, các thỏa thuận hòa bình có khả năng kéo dài 15 năm hoặc hơn. Tương tự như vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận tích cực ủng hộ bình đẳng giới thường đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt hơn – và rồi thu được kết quả tốt đẹp nhiều hơn.” Bà Michele Wee – Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Khá rõ ràng, ngày càng nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học và tham gia vào lực lượng lao động. Số lượng phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh ngày càng tăng với những kết quả tích cực. Chúng tôi tin tưởng vào việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn tài chính dành cho cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ của chúng tôi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính nông nghiệp và thương mại. Chúng tôi cũng đưa ra các sáng kiến đặc biệt tập trung vào giáo dục tài chính và phát triển sự nghiệp dành cho các nhóm dân số ít có tính đại diện, như phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và dân tộc thiểu số để đẩy nhanh sự thay đổi. Điều này sẽ bao gồm huấn luyện, cố vấn và tài trợ. Trong năm 2020, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam để tìm kiếm và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với các tổ chức để đảm bảo có thể hỗ trợ khi cần thiết, nhất là đối với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, bao gồm hỗ trợ về tài chính và các nhu cầu khác.” |