Giá vàng trong nước cao kỷ lục, gần chạm mốc 64 triệu đồng/ lượng
Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine khiến giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, kéo theo giá vàng trong nước lập đỉnh cao nhất lịch sử.
>>>Căng thẳng Nga- Ukraine tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
Tại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch chiều ngày 22/2, hầu hết các thương hiệu kinh doanh vàng miếng SJC đều đồng loạt tăng giá vàng từ 100.000 – 450.000 đồng/lượng, đẩy giá vàng trong nước lên mức giá cao nhất trong lịch sử.
Cụ thể, Công ty CP Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng giá vàng miếng SJC cao nhất với mức tăng 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, đạt 63.250.000 đồng và 63.850.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ mua bán là 600.000 đồng/lượng.
Tương tự, VietinBank Gold cũng tăng giá vàng miếng SJC với mức tăng 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, đạt 63.200.000 và 63.820.000 đồng/lượng. Trong khi đó, Phú Quý SJC niêm yết vàng miếng với mức giá 63.150.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 370.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó và bán ra đạt 63.750.000 đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày 21/2.
Cùng thời điểm trên, DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức giá 62.900.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 400.000 đồng/lượng và bán ra đạt 63.700.000 đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước đó. Tăng thấp nhất trong phiên giao dịch chiều 22/2 là ngân hàng MSB, với mức tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, đạt 62.300.000 đồng/lượng và 63.600.000 đồng/lượng.
Theo đó, giá vàng SJC nói chung được các nhà phân phối bán ra đều gần chạm mốc 64 triệu đồng/ lượng. Giới chuyên môn cho rằng đường đi của giá vàng đang có thể lặp lại kịch bản tiến sát, thậm chí phá vỡ mốc giá vàng cao kỷ lục của vàng miếng SJC ở 64,4 triệu đồng / lượng, đã xuất hiện hôm 8/2/2022.
Giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM và Hà Nội hiện cũng đồng loạt tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, đạt 54.200.000 đồng/lượng và 55.000.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC với vàng trang sức là 8.850.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, thời điểm 8h30 sáng ngày 22/2 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.906 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Trong sáng ngày 22/2, có lúc giá kim loại quý leo lên tới mức 1.914 USD/ounce.
>>>Điều gì “phả hơi nóng” vào giá vàng tuần tới?
Giá vàng tăng trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm kênh ẩn náu gia tăng khi mà bất ổn địa chính trị lên cao ở nhiều khu vực. Căng thẳng Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cho dù các bên tích cực với các nỗ lực ngoại giao.
Bất ổn địa chính trị tiếp tục chi phối thị trường vàng. Hôm qua 21/2, có thông tin rằng Nga và Belarus sẽ gia hạn các cuộc tập trận quân sự của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Nga và Mỹ và hai bên đã đồng ý với điều kiện không có hành động quân sự giữa Moscow và Kiev.
Nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, giá vàng có khả năng giữ mức tăng hơn 1.900 USD. Ngược lại, nếu căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt, giá vàng có thể sẽ không dễ dàng giữ được mức tăng như thời gian vừa qua.
Ngoài ra, giá vàng cũng chịu tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất. Giới đầu tư lo ngại về triển vọng Fed sẽ tiến hành các biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ khi lạm phát tăng “nóng”. Tâm lý này đã kìm hãm đà tăng mạnh của kim loại quý.
Trong khi đó, dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (Mỹ) chỉ ra các quỹ đầu tư vàng đang tăng vị thế mua vào. Cụ thể, trong tuần trước các tổ chức này đưa 7,1 tỉ USD vào vàng. Các vị thế mua vào tăng thêm 34.296 hợp đồng để tăng lên 151.530 hợp đồng, còn vị thế bán thì giảm 3.943 hợp đồng xuống còn 43.824 hợp đồng.
Ngân hàng Societe Generale (Pháp) nhận định, lo ngại lạm phát gia tăng và bất ổn địa chính trị ở Đông Âu đang thúc đẩy nhiều tổ chức tài chính mua vàng. Có lẽ thông tin này làm cho nhiều người quay trở lại với thị trường vàng. Thế nên, giá vàng hôm nay giành lại 14 USD/ounce, từ 1.890 USD/ounce tăng lên 1.904 USD/ounce lúc 4 giờ ngày 22/2.
Theo giới phân tích, giá vàng vượt qua 1.900 USD/ounce là một dấu hiệu cho thấy giá kim loại quý này đang có xu hướng đi lên. Giá vàng thế giới vẫn nhạy cảm với những thay đổi của tình hình địa chính trị thế giới. Vì thế tại thời điểm này, mối đe dọa lớn nhất đối với giá vàng là sự thoái lui của lực lượng quân sự Nga ở biên giới Ukraine.
Phát biểu trên tờ Wall Street Journal, chiến lược gia Matt Miskin thuộc John Hancock Investment Management cho biết, nhà đầu tư đang tìm kiếm một sự phòng hộ trước rủi ro địa chính trị. Giá vàng đang đứng trước cơ hội bứt phá.
Có thể bạn quan tâm
Căng thẳng Nga- Ukraine tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
12:30, 20/02/2022
Điều gì “phả hơi nóng” vào giá vàng tuần tới?
05:30, 13/02/2022
“Đòn bẩy” giá vàng năm 2022
05:30, 02/02/2022
Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới
05:00, 26/01/2022
Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng quyết định bất ngờ của FED
05:30, 23/01/2022
Giá vàng tuần tới: Đòn bẩy nguy cơ sai lầm chính sách của FED?
05:30, 16/01/2022
Giá vàng tuần tới: Chưa dứt điều chỉnh, tích lũy chờ cơ hội
05:30, 09/01/2022