Giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ tích cực bởi căng thẳng Nga-Ukraine, áp lực lạm phát, giá dầu tăng mạnh…
>> “Đòn bẩy” giá vàng năm 2022
Trong tuần này giá vàng quốc tế đã có cú bật tăng mạnh từ 1.807USD/oz lên tới mức 1.865USD/oz và đóng cửa ở mức cao 1.858USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng khá mạnh theo đà tăng giá vàng quốc tế và trước ngày vía Thần Tài. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng từ khoảng trên 61 triệu đồng/lượng lên tới trên 63 triệu đồng/lượng. Do có ngày vía Thần Tài trong tuần này, nên lượng giao dịch vàng đã tăng đột biến so với trước đó.
Sở dĩ giá vàng quốc tế tăng mạnh trong tuần này do một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã lên tới mức cao nhất trong nhiều năm qua khi Nga đã triển khai quân đội áp sát biên giới với Ukraine, khiến nhiều người lo ngại Nga sẽ chiếm Ukraine trong bất cứ lúc nào. Ngay cả Tổng thống Mỹ Biden cũng đã kêu gọi người dân Mỹ ở Ukraine phải rút khỏi quốc gia này và cảnh báo xung đột có thể xảy ra bất kỳ khi nào.
Ông Edward Moya, Chuyên gia phân tích cao cấp của tập đoàn OANDA, cho biết vàng vốn là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh xảy ra căng thẳng địa chính trị, địa kinh tế. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã và đang “hâm nóng” giá vàng. Nếu Nga đưa quân chiếm Ukraine, thì giá vàng tuần tới sẽ tăng vượt 1.900USD/oz.
Thứ hai, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu mỏ trên thế giới, khiến giá dầu thô nhẹ ngọt và giá dầu thô Brent tăng lên tới mức 95USD/thùng và dự báo có thể vượt 100USD/thùng nếu xung đột giữa 2 quốc gia này nổ ra. Lạm phát vốn đã tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, nay được cộng hưởng thêm áp lực tăng giá dầu thô, sẽ càng nóng hơn nữa. Lạm phát tăng cao sẽ khiến USD và các đồng tiền chủ chốt khác mất giá, đẩy giá vàng tuần tới tăng mạnh.
Thứ ba, CPI tháng 1/2022 của Mỹ đã tăng vọt lên mức 7,5%, nhưng đến nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chỉ tiết lộ sẽ tăng lãi suất khoảng 3 lần trong năm nay. Có nhiều ý kiến nhận định trong cuộc họp tháng 3 tới FED sẽ tăng khoảng 0,5% lãi suất cơ bản. Nếu trong năm nay, FED tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 0,5% thì lãi suất cơ bản của FED cũng sẽ chỉ lên khoảng 1,75% (hiện lãi suất cơ bản ở mức 0,25%). Như vậy, lãi suất cơ bản vẫn thấp hơn nhiều lạm phát, có nghĩa lãi suất thực vẫn ở mức âm sâu. Điều đó cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng tuần tới.
Biên bản cuộc họp tháng 1 của FED được công bố vào ngày 16/1 tới có thể sẽ cho thấy rõ hơn về định hướng siết chặt tiền tệ của FED. Tuy nhiên, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng với sự phục hồi kinh tế Mỹ vẫn còn mong manh và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thì FED sẽ phải thận trọng với chính sách siết chặt tiền tệ, chứ không ồ ạt tăng mạnh lãi suất cơ bản.
>> Cẩn trọng quyết định bất ngờ của FED
Hơn nữa, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang thoải ra một cách bất thường (hiện chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và trái phiếu kỳ hạn 10 năm khoảng 47 điểm phần trăm, thấp hơn 30 điểm phần trăm so với mức cuối năm 2021). Sở dĩ như vậy do lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn đã và đang tăng nhanh do kỳ vọng FED tăng mạnh lãi suất, trong khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng chậm do lo ngại chính sách siết chặt tiền tệ của FED sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, FED cũng sẽ thận trọng trong việc tăng mạnh lãi suất cơ bản. Bởi vậy trong năm nay, dù FED tăng lãi suất, thì cũng sẽ không ảnh hưởng tới đà tăng của giá vàng.
Trong tuần tới, ngoài biên bản cuộc họp của FED, sẽ có một vài số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố, như doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, doanh số bán nhà mới, trợ cấp thất nghiệp hàng tuần… Các số liệu này dự báo đều tích cực do kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi, nhưng sẽ không tác động tiêu cực nhiều đến giá vàng tuần tới.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số RSI, Stochastic… đã chạm vùng vượt mua trên biểu đồ 4h và biểu đồ ngày, nên giá vàng tuần tới có thể điều chỉnh nhẹ. Nếu không trụ vững trên 1.830USD/oz, giá vàng tuần tới sẽ về vùng 1.820USD/oz, kế tiếp là vùng quan trọng 1.807USD/oz trước khi tăng trở lại. Nếu giá vàng tuần tới trụ vững trên vùng giá này, thì nhiều khả năng sẽ sớm thách thức với vùng 1.900USD/oz trong ngắn hạn.
Về giá vàng trong nước, do thiếu nguồn cung (từ nhiều năm nay NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu) và chưa có Sở giao dịch vàng, nên giá vàng trong nước có thể sẽ tiếp tục cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi (hiện tại ở mức hơn 10 triệu đồng mỗi lượng). Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu khoảng cách chênh lệch này tiếp tục kéo dài, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng nhập lậu vàng vào Việt Nam, gây chảy máu ngoại tệ, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. "Người tiêu dùng nên chọn thời điểm giá vàng trong nước điều chỉnh giảm xuống dưới 60 triệu đồng/lượng, nhất là khi khoảng cách chênh lệch giá nói trên được rút ngắn nhiều hơn nữa, để mua vào đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro", một chuyên gia khuyến nghị và kiến nghị NHNN nên sớm có lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng để liên thông thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế, góp phần giảm thiểu chênh lệch giá vàng, đẩy lùi tình trạng nhập lậu vàng...
Có thể bạn quan tâm