Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cảm phục cô giáo khuyết tật miệt mài truyền lửa cho học sinh
Với hình dáng thon cao, mái tóc đen dài, khuôn mặt xinh tươi và nụ cười rạng rỡ nhưng ít ai biết cô giáo trẻ Nguyễn Minh Tâm đã trải qua biến cố lớn của cuộc đời mình.
Tốt nghiệp ngành sư phạm Toán trường Đại học Đồng Tháp, cô giáo trẻ Nguyễn Minh Tâm nhận công tác về dạy tại Trường THPT Tân Thành, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (huyện biên giới vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp). Những tưởng ước mơ, hoài bão từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học sẽ được thực hiện ở đây nhưng không ngờ biến cố lại ập đến cuộc đời cô như một cơn ác mộng.
Vào ngày cuối tháng 8 năm 2009, trong một lần đi vận động học sinh ra lớp, cô bị tai nạn giao thông. Trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng chân trái của cô vẫn không thể giữ được, từ đó chiếc chân giả trở thành người bạn thân thiết của cô trên mọi nẻo đường.
Biết được những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho cô được về dạy gần nhà ở Trường THPT Thiên Hộ Dương tại TP Cao Lãnh.
Vốn xuất thân trong gia đình khó khăn, cô giáo hiểu được những gian nan mà học sinh nghèo gặp phải, cô đã dạy phụ đạo miễn phí cho học trò.
Cùng với đó, cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, quy tụ những người có chung chí hướng, cùng chia sẻ với người khó khăn.
Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và các nhà hảo tâm gần xa. Nhóm Nhất Tâm thường chia sẻ với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân bị cụt chi, tiếp sức mùa thi, nấu cháo cung cấp miễn phí…
Để tăng cường thể lực, cô âm thầm tập luyện; cứ mỗi sáng sớm cô lại tranh thủ đến phòng tập gym, chơi thể thao.
Hình ảnh cô giáo một chân chơi cầu lông, lắc vòng, chạy bộ…, đặc biệt hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm mang chân giả tại giải “HCMC Marathon 2020” đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người.
Cô chia sẻ: “Lúc đầu em như rơi xuống vực thẳm, nhưng tình cảm gia đình, đồng nghiệp, học trò đã làm em thấy phải sống có nghị lực, có trách nhiệm hơn. Em không muốn người khác cảm thông vì mình khuyết tật, em muốn người khác làm được, mình cũng làm được; em muốn truyền thông điệp đó đến người khuyết tật. Em ước mơ được cống hiến nhiều hơn, ở nhiều lĩnh vực của xã hội, trong đó rất mong kết nối được nhiều các cá nhân, tổ chức để có thể cùng thực hiện các hoạt động giúp các hoàn cảnh khó khăn”.
Gửi lời nhắn nhủ tới cộng đồng, cô giáo cho biết: “Dù cho bạn có mang bất kì khuyết tật nào, bạn cũng đừng nên tự ti, mặc cảm, thay vào đó hãy tự tin lên. Trong cuộc sống này, ai cũng có cái khó khăn riêng, nên khi gặp khó khăn hãy đối diện với nó, chấp nhận nó và tìm cách giải quyết vấn đề. Hãy luôn lạc quan và vui tươi với mọi người, bạn sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp”.
“Viết về tấm gương nhà giáo, là những người đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, mẫu mực, bài bản, mô phạm... đồng nghĩa với khô cứng và chuẩn mực, khó có sự tung tẩy phá cách. Khi chấm giải, Ban giám khảo rất lo vì sợ chất lượng của tác phẩm không cao vì những người viết là những cây bút không chuyên, câu chữ chưa được trau chuốt...
Nhưng chúng tôi bị cuốn ngay vào tác phẩm dự thi, muôn mặt đời thường của các nhà giáo được thể hiện trên trang viết bởi những con chữ hồn nhiên trong sáng của người viết”- Nhà văn Y Ban, trưởng ban giám khảo cuộc thi viết Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017 chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cụ bà 72 tuổi miệt mài gom rác thải bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo
11:00, 12/08/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: “Bến yêu thương Sa Đéc” mang hơi ấm tới người nghèo Đồng Tháp
05:00, 07/08/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: "ATM khẩu trang" lan tỏa yêu thương giữa đại dịch COVID-19
12:00, 06/08/2020
DIỄN ĐÀN NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Người chơi lan Đà Nẵng “tiếp sức” thành phố chống dịch COVID-19
14:04, 04/08/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: "Giọt máu đào" của tài xế xe cứu thương
15:01, 02/08/2020