Trung Quốc có tham vọng gì khi phát hành đồng Nhân dân tệ điện tử?
Đầu tháng 5/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chính thức phát hành đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử. Trung Quốc có tham vọng gì khi phát hành đồng tiền này?
Phóng viên DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn, Tổng Giám đốc CTCP tài chính Thế hệ mới FinanceX xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, việc Trung Quốc đẩy nhanh thử nghiệm đồng nhân dân tệ tiền điện tử cho thấy họ đang có những tham vọng gì?
Đúng như dự đoán, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức thử nghiệm đồng NDT điện tử trong các hoạt động kinh tế hàng ngày, trước mắt cho 04 thành phố lớn. Chính phủ Trung Quốc cũng mời nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của nước ngoài tham gia. Đồng NDT điện tử sẽ được dùng để thanh toán phí vận chuyển cho các phương tiện giao thông công cộng, hoạt động mua sắm thực phẩm và các hoạt động bán lẻ khác trước khi được mở rộng sang các hoạt động kinh tế khác. Có khoảng 19 doanh nghiệp bán lẻ, như McDonald’s, Starbucks và Subway được Chính phủ Trung Quốc mời tham gia sử dụng đồng NDT điện tử.
Việc ra mắt đồng tiền này cho thấy Trung Quốc đã thực sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực tài chính quốc gia với những tham vọng rất lớn, như hiện thực hoá dần chiến lược không tiền mặt; Đi đầu trong công nghệ hoá các giao dịch tiền tệ với nền tảng bảo mật, an toàn cao đó là Blockchain. Mặc dù đằng sau đồng NDT điện tử là Blockchain (Phi tập trung) nhưng trên thực tế, cách thức quản lý không hoàn toàn là phân tán nên về bản chất Chính phủ Trung Quốc vẫn điều tiết, quản lý và giám sát mọi hoạt động, dấu vết các giao dịch trên đồng tiền này.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn rất nghiêm ngặt và cấm nhiều hoạt động liên quan đến tiền mã hoá như ICO, STO, sàn giao dịch…
- Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu các đồng tiền điện tử của riêng mình. Vậy đâu là rào cản khiến các quốc gia này đi sau Trung Quốc trong cuộc đua này, thưa ông?
Trên thực tế, có nhiều nước đã phát hành đồng tiền điện tử quốc gia thực sự như Venezuela, Estonia hay Dubai. Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu cũng đã đi trước Trung Quốc rất nhiều khi có hành lang phát lý rất mở, cụ thể và minh bạch để các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng, đầu tư tiền điện tử cũng như phát triển các ứng dụng Blockchain vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Theo tôi, việc Trung Quốc phát hành đồng NDT điện tử không thực sự đúng với bản chất và giá trị thực sự của Blockchain cũng chứng tỏ đây mới chỉ là bước đầu trong quá trình hợp pháp hoá tiền điện tử tại quốc gia này.
Đối với các nước khác đang đi sau Trung Quốc trong việc hợp thức hoá đồng tiền điện tử thì có lẽ rào cản lớn nhất đó là ứng dụng và khả năng kiểm soát của chính phủ mỗi nước hay ngân hàng trung ương đối với loại tiền này.
Chúng ta đều biết rằng, lợi thế lớn nhất của tiền điện tử chính là giao dịch ngang hàng, không cần trung gian cùng với khả năng ẩn danh của cả người gửi lẫn nhận nhưng đó cũng lại chính là nỗi lo của chính phủ trong việc kiểm soát. Ngay cả Việt Nam cũng đã không dưới 03 năm nghiên cứu về loại tiền điện tử, nhưng hành lang pháp lý tiền điện tử vẫn là dấu hỏi do những lo ngại về cách thức sử dụng, kiểm soát đồng tiền phi tập trung này.
- Thưa ông, các đồng tiền điện tử của các NHTW có đặc điểm gì khác so với những đồng tiền kỹ thuật số của các doanh nghiệp tư nhân như Facebook với đồng Libra...?
Như tôi đã nói ở trên, một trong những điều đặc biệt và giá trị nhất của tiền mã hoá là công nghệ Blockchain khi nó loại bỏ vai trò của trung gian thanh toán và giao dịch giữa người gửi, người nhận là ẩn danh. Tuy nhiên, đồng NDT điện tử vẫn chịu sự chi phối, kiểm soát của NHTW, chứ không giống như các đồng tiền kỹ thuật số thông thường, tức là mọi giao dịch đi và đến, ai nhận, ai gửi đều được theo dõi và được kiểm soát của nhà nước. Điều này khác hoàn toàn với các đồng tiền kỹ thuật số như Libra hay Bitcoin. Một điểm khác nữa là đồng tiền điện tử của các NHTW sẽ không bị biến động giá lớn như các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân...
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm