Giải pháp căn cơ nào hỗ trợ lao động bị giãn việc?

HẠNH LÊ 12/12/2022 00:10

Dự báo sau Tết có thêm khoảng 280.000 lao động tiếp tục bị cắt giảm giờ làm, mất việc, các cấp công đoàn kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ.

>>>Giải pháp cho doanh nghiệp "vượt bão" cắt giảm lao động?

Giảm giờ làm, giảm thu nhập

Những năm trước, được “về nhà sớm” hay “Tết đến sớm” là những thông điệp rất vui vẻ nhưng năm nay nghe rất xót xa - ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ.

Thông tin thêm về tình hình lao động việc làm, tiền lương của công nhân lao động, ông Tiến cho biết: so với quý 3, thời gian làm việc bình thường của công nhân đã giảm từ 8 tiếng theo quy định xuống còn 7,25 tiếng/ngày và không có tăng ca. Giảm giờ làm, thu nhập của người lao động giảm theo, từ 6,7 triệu đồng/tháng còn 5,9 triệu đồng/tháng.

Gỗ là ngành thâm dụng lao động và đang chịu tác động do thiếu đơn hàng khiến nhiều công nhân giãn việc, giảm giờ làm (ảnh minh hoạ)

Gỗ là ngành thâm dụng lao động và đang chịu tác động do thiếu đơn hàng khiến nhiều công nhân giãn việc, giảm giờ làm (ảnh minh hoạ)

Theo thống kê bước đầu của các cấp công đoàn, đã có hơn 42.000 lao động mất việc. Theo ông Vũ Minh Tiến, đằng sau đó là hơn 42.000 gia đình gia đình lao đao. Trong số đó có khoảng 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi cùng nhiều lao động nữ đang mang bầu, nuôi con nhỏ.

Tình hình này chưa có dấu hiệu dừng lại. Dự báo sau Tết Nguyên đán, có thêm gần 287.000 lao động tiếp tục bị cắt giảm giờ làm, mất việc. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Là một trong những địa phương có số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động thiếu việc làm nhiều nhất, ông Đặng Tiến Đạt - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) cho biết: Bình Dương hiện có 240.000 người giảm giờ làm, 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng. Các cấp công đoàn tỉnh đã nỗ lực kết nối tìm kiếm việc làm cho người lao động mất việc làm, còn hai đối tượng trên đang gặp khó khăn do họ chưa chấm dứt hợp đồng với công ty cũ. Những lao động này chưa biết tính toán thế nào để lo cho cuộc sống trong thời gian tới, đa phần công nhân không có tích luỹ, hỗ trợ công đoàn có 500.000 đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Liên đoàn Lao động lo ngại tình trạng lao động trên 35 tuổi bị mất việc làm và khó khăn trong tìm việc mới khi tuổi cao.

Từ các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt đầu bị ảnh hưởng khi có hơn 2.000 công nhân đã bị giảm giờ làm. Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng lo ngại, việc làm giảm, thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn khiến tình trạng công nhân bỏ nhà máy tại các thành phố lớn về quê gia tăng.

Sau ảnh hưởng do tác động của dịch COVID - 19 cuối năm 2021, qua khảo sát công đoàn Hà Nội ghi nhận hiện tượng công nhân trả phòng trọ, rời nhà máy về quê. Ở nhiều địa phương hiện nay đã phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Tuy thu nhập có thể không cao bằng các nhà máy trong khu công nghiệp ở thành phố nhưng làm việc tại các tỉnh, lao động không phải thuê nhà, việc học hành của các con thuận lợi.

Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động

Để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp, ông Đặng Tất Đạt kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động xem xét giãn đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí công đoàn cho người lao động có thu nhập thấp. Các gói hỗ trợ cho người lao động trong thời điểm này là cần thiết nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt, không phải là giải pháp căn cơ. Để vượt qua khó khăn, cần cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ của các bên, trong đó duy trì việc làm, tạo thu nhập là giải pháp căn cơ.

Nhiều công nhân khó khăn trong việc tiếp cận công việc mới ở thời điểm cuối năm

Nhiều công nhân khó khăn trong việc tiếp cận công việc mới ở thời điểm cuối năm

Đồng quan điểm, đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh kiến nghị trước Tết cần có gói hỗ trợ người lao động mất việc làm, hoãn hợp đồng lao động; đồng thời kết nối tìm kiếm việc làm thời vụ cho lao động giãn việc làm để có thu nhập cầm cự qua Tết để giữ chân lao động cho doanh nghiệp. Những lao động này đều có tay nghề, có thâm niên, thu nhập từ 7-8 triệu, giờ chuyển việc sang doanh nghiệp khác, lương thấp.

Bên cạnh đó, đại diện công đoàn các tỉnh và công đoàn ngành cũng kiến nghị Chính phủ có thêm gói hỗ trợ lãi suất thấp cho các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để tái cơ cấu sản xuất với thủ tục đơ giản, sát thực tế. Hiện nay, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nên cần tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

    Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

    04:30, 29/11/2022

  • Doanh nghiệp dệt may gặp khó vào cuối năm

    Doanh nghiệp dệt may gặp khó vào cuối năm

    03:45, 05/11/2022

  • Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn hàng sản xuất, cắt giảm giờ làm

    Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn hàng sản xuất, cắt giảm giờ làm

    03:00, 02/12/2022

  • Samsung cắt giảm giờ làm tại Việt Nam: Hệ lụy từ nhu cầu yếu?

    Samsung cắt giảm giờ làm tại Việt Nam: Hệ lụy từ nhu cầu yếu?

    04:10, 08/08/2022

  • Vì sao Samsung cắt giảm giờ làm tại Việt Nam?

    Vì sao Samsung cắt giảm giờ làm tại Việt Nam?

    04:30, 27/06/2022

  • Giảm giờ làm việc, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế

    Giảm giờ làm việc, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế

    13:58, 25/10/2019

HẠNH LÊ