Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang lâm cảnh thiếu nguồn hàng sản xuất, người lao động giảm giờ làm,... ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chung của địa phương.
>>Niềm tin giảm sút gây ảnh hưởng trái phiếu doanh nghiệp
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp (Ban Quản lý), đơn vị vừa gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin báo cáo số liệu thống kê định kỳ (theo quy định). Trong đó có số liệu về biến động lao động.
Tuy nhiên, qua nắm sơ bộ tình hình của Ban quản lý hiện nay, có một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, túi xách, chế biến thuỷ sản gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Cụ thể, nhiều đơn vị không tổ chức làm tăng ca, hoặc giảm lao động, hoặc cho người lao động nghỉ phép năm…
"Theo thông tin sơ bộ, đã có 08 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, người lao động làm việc luân phiên, giảm lao động. Số lượng lao động bị tác động là 1.064 người. Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ở Đà Nẵng, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, túi sách, chế biến thuỷ sản trong các Khu công nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất", thông tin từ Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trước tình hình trên, đơn vị này cho hay sẽ tổng hợp số liệu thống kê để nắm rõ tình hình, trên cơ sở đó báo cáo đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành phối hợp đảm bảo quyền lợi của người lao động nghỉ việc (nếu có) theo quy định. Về phía Ban quản lý, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Trong đó, chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý nhanh các thủ tục hành chính; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp kịp thời. Ngoài ra, Ban Quản lý rà soát các doanh nghiệp, những ngành không bị ảnh hưởng mà có nhu cầu tuyển thêm lao động để giới thiệu, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, để người lao động bị mất việc tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Thêm vào đó, Ban Quản lý sẽ phối hợp với Công đoàn khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, các ngành để thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho công nhân lao động trong dịp cuối năm. Nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà, tổ chức phiên chợ công nhân, trao phiếu mua hàng, tổ chức các chuyến xe đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết.
Trước đó, tại TP. Đà Nẵng đã xảy ra hiện tượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, nhiều đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, người lao động bị cắt giảm giờ làm,... Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên là do lạm phát tăng cao, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, thiếu nguồn vốn,...
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay những khó khăn, thách thức bắt nguồn từ tác động của các yếu tố chính trị, tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Vị này cho biết điều này đã ảnh hưởng đến đơn hàng của tổng công ty trong các tháng cuối năm 2022 và dự kiến trong năm 2023.
"Với những khó khăn hiện nay đã khiến đơn hàng của công ty bị giảm sút. Trước mắt, doanh nghiệp cũng có những giải pháp để duy trì sản xuất trong dịp cuối năm và đầu năm 2023, đặc biệt là tìm kiếm các đơn hàng mới, mở rộng thị trường,…", ông Trần Văn Lĩnh nói.
Thông tin từ một số doanh nghiệp, thời điểm hiện tại đến cuối năm, phần lớn các đơn hàng chỉ đủ để duy trì hoạt động của đơn vị và người lao động. Tuy nhiên, trong quý I/2023, số lượng đơn hàng sẽ sụt giảm khoảng 20%. Trước tình hình khó khăn cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tăng cường liên hệ với các đối tác, các đại lý để xúc tiến thêm đơn hàng và tìm kiếm thêm nhiều nguồn khách hàng mới.
Có thể bạn quan tâm