Cân nhắc lộ trình thích hợp xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu

YẾN NHUNG 29/12/2023 03:30

Được cho là công cụ hữu hiệu tạo sự minh bạch, công khai của thị trường, thế nhưng, việc quay trở lại áp dụng bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, liệu đã phù hợp?

>> Loạt ngân hàng, doanh nghiệp được nâng xếp hạng tín nhiệm từ Fitch Ratings

Mặc dù đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thế nhưng, khi việc áp dụng Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực đã để lại không ít quan ngại, đặc biệt là vấn đề thực thi các quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

việc áp dụng Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực đã để lại không ít quan ngại, đặc biệt là vấn đề thực thi các quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm - Ảnh minh họa: ITN

Việc áp dụng Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực đã để lại không ít quan ngại, đặc biệt là vấn đề thực thi các quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ có hiệu lực trở lại vào ngày 01/01/2024 và theo yêu cầu của chính sách, các doanh nghiệp phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp: Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Cho ý kiến về việc quay trở lại áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.

Đồng thời đề xuất, không kéo dài thời gian ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

>>Fitch Ratings nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng ổn định

nhiều ý kiến cho rằng, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay, cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay, cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về quy định xếp hạng tín nhiệm, ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho hay, có thể hiểu quy định nêu trên của Bộ Tài chính yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành hơn 500 tỷ đồng trái phiếu/năm hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.

“Theo kinh nghiệm đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Saigon Ratings, đối tượng phải áp dụng quy định nêu trên là rất nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ quan quản lý siết lại hoạt động thành lập nhiều công ty con để phát hành trái phiếu nhằm “lách luật” thì việc tập đoàn mẹ huy động vốn từ 500 - 1.000 tỷ/năm là rất nhiều…”, ông Minh bày tỏ.

Không chỉ có vậy, xoay quanh vấn đề đã nêu, các chuyên gia còn lo ngại về việc xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam còn hạn chế. Bởi trên thực tế, cho đến nay, mới chỉ có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam là FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings. Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm còn rất thấp cho thấy, doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng, chưa quan tâm đến vấn đề này.

Chưa kể, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm hiện nay đều là tổ chức tư nhân, không phải doanh nghiệp Nhà nước sẽ tiềm ẩn nguy cơ nếu nhu cầu xếp hạng tín nhiệm lớn và nguồn cầu không đủ có thể sẽ phát sinh lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm và doanh nghiệp được giao xếp hạng tín nhiệm.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn kém hiệu quả, tín dụng ngân hàng ngày càng bị siết chặt, nhưng áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 lại lên đến 329.500 tỷ đồng. Vì vậy nên rất khó để doanh nghiệp xoay xở trả nợ trái phiếu đúng hạn, trong khi đó, nếu áp dụng quy định bắt buộc thực hiện xếp hạng tín nhiệm sẽ khiến doanh nghiệp không chỉ mất thời gian mà còn gia tăng cho phí.

Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay, cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, việc xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng, giúp minh bạch thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư, tuy nhiên, có khả năng sẽ phải lùi lại tiếp vì chúng ta chưa có khả năng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp.

“Ở các nước, không phải tất cả doanh nghiệp đều tham gia xếp hạng tín nhiệm, mà doanh nghiệp nào tham gia xếp hạng tín nhiệm và ở thang bậc tốt thì được nhà đầu tư tin tưởng; còn không tham gia thì được xếp loại trái phiếu rác, vẫn là trái phiếu đầu tư nhưng đã dán nhãn rõ ràng để nhà đầu tư biết và lựa chọn, tùy khẩu vị rủi ro của họ”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.

Đồng quan điểm với PGS.TS Ngô Trí Long, không ít ý kiến cũng cho rằng, hiện nhiều nước có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt nhưng không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm 100% trước khi phát hành mà chỉ khuyến khích. Như ở Singapore, họ khuyến khích xếp hạng tín nhiệm bằng cách các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng sẽ được hỗ trợ chi phí gấp đôi so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.

Để thị trường có thể phát triển lành mạnh cũng như hạn chế rủi ro, theo các chuyên gia, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư. Trong đó, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung không chỉ cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Loạt ngân hàng, doanh nghiệp được nâng xếp hạng tín nhiệm từ Fitch Ratings

    Loạt ngân hàng, doanh nghiệp được nâng xếp hạng tín nhiệm từ Fitch Ratings

    16:53, 15/12/2023

  • FiinRatings: Xếp hạng Tín nhiệm dài hạn Techcombank ở mức điểm “A+”, với triển vọng “Ổn định”.

    FiinRatings: Xếp hạng Tín nhiệm dài hạn Techcombank ở mức điểm “A+”, với triển vọng “Ổn định”.

    11:16, 08/11/2023

  • Thấy gì từ việc FiinRatings lần đầu xếp hạng tín nhiệm cho ngân hàng thương mại Việt Nam?

    Thấy gì từ việc FiinRatings lần đầu xếp hạng tín nhiệm cho ngân hàng thương mại Việt Nam?

    11:48, 03/11/2023

  • Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Hỗ trợ thúc đẩy tín dụng, cho vay

    Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Hỗ trợ thúc đẩy tín dụng, cho vay

    04:01, 30/10/2023

  • Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?

    Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?

    11:30, 28/10/2023

YẾN NHUNG