Thấy gì từ việc FiinRatings lần đầu xếp hạng tín nhiệm cho ngân hàng thương mại Việt Nam?

LÊ MỸ 03/11/2023 11:48

FiinRatings - Công ty xếp hạng tín nhiệm của FiinGroup - vừa công bố xếp hạng tín nhiệm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank -TCB).

>>>Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?

Đối với FiinRatings, Techcombank và thị trường, đây là công bố đáng chú ý bởi đây cũng là xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam về một ngân hàng thương mại được thực hiện bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa.

FiinRatings nói gì về lần đầu xếp hạng tín nhiệm ngân hàng thương mại?

Trước nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam thường xếp hạng tín nhiệm và có lúc công bố, có lúc không, bởi các nhà xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Phổ biến và bao trùm về xếp hạng tín nhiệm cho các ngân hàng thương mại nội địa Việt Nam (cũng như xếp hạng tín nhiệm quốc gia), được ghi nhận vẫn gồm từ Moody's, Fitch Ratings và S&P Global Ratings. Đây cũng là 3 hãng đánh giá tín nhiệm uy tín toàn cầu, được một số các Tập đoàn lựa chọn để đánh giá xếp hạng tín nhiệm khi có nhu cầu thực hiện kế hoạch huy động vốn, phát hành trái phiếu quốc tế, IPO hoặc hiếm hoi là niêm yết thị trường chứng khoán quốc tế. 

Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings

Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings

Từ phía FiinRatings, ông Nguyễn Quang Thuân - CEO - cho biết, việc một ngân hàng tiên phong thực hiện xếp hạng tín nhiệm đại chúng là một nỗ lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay. 

Phải nói thêm rằng tiền lệ này được hy vọng mở ra thông lệ cho các ngân hàng thương mại nội địa trong chủ động và công bố xếp hạng tín nhiệm. 

Được biết, ngoài Techcombank ở lĩnh vực ngân hàng, FiinRatings đã công bố xếp hạng tín nhiệm cho khoảng 20 công ty trên thị trường, trong đó đáng chú ý có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính như các Công ty chứng khoán gồm Vietcap (VCI), Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Dầu Khí (PSI). Riêng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã được công bố xếp hạng tín nhiệm lần đầu nhưng cũng đã được FiinRatings công bố dừng xếp hạng tín nhiệm tín nhiệm vào ngày 10/10 vừa qua. 

Ngoài ra, hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng thực hiện xếp hạng tín nhiệm với các công ty tài chính như Tín Việt (TIN) hay Công ty cho vay khách hàng dưới chuẩn (underbank) như F88...

Cùng với đó là các công ty phi tài chính, hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản (như MHT của Masan), bất động sản (Văn Phú, Hà Đô, Nhà Khang Điền, An Gia hay năng lượng (Điện Gia Lai, Bamboo Capital), hay sản xuất (Camimex Group)...

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, ý nghĩa qua xếp hạng tín nhiệm là mức điểm xếp hạng tín nhiệm chính là kết quả đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của một doanh nghiệp.

Thang điểm xếp hạng tín nhiệm được FiinRatings sử dụng là từ AAA (mức cao nhất/ rủi ro thấp nhât) cho đến mức CCC (mức thấp nhất / hay rủi ro cao nhất). Thang điểm xếp hạng cùng với phương pháp luận đã được FiinRatings xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của S&P Global Ratings và đăng ký với cơ quản quản lý là Bộ Tài chính.

Thang điểm này được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam, dù ở bất kỳ ngành nào, theo một phương pháp luận chung và tiêu chí áp dụng chung và cho mỗi ngành, dựa trên cơ sở dữ liệu so sánh và mô hình chuẩn đã được phát triển bởi FiinRatings.

"Để dễ so sánh, mức này thấp hơn 03 bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất theo hệ thống điểm xếp hạng tín nhiệm nội địa là AAA (là mức rủi ro thấp nhất và tương đương với độ an toàn của trái phiếu Chính Phủ Việt Nam). Trái phiếu Chính phủ Việt Nam hiện đang có lãi suất khoảng 3% cho kỳ hạn 10 năm.

"Về ứng dụng thực tế, trước khi thực hiện thì FiinRatings đã thực hiện cung cấp dịch vụ đánh giá tín dụng và phân tích về rất nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế có quan hệ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, trong đó có, PVIAM, ADB và WB là khách hàng của FiinRatings.

Mức xếp hạng của FiinRatings đã bước đầu được một số định chế đầu tư và bảo hiểm sử dụng tham khảo cho công tác phân bổ tài sản vào tiền gửi, công cụ nợ (bao gồm chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu do ngân hàng phát hành) của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trước đó họ chủ yếu dùng kết quả xếp hạng quốc tế và hầu hết đều có kết quả tương đương nhau (BB và B theo thang điểm quốc tế) và họ gặp vấn đề trong việc phân bổ tài sản, tiền gửi, định giá lãi suất. Do xếp hạng quốc tế bị giới hạn bởi trần xếp hạng quốc gia là BB+ (theo S&P) và Ba2 (theo Moody's).
Mức xếp hạng cũng được các ngân hàng đối tác ở nước ngoài, bao gồm tín dụng thương mại/ trade finance, sử dụng để xác định hạn mức quản trị rủi ro khi chấp nhận chứng thư bảo lãnh do các ngân hàng Việt Nam phát hành.

Về lãi suất, sẽ tùy theo sản phẩm công cụ nợ do các tổ chức phát hành. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với kết quả xếp hạng tín nhiệm đã thực hiện bởi Fiinratings và quá trình tham chiếu thực tế thì như sau (cho VND, trái phiếu kỳ hạn 3 năm - không tài sản bảo đảm, không tính các lô được cấu trúc): AA: 5-7%; A: 6-8%; BBB: 8-10%; BB: 11-14%; B: 15%+. 

Mức lãi suất này sẽ có thể thay đổi tùy theo điều kiện của thị trường vốn và trên đây chỉ là kết quả khảo sát dựa trên lãi suất danh nghĩa cho các trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành và tỷ suất lợi tức của một số trái phiếu được giao dịch trên HNX của các tổ chức phát hành đã được xếp hạng", ông Thuân nói.

>>>Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Hỗ trợ thúc đẩy tín dụng, cho vay

Khi số lượng các doanh nghiệp phát hành công cụ nợ và sản phẩm công cụ nợ như trái phiếu được xếp hạng nhiều hơn thì kỳ vọng thị trường sẽ hình thành đường cong lãi suất để thị trường, nhất là nhà đầu tư cá nhân có thể tham chiếu trong hoạt động lựa chọn sản phẩm đầu tư phù hợp. Các quỹ đầu tư và định chế như bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ trái phiếu, v.v. có thể xây dựng danh mục tùy theo mức xếp hạng và khẩu vị rủi ro của họ. Đó là cách để có thể phát triển và mở rộng cơ sở nhà đầu tư và góp phần cho việc thị trường có thể phát triển bền vững hơn.

Xếp hạng tín nhiệm là ý kiến đánh giá tương đối và mang tính chủ quan của đơn vị xếp hạng. Kết quả xếp hạng không có nghĩa là không có rủi ro mà vấn đề chỉ là rủi ro được chuẩn hóa ở mức độ từ thấp đến cao ra sao. Hãy tham chiếu đến trái phiếu bất động sản, tỷ lệ chậm trả hoặc vi phạm nghĩa vụ nợ ở mức rất cao (khoảng 30% - tính theo giá trị lưu hành tại 30/09/2023) và thực tế này xảy ra ở các doanh nghiệp được FiinRatings chấm điểm chủ yếu ở mức BB và B đến CCC.

Đối với ngành ngân hàng, hiện FiinRatings áp dụng mức xếp hạng cơ bản cho ngành ngân hàng ở Việt Nam ở mức ‘a-’, phản ánh những đánh giá về rủi ro từ môi trường vĩ mô và rủi ro đặc thù ngành mà các ngân hàng hoạt động ở Việt Nam phải đối mặt. Nhìn chung, triển vọng về hồ sơ tín dụng của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định nhờ vào các chính sách hỗ trợ đã và đang được thực hiện của Chính phủ, cũng như kỳ vọng về việc phục hồi kinh tế trong trung hạn mặc dù tồn tại những thách thức trong ngắn hạn. Mức điểm xếp hạng tín nhiệm đơn lẻ của các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng dự kiến sẽ duy trì ổn định, mặc dù vậy, FiinRatings đánh giá có sự phân hóa nhất định về chất lượng tài sản, do đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn vốn và khả năng sinh lời tại các ngân hàng.

Mức A+ của Techcombank thể hiện gì?

Theo công bố xếp hạng, mức xếp hạng A+ này cho Techcombank cũng là mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong hơn 20 doanh nghiệp mà FiinRatings đã công bố trong 3 năm qua.

Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm 59% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đã bao gồm số dư trái phiếu doanh nghiệp) của Ngân hàng, trong đó gần 70% thuộc cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựngp/(ReCoM) (số liệu năm 2022: 73%). Trong khi đó, dư nợ cho vay bán lẻ chiếm 41% tổng dư nợ (đã bao gồm tráip/phiếu), trong đó 80% là cho vay mua bất động sản (số liệu năm 2022: 84%). Phần lớn nhóm khách hàng trong danhp/mục cho vay doanh nghiệp của Techcombank đều là các nhà phát triển bất động sản có năng lực tài chính tốt, do Ngân hàng lựa chọn tài trợ chủ yếu cho các chủ đầu tư lớn và uy tín tại Việt Nam.

Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm 59% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đã bao gồm số dư trái phiếu doanh nghiệp) của Ngân hàng, trong đó gần 70% thuộc cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng (ReCoM) (số liệu năm 2022: 73%). Trong khi đó, dư nợ cho vay bán lẻ chiếm 41% tổng dư nợ (đã bao gồm trái phiếu), trong đó 80% là cho vay mua bất động sản (số liệu năm 2022: 84%). (Nguồn: FiinRatings)

Riêng trong ngành ngân hàng (31 đơn vị) thì Techcombank là trong số ít các ngân hàng thương mại có mức xếp hạng A trở nên trong bối cảnh hiện nay.

Bản xếp hạng được công bố đại chúng đã chỉ ra những điểm mạnh của Techcombank và do có tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản cao nên nếu ngành bất động sản không đứng trước thách thức về chu kỳ khó khăn như 3 năm qua thì TCB đã có thể có mức xếp hạng cao hơn.

Phía nhà xếp hạng cũng cho biết để thực hiện việc đưa ra ý kiến xếp hạng tín nhiệm với Techcombank, FiinRatings cũng đã đánh giá chất lượng tín dụng của các khách hàng lớn của họ, nhất là các doanh nghiệp lớn bất động sản.

Các điểm nhấn FiinRatings đưa là: 1) Vị thế kinh doanh của Techcombank được đánh giá ở mức ‘tốt’ nhờ vào việc Techcombank luôn duy trì vị thế trong nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam, và thuộc Nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng với hệ thống. 2) Hồ sơ vốn và khả năng sinh lời là những điểm mạnh chính đóng góp vào điểm tín nhiệm của Techcombank khi so sánh với các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam; 3) Vị thế rủi ro của Techcombank được đánh giá ở mức "Phù hợp", phản ánh năng lực quản trị rủi ro tốt so với mặt bằng chung ngành, bao gồm quy trình thẩm định và giám sát cho vay thận trọng, hoạt động quản lý tài sản-nợ chặt chẽ; điều này giúp hạn chế rủi ro tập trung của Ngân hàng trong hoạt động cho vay các lĩnh vực có mức độ biến động mạnh theo chu kỳ và mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, xây dựng và các ngành liên quan. 4) Hồ sơ nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank được đánh giá ở mức ‘trung bình’ do Ngân hàng có sự phụ thuộc lớn hơn so với trung bình ngành vào các nguồn vốn có tính ổn định thấp. Tuy nhiên, Techcombank đang có kế hoạch để gia tăng nguồn vốn ổn định và được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự gắn bó của tập khách hàng có mức thu nhập cao và trung bình. 

FiinRatings cũng đặt ra triển vọng, kịch bản nâng điểm và hạ điểm xếp hạng. Theo đó, triển vọng ‘Ổn định’ thể hiện quan điểm của hội đồng xếp hạng về việc mức điểm xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành đối với Techcombank sẽ duy trì trong 12-24 tháng tới.

Kịch bản nâng điểm xếp hạng: FiinRatings có thể xem xét các yếu tố sau một cách độc lập hoặc đồng thời trong việc đánh giá nâng điểm xếp hạng tín nhiệm của Techcombank: 1) Ngân hàng tiếp tục duy trì khả năng sinh lời và vốn ở mức tốt trong khi danh mục cho vay được đa dạng hóa qua việc giảm thiểu tỉ trọng dư nợ ở các nhóm ngành thâm dụng vốn và có tính rủi ro cao; 2) Hồ sơ huy động vốn và thanh khoản được cải thiện, thể hiện qua tỷ lệ nguồn vốn ổn định và tỷ lệ huy động vốn dài hạn tương đương hoặc tốt hơn mức trung bình ngành.

Kịch bản hạ điểm xếp hạng: FiinRatings có thể xem xét các yếu tố sau một cách độc lập hoặc đồng thời trong việc đánh giá hạ điểm xếp hạng tín nhiệm của Techcombank: 1) Lợi nhuận bị ảnh hưởng do (i) thu nhập từ lãi thấp hơn và/hoặc (ii) thị trường có nhiều diễn biến bất lợi để phát triển các sản phẩm thu nhập phí như dịch vụ ngân hàng đầu tư và bảo hiểm; 2) Việc tăng các khoản nợ có vấn đề dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn, do đó gây sức ép lên khả năng sinh lời và vốn của Ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng nới lỏng khẩu vị rủi ro bằng cách cho vay các nhà phát triển bất động sản có năng lực tài chính yếu hơn và/hoặc khách hàng cá nhân có hồ sơ tín dụng rủi ro hơn; 3) Hồ sơ thanh khoản bị suy yếu do áp lực rút vốn tăng lên từ các khoản mục liên quan đến tín dụng trong hoạt động ngoại bảng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường vốn quản trị được rủi ro

    Xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường vốn quản trị được rủi ro

    11:05, 25/10/2023

  • Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BSR ở mức “triển vọng tích cực”

    Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BSR ở mức “triển vọng tích cực”

    12:08, 03/10/2023

  • Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    05:30, 20/02/2023

  • Nguy cơ Mỹ vỡ nợ, cơ quan xếp hạng tín nhiệm nói gì?

    Nguy cơ Mỹ vỡ nợ, cơ quan xếp hạng tín nhiệm nói gì?

    11:54, 29/05/2023

  • Sửa đổi Nghị định 65/2022: Còn băn khoăn về quy định xếp hạng tín nhiệm

    Sửa đổi Nghị định 65/2022: Còn băn khoăn về quy định xếp hạng tín nhiệm

    04:00, 14/02/2023

  • F88 thông tin về nguồn vốn và xếp hạng tín nhiệm mới

    F88 thông tin về nguồn vốn và xếp hạng tín nhiệm mới

    12:36, 11/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ việc FiinRatings lần đầu xếp hạng tín nhiệm cho ngân hàng thương mại Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO