Theo Nghị định 08/2023, hết 31/12/2023, nhiều quy định tạm hoãn áp dụng sẽ quay trở lại từ đầu 2024 trong đó có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (theo Nghị định 65 và 155).
>>>Nghiên cứu sửa đổi Thông tư 16/2021, hỗ trợ thanh khoản thị trường TPDN
Nghị định 65/2022 quy định cụ thể từ ngày 1/1/2023, một số trường hợp phát hành TPDN bắt buộc phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm (XHTN).
Tuy nhiên, các trường hợp chào bán phải XHTN hiện đang được tạm dừng áp dụng theo Nghị định 08/2023, và nếu đến đầu năm sau, không có quy định bổ sung, sửa đổi nào khác, thì các quy định này sẽ lại có hiệu lực.
Cho đến hiện nay, khi chưa có “tín hiệu” nào mới cho thấy có khả năng sẽ xuất hiện quy định cho phép kéo dài thời hạn bảo lưu Nghị định 08, và thời gian còn rất ngắn chưa đầy 3 tháng. Theo lẽ thường, nhiều doanh nghiệp muốn đảm bảo kế hoạch phát hành TPDN trong năm tới đã phải chuẩn bị sẵn XHTN, thì số lượng các doanh nghiệp đang tham gia XHTN trên thị trường vẫn rất khiêm tốn.
Theo ghi nhận của DĐDN, thị trường được phép có 5 tổ chức XHTN. Hiện đã có 3 tổ chức đi vào hoạt động. Trong đó, trừ VIS Ratings mới nhận giấy phép chỉ khoảng cách đây chừng 1 tháng, thì thị trường còn 2 tổ chức XHTN đã hoạt động sớm là Fiin Ratings và Saigon Ratings.
Tại Fiin Ratings, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, cho biết, đến nay, có khoảng 40 công ty đã tham gia XHTN, trong đó Fiin Ratings đã công bố kết quả của 20 doanh nghiệp.
>>>Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Còn tại Saigon Ratings, ghi nhận có khoảng 30 doanh nghiệp đã và đang tham gia XHTN. Như vậy tổng cộng chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp bao gồm nhóm đang triển khai/ chưa công bố, tham gia XHTN. Đây là con số rất ít ỏi nếu so với số lượng nhóm doanh nghiệp niêm yết và đại chúng trên 3 sàn chứng khoán (hơn 1.600 d), hay so với số lượng mã trái phiếu dự kiến niêm yết phải có mặt trên sàn TPDN riêng lẻ năm nay (hơn 1.300); hoặc lùi lại là quy mô, giá trị trái phiếu phát hành ở thời điểm TPDN chưa gặp sự cố “thiên nga đen” tại cuối 2021 (hơn 623 tỷ đồng, trong đó có 583.371 tỷ đồng phát hành riêng lẻ, 40.246 tỷ đồng phát hành ra công chúng).
Có nhiều lý do để doanh nghiệp thờ ơ với XHTN, nhưng tựu trung ngoài yếu tố chính sách, quy định chưa áp dụng bắt buộc, thì một vị đại diện ngành nói với DĐDN: Thứ nhất, có các ý kiến cho rằng việc XHTN khiến doanh nghiệp phải cõng thêm chi phí. Trên thực tế, hiện ADB đang có chương trình tài trợ nên các đơn vị XHTN trong nước đang triển khai chương trình XHTN miễn phí (0 phí) hoặc chỉ thu phí rất “tượng trưng”, song số lượng DN tham gia thì… như đã ghi nhận.
Điều đó minh chứng yếu tố nguyên nhân nằm ở vế thứ hai, sâu xa hơn, các doanh nghiệp hiện đang khó khăn nên có tâm lý lo lắng việc tham gia XHTN chẳng khác nào đi bệnh viện, bác sĩ bắt bệnh, chụp cắt lớp… ra bệnh thì kết quả XHTN thấp, không phát hành được, không ai cho vay… Tâm lý này chẳng khác nào “giấu bệnh” và có thể khiến những nỗ lực để vực lại, củng cố niềm tin trên thị trường TPDN, hướng đến phát hành lành mạnh, bền vững bị suy giảm hiệu quả.
Ở góc đơn đơn vị quỹ đầu tư - thuộc nhóm tổ chức, “tay chơi” chính của thị trường TPDN, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc PVIAM chia sẻ: PVAM thuộc công ty bảo hiểm lớn thứ 3 toàn cầu. Tuy nhiên do đặc trưng của dòng tiền nhóm ngành bảo hiểm tương đối ngắn, phải đảm bảo tính thanh khoản cao để đảm bảo chi trả theo nghĩa vụ cho khách hàng, do đó phải đặt quản trị rủi ro đồng vốn lên hàng đầu. Trong quá trình đó, việc phân bổ tài sản đầu tư phải dưa trên một chiến lược và có cơ sở để xem xét hạn mức, phân bổ. Tùy theo định mức tín nhiệm của các tổ chức thì chúng tôi mới ra hạn mức cụ thể. Ngay cả việc gửi tiền vào các ngân hàng cũng phải dựa trên định mức tín nhiệm và lãi suất, mới đưa ra hạn mức phù hợp khẩu vị rủi ro.
“Trong khi đó, độ phủ của XHTN tại Việt Nam hiện nay không cao, mới chỉ có mấy chục doanh nghiệp, không đủ để đưa ra cái nhìn, đánh giá toàn cảnh, cơ sở để đánh giá theo ngành và trên từng doanh nghiệp… Do đó chúng tôi phải tự đầu tư về phân tích, xếp hạng nội bộ để có cơ sở xem xét. Khi công ty quản lý quỹ của công ty bảo hiểm mẹ, quản lý 167 tỷ Euro, đến thăm Việt Nam, thấy chúng tôi phải tuyển dụng, chi phí cho bộ phận phân tích lớn như vậy họ đã vô cùng ngạc nhiên. Bởi ở quốc tế, họ chỉ có 1, 2 nhân sự phân tích để cập nhật nếu các nhà XHTN có thay đổi kết quả đánh giá của doanh nghiệp và khi có cập nhật, họ sẽ có ứng xử, phản ứng ngay và phù hợp trên thị trường ”, bà Giao cho biết.
Cùng quan điểm, đại diện một đơn vị tư vấn phát hành chia sẻ khi mang TPDN mà công ty có bảo lãnh đi bán nhà cho nhà đầu tư, nhà đầu tư thực tế có sự hoài nghi vì cho rằng “anh tư vấn, bảo lãnh phát hành thì anh phải nói hay mới bán được”. Do đó, rất cần có XHTN độc lập để nhà đầu tư tham khảo, đặt niềm tin.
Ông Lê Hồng Khang thừa nhận, thị trường hiện thiếu thông tin đánh giá về “nhãn hàng” có khả năng so sánh tương đối về chất lượng tín dụng; thiếu sự đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thiếu sự chuẩn hóa thông tin và đường cong lãi suất tham chiếu để định giá lãi suất cũng như chuẩn hóa cung cấp công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức. Ông Khang cho rằng XHTN là cơ sở - hạ tầng quan trọng để giúp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư tham gia trên thị trường vốn nợ; giúp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường tạo tiền đề cho việc tăng cường huy động vốn vay trung và dài hạn.
Theo ông Ritesh Maheshwari, Giám đốc điều hành, Phụ trách khu vực Đông Nam Á, S&P Global Ratings, có thể nói phát triển TT TPDN là yếu tố quan trọng để có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Thị trường thứ cấp sôi động cần có nền tảng nhà đầu tư đa dạng và thanh khoản tốt.
“Cơ sở mở rộng nhà đầu tư trước hết chính là XHTN và đánh giá chặt chẽ các tổ chức phát hành giúp nhà đầu tư thẩm định độ tin cậy về khả năng thanh toán và nâng cao tính minh bạch. Bên cạnh đó, các cấp Lãnh đạo có thể tìm thấy các yếu tố để cải thiện. Gia tăng độ sâu thị trường trái phiếu.
XHTN và đánh giá về các tổ chức phát hành kết hợp phân tích so sánh với các doanh nghiệp tương đồng cũng như các tài sản khác, có thể giúp quá trình đưa ra quyết định của nhà đầu tư tốt hơn. Minh bạch thông tin trên thị trường trái phiếu cũng cung cấp thêm các thông tin cần thiết đến nhà đầu tư, giúp cải thiện các quyết định tín dụng và góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia. Cùng với đó, ngân hàng có thể sử dụng XHTN để đánh giá các đối tác”, ông Ritesh Maheshwari nói.
Đại diện của 1 trong 3 hãng XHTN lớn nhất toàn cầu cũng lưu ý ở các thị trường có số lượng Tổ chức XHTN tương đối lớn (>3) đã chứng kiến tác động phản tác dụng như việc mua xếp hạng (rating-shopping) và cạnh tranh phí không lành mạnh, dẫn đến các vấn đề pháp lý xảy ra như ở Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, ông cho rằng ở các thị trường XHTN thành công, sự hợp tác với các Tổ chức XHTN toàn cầu được thể hiện rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm
Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BSR ở mức “triển vọng tích cực”
12:08, 03/10/2023
Nguy cơ Mỹ vỡ nợ, cơ quan xếp hạng tín nhiệm nói gì?
11:54, 29/05/2023
EVNNPC tiếp tục được xếp hạng tín nhiệm với những triển vọng tích cực
08:57, 06/04/2023
Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm đối với VietinBank
05:00, 30/11/2022
Sửa đổi Nghị định 65/2022: Còn băn khoăn về quy định xếp hạng tín nhiệm
04:00, 14/02/2023
Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp
05:30, 20/02/2023