Vì sao 2024 là năm "bước ngoặt" của thế giới?
Thế giới có thể sẽ trở nên khác biệt vào năm 2025, tùy thuộc vào kết quả của một loạt các xung đột, các cuộc bầu cử quan trọng và các lực lượng địa chính trị trong năm 2024.
>> Viện trợ Mỹ cho Ukraine dưới góc nhìn kinh tế
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ một lần nữa đặt Mỹ trở thành tâm điểm. Và cựu Tổng thống Donald Trump không phải là người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu duy nhất đang trỗi dậy; phong trào này cũng đang diễn ra ở châu Âu.
Các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Dải Gaza có nguy cơ gây ra những hệ quả rộng lớn hơn, trong khi sự ổn định kinh tế và chính trị đang bị đe dọa bởi dòng người di cư ồ ạt, lo ngại về suy thoái kinh tế và tác động lan rộng của biến đổi khí hậu.
Với sự kết hợp của các sự kiện sẽ xảy ra trong năm nay, cùng những yếu tố chưa xuất hiện, năm 2024 có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử thế kỷ 21.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Cú sốc toàn cầu dễ thấy nhất vào năm 2024 sẽ là cuộc bầu cử của nước Mỹ khi ông Trump đang nỗ lực trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo. Trước mắt, ông Trump cho biết nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ông sẽ xem xét lại vấn đề viện trợ cho Ukraine, và thái độ của ông đối với các liên minh thậm chí có thể gây nguy hiểm cho NATO.
Trừ khi có bất ổn xảy ra trong vài tuần tới ở Iowa và New Hampshire, cựu Tổng thống Trump sẽ nắm quyền kiểm soát Đảng Cộng hòa nhiều hơn so với khi ông rời Washington vào tháng 1 năm 2021. Nếu cựu Tổng thống Trump thắng thế, đây sẽ là một trong những sự trở lại đáng kinh ngạc và đáng lo ngại nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn bị hoài nghi rằng liệu ông có đủ sức và sự nhạy bén để phục vụ trọn nhiệm kỳ thứ hai hay không. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, nếu các sự kiện chính trị, kinh tế và toàn cầu trong năm 2024 diễn ra có lợi cho ông Biden, điều này có thể giúp ông điều hướng cuộc đua để tái tranh cử.
Những gì xảy ra vào tháng 11/2024 có thể thay đổi nước Mỹ mãi mãi và gây ra những làn sóng chấn động lớn trên khắp thế giới.
"Điểm nóng" Ukraine và Gaza
Năm 2024 cũng được cho là năm định mệnh của Ukraine khi các nước phương Tây đang dần cho thấy sự mệt mỏi với cuộc chiến. Tại Mỹ, Đảng Cộng hòa đang ngăn chặn cam kết trị giá 60 tỷ USD viện trợ quân sự mới mà Ukraine rất cần sau khi cuộc phản công trong năm 2023 làm tiêu hao đáng kể.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết rằng Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu, nhưng nếu phương Tây quay lưng, ông có thể phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc đàm phán với Tổng thống Putin với thế yếu và việc kéo dài một cuộc xung đột có thể đẩy đất nước vào tình trạng cạn kiệt. Và nếu Nga giành được chiến thắng, đây là một sự thất bại đáng kinh ngạc của NATO và sẽ dẫn tới một kỷ nguyên bất an mới ở châu Âu.
Một trong các vấn đề nóng đang được quan tâm nhất hiện nay là liệu Mỹ có thể ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza lan rộng thành một cuộc xung đột trong khu vực hay không? Căng thẳng cực độ đang gia tăng từ Ấn Độ Dương, qua Biển Đỏ và khắp khu vực khi các nhóm ủy nhiệm của Iran ở Yemen, Gaza và Lebanon tăng cường các cuộc tấn công.
Israel dường như đang phớt lờ lời kêu gọi về việc giảm cường độ các cuộc tấn công ở Gaza. Trong khi đó, các lợi ích của Mỹ và Israel dường như đang phân hóa nhanh chóng khi cuộc xung đột gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng cho Tổng thống Mỹ ở trong nước, với những cử tri trẻ và tiến bộ, đặc biệt là những người Mỹ gốc Ả Rập chỉ trích khả năng lãnh đạo của ông Biden.
>> Kinh tế - “át chủ bài” giúp giành ghế Tổng thống Mỹ
Năm của các cuộc bầu cử
2024 cũng là năm các cuộc bầu cử quan trọng trên toàn cầu được diễn ra. Vào tháng 1/2024, cuộc bầu cử ở Đài Loan có thể gây ra một số căng thẳng. Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi dự kiến sẽ tái tranh cử. Và cuộc bầu cử ở Nga sẽ giúp ông Putin tận dụng chiến thắng ấn tượng để củng cố thêm quyền lực của mình bất chấp tổn thất quân sự lớn ở Ukraine.
Các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu mở ra cơ hội cho các đảng cực hữu, dân túy, chống nhập cư ở Pháp, Đức, Bỉ và các nơi khác. Vương quốc Anh có thể tận dụng một cuộc bầu cử có thể diễn ra trong năm nay để bác bỏ sự lãnh đạo hỗn loạn của cánh hữu và quay trở lại với Đảng Lao động sau 14 năm.
Tại Nam Phi, nơi Đảng Đại hội Dân tộc Phi đương nhiệm đang có nguy cơ thua cuộc trong cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên kể từ khi ông Nelson Mandela lên nắm quyền. Ở Mexico, cả hai ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6/2024 đều là phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến cách chính phủ nước này tiếp cận với năng lượng và đầu tư nước ngoài.
Sự cạnh tranh địa chính trị
Năm 2024 sẽ tăng cường sự liên kết toàn cầu mới. Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với một khối dù chưa có mối liên kết chặt chẽ nhưng ngày càng phối hợp gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, vốn đều có những lợi ích riêng biệt nhưng có chung mục tiêu.
Đồng thời, cuộc chạy đua giữa phương Tây và các đối thủ của họ để giành ảnh hưởng với các quốc gia đang phát triển ở khu vực Nam bán cầu. Những mảng địa chính trị đang thay đổi này có nghĩa là mọi cuộc khủng hoảng toàn cầu giờ đây đều trở thành phép thử cho uy tín của Mỹ.
Hy vọng cho nền kinh tế toàn cầu
Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh vào năm ngoái khi lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn phần còn lại của thế giới. Trung Quốc đang hy vọng phục hồi mạnh hơn sau một năm khó khăn và cũng có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Nhưng nếu ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 và tiếp tục kế hoạch áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ cam go hơn, phá hủy hệ thống thương mại tự do toàn cầu và cuối cùng khiến người tiêu dùng bị thiệt hại nặng nề hơn.
Khủng hoảng biến đổi khí hậu
Nếu xu hướng này tiếp tục, thế giới sẽ lại phải đối mặt với một năm lũ lụt lớn, cháy rừng lớn, bão lớn và hạn hán. Nhưng khi bằng chứng về biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng hơn, nhiều quốc gia sẽ nỗ lực chạy đua để đáp ứng các mục tiêu phát thải đầy tham vọng được đặt ra tại COP28 thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững...
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc sẽ làm gì để vực dậy kinh tế trong năm 2024?
04:00, 31/12/2023
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc: "Gió khó đảo chiều"
03:00, 31/12/2023
COP28 đã thành công hay thất bại?
04:00, 15/12/2023
Viện trợ Mỹ cho Ukraine dưới góc nhìn kinh tế
03:00, 29/12/2023
Kinh tế - “át chủ bài” giúp giành ghế Tổng thống Mỹ
04:30, 28/12/2023