Các cuộc đàm phán về khí hậu ở Dubai đã kết thúc với một thỏa thuận nhằm hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vừa mang tính lịch sử, vừa bị cho là không hiệu quả.
Sau 2 tuần, các cuộc đàm phán tại COP28 đã kết thúc với một thỏa thuận giữa gần 200 quốc gia cam kết “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”, nhấn mạnh việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đó trước năm 2030.
>>COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?
Dù không đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc nào trong chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia lạc quan về COP28, cho rằng nó đã tạo một điểm nhấn lịch sử là lần đầu tiên đề cập đến nhiên liệu hóa thạch, ngay tại một cường quốc về dầu mỏ.
Không có hội nghị nào trong số 27 hội nghị COP trước đó đề cập trực tiếp đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính khiến hành tinh nóng lên thêm khoảng 1,3 độ kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Đó là lý do ông Sultan al-Jaber, Chủ tịch điều hành COP28, tuyên bố rằng việc đưa ngôn ngữ đó vào văn bản cuối cùng là một dấu ấn thành công của sự kiện ở Dubai.
Những ngôn từ mạnh mẽ đó được cho sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn về sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu.
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố: “Tài liệu này gửi những thông điệp rất mạnh mẽ đến thế giới”. Hay Bộ trưởng Khí hậu Đan Mạch Dan Jørgensen cho biết: “Chúng ta đang ở một quốc gia dầu mỏ được bao quanh bởi các quốc gia dầu lửa hiện đang ký một văn bản nói rằng chúng ta cần phải tránh xa dầu mỏ. Nó mang tính lịch sử.”
Ông Simon Stiell, người đứng đầu về khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết: “Mặc dù chúng ta chưa lật sang trang mới về kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch ở Dubai nhưng kết quả này là sự khởi đầu cho sự kết thúc.”
“Cuối cùng, COP này sẽ được ghi nhớ vì những gì nó đạt được về nhiên liệu hóa thạch,” nhà ngoại giao Brazil André Corrêa do Lago chia sẻ.
Hội nghị thượng đỉnh đã bắt đầu một cách tích cực. Trong phiên họp toàn thể khai mạc vào ngày 30 tháng 11, các quốc gia đã ký kết thành lập một quỹ mới để giúp các quốc gia đang phát triển tái thiết sau thảm họa khí hậu. Đây là một thỏa thuận lịch sử mà các quốc đảo đã dành nhiều thập kỷ vận động để đạt được.
UAE và Đức công bố mỗi nước đóng góp 100 triệu USD cho quỹ mới vào cuối hội nghị thượng đỉnh, đưa con số tổng cộng mà các nước cam kết lên gần 800 triệu USD. Mỹ bị chỉ trích vì chỉ cam kết 17,5 triệu USD.
>>COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí
Thỏa thuận cuối cùng cũng bao gồm một hiệp ước tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi tỷ lệ tiết kiệm năng lượng thông qua các biện pháp hiệu quả vào năm 2030. Và lần đầu tiên, tuyên bố chung bao gồm một tiêu chuẩn rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính trong thập kỷ này.
Nhưng khi nhiên liệu hóa thạch vẫn cung cấp hơn 80% năng lượng toàn cầu, những ngôn từ đó dường như là chưa đủ. Các nước bị ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu cho rằng thỏa thuận cuối cùng tiếp tục không phải là lời giải cho vấn đề trái đất nóng lên ngày càng trầm trọng.
Tina Stege, đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall có nhiều san hô, đã rời khỏi phòng họp khi Chủ tịch al-Jaber thông qua thỏa thuận. Anne Rasmussen, nhà đàm phán chính của quốc gia Samoa ở Thái Bình Dương, tuyên bố: “Đây không phải là cách tiếp cận mà chúng tôi được yêu cầu bảo vệ”.
Trong suốt hội nghị, ông Zhao Yingmin, Thứ trưởng Bộ Môi trường của Trung Quốc – nước phát thải carbon lớn nhất thế giới - đã phản đối thỏa thuận chấm dứt nhiên liệu hóa thạch. Ông tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc là hành động vì khí hậu phải có cả tham vọng và chủ nghĩa thực dụng”.
Đại đa số các quốc gia đã ký các tuyên bố không mang tính ràng buộc, tập trung vào việc làm cho hệ thống cung cấp thực phẩm và chăm sóc sức khỏe của thế giới trở nên linh hoạt hơn trước các tác động của khí hậu, trong khi những tài liệu đó hầu như không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch.
“Hiến chương khử cacbon trong dầu và khí đốt” của Chủ tịch COP28, trong đó chứng kiến 50 công ty dầu khí hứa sẽ loại bỏ rò rỉ khí mê-tan vào năm 2030 và phát thải khí nhà kính liên quan đến sản xuất vào giữa thế kỷ, đã bị những người phản đối – hầu hết là các quốc gia dễ bị tổn thương - mô tả là hoạt động “tẩy xanh”.
IEA đã tóm tắt các cam kết liên quan đến năng lượng là “những bước đi tích cực” nhưng cho biết chúng “gần như không đủ để đưa thế giới đi theo con đường đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế”.
Có thể bạn quan tâm
Cam kết tại COP28 có ý nghĩa gì với châu Á?
04:00, 06/12/2023
Nâng giá carbon: Thực tế hay ảo tưởng tại COP28?
04:30, 05/12/2023
COP28: "Nóng" vấn đề xung đột Israel – Hamas
03:00, 04/12/2023
Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?
15:04, 02/12/2023
Châu Á dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP28
04:00, 02/12/2023