Ngược chiều EU, Anh muốn khơi dậy năng lực điện hạt nhân

TRƯỜNG ĐẶNG 29/01/2024 03:30

Vương quốc Anh đang trên đà "phục hưng" năng lượng hạt nhân với tham vọng mở rộng đáng kể năng lực năng lượng hạt nhân của mình.

Ngược xu thế xanh, Anh đang tích cực theo đuổi năng lượng hạt nhân

Anh đang tích cực theo đuổi năng lượng hạt nhân

Trái ngược với xu hướng năng lượng tái tạo của EU, năng lượng hạt nhân dường như là chủ đề ưa thích của các nhà lãnh đạo Anh. Đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Claire Coutinho đã công bố kế hoạch “mở rộng công suất hạt nhân lớn nhất trong 70 năm”. Động thái này đang lặp lại tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trước đây như các cựu Thủ tướng Boris Johnson và Gordon Brown, rằng năng lượng hạt nhân là chiến lược.

>>Ngành đóng tàu "đổ thêm lửa" vào căng thẳng EU - Trung Quốc

Dự án Hinkley Point C là biểu tượng cho tham vọng đó. Được 2 nhà thầu EDF (Pháp) và CGN (Trung Quốc) khởi động vào 2016, công trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào 2025 với ngân sách 24 tỷ bảng Anh và cho công suất 3,2 gigawatt (GW). Ý định của nước Anh là rõ ràng: đáp ứng nhu cầu về an ninh năng lượng “đáng tin cậy” để bổ sung cho các nguồn điện tái tạo không liên tục đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhưng cuối tháng này, EDF thừa nhận dự án sẽ phải giãn tiến độ tới 2031 và đội vốn lên gấp đôi, 46 tỷ bảng Anh. Khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy năng lượng hạt nhân mới đầu tiên ở Anh trong hơn 30 năm qua và là nhà máy đắt thứ hai trên thế giới.

Một loạt rào cản bộc lộ

Trước hết, các chuyên gia chỉ ra chi phí năng lượng hạt nhân ở Anh cao hơn đáng kể so với tiêu chuẩn quốc tế, gây khó khăn cho các chương trình điện hạt nhân của nước này.

Theo các nhà phân tích, các quy định an toàn nghiêm ngặt và sự thiếu nhất quán đối với chính sách hạt nhân qua các nhiệm kỳ chính phủ khác nhau là những nguyên do chính. Hệ quả, sự sửa đổi và trì hoãn đã làm thay đổi thiết kế nhiều lần và gia tăng chi phí một cách khủng khiếp. Ví dụ, EDF đã phải tiến hành hơn 7.000 thay đổi so với thiết kế đã làm ở Phần Lan và Trung Quốc khi thực hiện Hinkley Point C.

Không những vậy, sự gián đoạn kéo dài do trục trặc hành chính như dự án Hinkley Point C cũng đã dẫn đến tình trạng mất đi lực lượng lao động có tay nghề và sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, khiến chi phí và thời gian bị vượt quá.

Những thách thức đó đi kèm với sự già cỗi nhanh chóng của các cơ sở trong nước đang đè gánh nặng lên chính phủ Anh. Công suất hạt nhân của Anh đạt đỉnh gần 30 năm trước vào khoảng 13 GW - đủ để cung cấp 1/4 lượng điện của đất nước. Kể từ đó, nó đã giảm đi một nửa. Các lò phản ứng khác đang già đi nhanh chóng: 5 trong số 6 nhà máy đang hoạt động sẽ ngừng hoạt động vào cuối thập kỷ này, mặc dù tình hình hiện tại có thể khiến chúng phải làm việc lâu hơn so với dự kiến.

Một loạt các cải cách đang được Anh thúc đẩy để

Một loạt các cải cách đang được Anh thúc đẩy để "phục hưng" hạt nhân

Nước Anh rốt ráo trong cải cách điện hạt nhân

Bộ trưởng Năng lượng Anh là người mới nhất cố gắng đảo ngược sự suy giảm này. Mục tiêu của bà là tăng gấp bốn lần công suất hạt nhân của Anh, lên 24 GW vào năm 2050.

>>Năng lượng sạch - trụ cột kinh tế mới của Trung Quốc

Áp dụng công nghệ mới là giải pháp đầu tiên, thông qua mô hình mới kết hợp giữa các lò phản ứng quy mô khổng lồ như Hinkley Point C với các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR S) - một loại mới hơn, có kích thước bằng 1/6 các lò phản ứng lớn, và điều kiện xây dựng linh hoạt hơn.

Tiến sĩ Paul Dorfman, từ Viện Năng lượng tại Đại học College London, nhấn mạnh tiềm năng của SMR: "Lò phản ứng mô-đun nhỏ có thể mang lại cách tiếp cận năng lượng hạt nhân có khả năng mở rộng hơn và ít khó khăn hơn về mặt tài chính. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển là điều cần thiết để biến những ý tưởng này thành hiện thực."

Chi phí cũng là vấn đề cần lưu tâm. Chính sách hạt nhân rời rạc qua nhiều năm khiến các chính trị gia cũng tỏ ra miễn cưỡng trong việc giải quyết các chi phí vốn rất tốn kém. Để giải quyết, bà Coutinho đề xuất một loạt các cách thức tài trợ cho các dự án trong tương lai, ví dụ như một phần chi phí trong quá trình xây dựng sẽ được bù đắp từ hóa đơn tiền điện để giảm gánh nặng đầu tư.

Giáo sư Stephen Thomas, chuyên gia về chính sách năng lượng tại Đại học Greenwich, cho rằng "chiến lược giảm chi phí xây dựng hạt nhân của Vương quốc Anh cần một cách tiếp cận nhiều mặt, bao gồm cải cách quy định, đổi mới tài chính và hợp tác quốc tế. Học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất có thể là chìa khóa".

Cải cách quy định là một lĩnh vực trọng tâm quan trọng khác. Các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của Vương quốc Anh, mặc dù là tối quan trọng, nhưng thường dẫn đến việc sửa đổi và trì hoãn thiết kế trên diện rộng. Theo đó, cam kết của chính phủ trong việc tận dụng các đánh giá của các cơ quan quản lý quốc tế đáng tin cậy và đơn giản hóa quy trình phê duyệt các địa điểm mới có thể đẩy nhanh đáng kể tiến độ của dự án.

Với những quyết tâm này, “thời kỳ phục hưng hạt nhân” của Anh dường như không hoàn toàn viển vông. Thế nhưng, làm được điều này không hề dễ dàng. Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp có lẽ sẽ cần những cải cách “đột phá” cả về chính sách và nhận thức khi dường như năng lượng xanh đang “lên ngôi” trên khắp thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp cần ứng phó thế nào trong thế giới bất định?

    Doanh nghiệp cần ứng phó thế nào trong thế giới bất định?

    04:00, 27/01/2024

  • Kinh tế Đức

    Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu

    04:30, 22/01/2024

  • Châu Âu vẫn

    Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát

    03:00, 08/01/2024

  • Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa

    Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa

    04:00, 28/12/2023

  • Xung đột Trung Đông phủ

    Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu

    03:30, 01/01/2024

TRƯỜNG ĐẶNG