Các doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng cho một năm 2024 đầy biến động với những cơ hội và thách thức đan xen, theo các báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Deloitte, E&Y hay Goldman Sachs.
Như đã được thảo luận rất nhiều tại các diễn đàn kinh tế, năm 2024 được cho sẽ là giai đoạn được đánh dấu bởi sự kết hợp giữa khả năng phục hồi và rủi ro. Theo nhiều chuyên gia, để “sống sót” trong bối cảnh đó, các nền kinh tế và doanh nghiệp cần quan tâm củng cố tính kiên cường, ưu tiên chuyển đổi số và thực hiện các chiến lược linh hoạt.
>>Các doanh nghiệp châu Á "xoay xở" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung
Nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi vượt trội. Tuy nhiên, những thách thức lâu dài và mới nổi được cho sẽ gây ra rủi ro cho quá trình phục hồi này trong năm 2024.
Ira Kalish, Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu tại Deloitte Touche Tohmatsu, nhận xét: "Trong khi nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng thích ứng và phục hồi, những bất ổn liên quan đến lạm phát, căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục che mờ triển vọng kinh tế thế giới."
Mỹ sẽ tiếp tục là nơi các nhà đầu tư hướng tới. Nền kinh tế Mỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và thị trường việc làm kiên cường. Tuy nhiên, bóng ma lạm phát và lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vẫn tiềm ẩn những tác động khó lường.
Lời khuyên của Bob Rosone, Giám đốc điều hành tại Deloitte LLP, là các doanh nghiệp phải đề cao tính linh hoạt. “Các công ty phải luôn linh hoạt và phản ứng nhanh với các điều kiện kinh tế đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là khi chúng ta vượt qua những bất ổn xung quanh lạm phát và lãi suất”, ông Bob Rosone nhấn mạnh.
Lạm phát và lãi suất ở Mỹ sẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong năm 2024, nơi đang có sự tranh cãi về thời điểm FED có thể lần đầu giảm lãi suất sau 2 năm duy trì quan điểm cứng rắn. Một động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của FED sẽ tạo động lực lớn cho thị trường tài chính, nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề về giá cả hàng hóa hay thị trường lao động.
Kalish lưu ý: “Thách thức đối với FED là đạt được một cú hạ cánh mềm, làm chậm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Sự cân bằng mong manh này sẽ rất quan trọng trong việc xác định quỹ đạo kinh tế cho năm 2024".
Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng được dự báo cũng sẽ là một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế hậu đại dịch có ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành công nghiệp từ sản xuất đến bán lẻ.
Các lỗ hổng lâu nay âm ỉ giờ ngày càng bộc lộ rõ cho thấy sự mong manh của sợi dây toàn cầu hóa – căng thẳng địa chính, trị, thiên tai, xung đột. Những câu chuyện xung quanh Biển Đỏ, Biển Đen hay kênh đào Suez là minh chứng rõ nét nhất.
>>Hé lộ nỗi lo của doanh nghiệp Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử
"Trong 2024 và tương lai xa hơn, sự tiến bộ công nghệ và tác động của AI cũng sẽ ngày càng có khả năng định hình lại thị trường lao động và cách doanh nghiệp hoạt động", các chuyên gia nhận định.
Tại đó, cơ hội và thách thức là đan xen. Ông Rosone cho biết: “AI có tiềm năng biến đổi các ngành công nghiệp, thúc đẩy năng suất và tạo ra các mô hình kinh doanh mới”. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ này cũng đặt ra câu hỏi về sự dịch chuyển lực lượng lao động và nhu cầu về các sáng kiến nâng cao và đào tạo lại kỹ năng.
Chưa kể việc sử dụng sai mục đích có thể khiến AI trở thành một mối nguy to lớn tới nhân loại. Như báo cáo của WEF 2024 chỉ ra, sai lệch thông tin liên quan tới AI đứng thứ 2 trong số các nguy cơ lớn nhất toàn cầu hiện nay.
Giải pháp vượt qua môi trường bất ổn
Sự linh hoạt và lập kế hoạch chiến lược được Deloitte nhấn mạnh sẽ là điều doanh nghiệp nên làm trong bối cảnh hiện nay.
Rosone khuyến nghị: “Để điều hướng bối cảnh kinh tế phức tạp của năm 2024, các công ty nên tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi, đầu tư vào nhân tài và công nghệ, đồng thời theo dõi chặt chẽ các tín hiệu thị trường”. Tại đó, quản lý rủi ro chiến lược và lập kế hoạch cho các kịch bản sẽ là công cụ quan trọng để doanh nghiệp giảm thiểu các tác động tiềm ẩn và nắm bắt các cơ hội.
Trong khi đó, Ernst & Young (EY) nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện, kêu gọi các công ty rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và tiến hành đổi mới chiến lược để tăng cường khả năng phục hồi, như đầu tư vào đổi mới dựa trên công nghệ, đặc biệt tập trung vào AI tạo ra động lực.
Mặt khác, Goldman Sachs khuyên các doanh nghiệp nên quan sát và duy trì khả năng thích ứng với những điều chỉnh lạm phát đang diễn ra và bám sát các chính sách của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED.
Ngân hàng Mỹ cũng khuyến khích các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội đổi mới và thị trường mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới và đang phát triển khi môi trường kinh tế tiếp tục thay đổi. Goldman Sachs lưu ý: “Trong bối cảnh mà sự thay đổi là hằng số duy nhất, khả năng đổi mới và xoay vòng chiến lược nhanh chóng không chỉ là một lợi thế mà còn là điều cần thiết”.
Có thể bạn quan tâm
Lộ diện 3 yếu tố làm “xoay chuyển” kinh tế toàn cầu
04:30, 11/01/2024
“Phác họa” kinh tế toàn cầu 2024
12:00, 30/12/2023
Chiến sự Đông Âu chấm dứt, kinh tế toàn cầu sẽ ra sao?
03:00, 30/12/2023
“Vén màn” bức tranh kinh tế toàn cầu 2024
03:30, 12/12/2023
Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
03:30, 10/11/2023