"Cuộc cách mạng" máy bay điện còn nhiều chông gai
Châu Âu đang kỳ vọng vào một cuộc cách mạng xanh trong ngành hàng không, nhưng thực tế đang đầy "chông gai".
Cũng như xe điện, nhiều người đã từng kỳ vọng máy bay chạy điện có thể là đột phá công nghệ tiếp theo của ngành vận tải. Chiếc máy bay điện đầu tiên đã được Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) chứng nhận gần bốn năm trước, với dự đoán rằng nó sẽ mở cánh cửa bay lên bầu trời cho các máy bay xanh khác.
Ngày 16/1, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc, công nhận máy bay điện là một lựa chọn cho “vận tải hàng không sạch hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn”. Mục tiêu hướng tới là giúp EU đạt được mục tiêu cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính từ giao thông vận tải vào năm 2050. Trong đó, ngành hàng không chiếm khoảng 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
>>Ngược chiều EU, Anh muốn khơi dậy năng lực điện hạt nhân
Nhưng tương lai này bị hầu hết chuyên gia hoài nghi khi rào cản công nghệ đang là khó khăn chính mà máy bay điện phải đối mặt.
Giáo sư Sophie Armanini tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) cho biết: “Nút thắt chính vẫn là nguồn năng lượng: pin hiện tại quá nặng so với lượng năng lượng mà chúng cung cấp. Điều này có nghĩa là hiện tại, động cơ đẩy bằng điện chỉ khả thi đối với các máy bay nhỏ có tầm hoạt động hạn chế”.
Cho tới nay, máy bay điện mới được thử nghiệm ở các chặng ngắn và trung bình, trong đó Na Uy là quốc gia tích cực nhất. Nước này đặt mục tiêu khai thác tất cả các chuyến bay tầm ngắn và trung bằng máy bay điện vào năm 2040.
Nếu muốn trở nên phổ biến, máy bay điện sẽ cần một cuộc cách mạng về công nghệ. Hiện tại, hoạt động chính trong ngành hàng không xanh là phát triển nhiên liệu điện tử tổng hợp – được làm từ carbon thu được và hydro được tạo ra từ năng lượng xanh – mặc dù loại năng lượng này vẫn đắt và chỉ có sẵn với số lượng nhỏ.
Tuy nhiên, Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu bị chỉ trích vì tạo ấn tượng rằng máy bay điện đang là một giải pháp khả thi thực sự. Bà Karima Delli, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Châu Âu, cho rằng nghị quyết này có “những tuyên bố phi thực tế” rằng máy bay điện là giải pháp kỳ diệu để khử cacbon trong lĩnh vực hàng không.
Nghị quyết này cũng kêu gọi xác định các đường bay phù hợp nhất cho điện khí hóa hoàn toàn và thực hiện các lời kêu gọi cụ thể để tài trợ cho các dự án hỗ trợ điện khí hóa của ngành hàng không.
Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Cực Na Uy, sự phát triển của ngành hàng không điện phụ thuộc rất nhiều vào ba lĩnh vực: công nghệ pin, công nghệ động cơ điện và khung máy bay tích hợp hiệu quả. Nhưng tất cả đều đang ở “giai đoạn sơ khai trong nghiên cứu” như báo cáo phân tích.
>>Ngành đóng tàu "đổ thêm lửa" vào căng thẳng EU - Trung Quốc
Điều đó có nghĩa việc đạt được khả năng di chuyển của máy bay điện vẫn là một câu hỏi lớn, dù các liên doanh lớn như Airbus và Rolls Royce hay NASA và Boeing vẫn đang tích cực đánh giá tiềm năng của lĩnh vực này.
Ngoài việc tìm kiếm giải pháp cho nguồn năng lượng, các nhà sản xuất phải tìm cách đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan quản lý.
Bà Armanini cho biết: “Bản thân chứng nhận đã là một thách thức vì các quy định áp dụng cho máy bay điện vẫn đang được xây dựng. Vì vậy có thể tưởng tượng quá trình này chậm hơn so với dự kiến khi các quy định chưa đầy đủ hoặc chưa được kiểm tra liên quan tới một loại máy bay mới”.
Máy bay truyền thống vốn đã phải đối mặt với quy định khắc nghiệt nhất trong ngành vận tải, và máy bay điện sẽ còn bị soi xét kỹ hơn nữa. Mức độ giám sát về độ an toàn của pin chắc chắn sẽ được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là lượng nhiệt thoát ra có thể khiến chúng bốc cháy.
Frank Steffens, người đứng đầu hệ thống môi trường và động cơ tại EASA, cho biết các vấn đề an toàn của hàng không có sự khác biệt liên quan đến loại động cơ đẩy.
“Một số vấn đề an toàn dành riêng cho hàng không điện, trong đó các mục tiêu về an toàn và độ tin cậy đang được xác định. Mục tiêu tổng thể là làm cho công nghệ này ít nhất an toàn như các hệ thống đẩy truyền thống dựa trên động cơ piston hoặc tua-bin,” ông nói.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát
03:00, 08/01/2024
Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu
03:30, 01/01/2024
Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa
04:00, 28/12/2023
Pháp - Đức: Hai thái cực đối lập của châu Âu trong 2023
04:00, 27/12/2023
Châu Âu "chật vật" đi tìm động lực tăng trưởng
03:30, 23/12/2023