AMD đe dọa thế độc tôn của Nvidia trong ngành bán dẫn

TRƯỜNG ĐẶNG 13/02/2024 04:00

Cạnh tranh với Nvidia - công ty đang nắm giữ 86% thị phần ngành chip AI toàn cầu - không phải là điều dễ dàng, nhưng AMD đang sẵn sàng để đe dọa thị phần của đối thủ này.

AMD đã chứng kiến đà tăng trưởng vượt bậc với sản phẩm mới đột phá

AMD đã chứng kiến đà tăng trưởng vượt bậc với sản phẩm mới đột phá trong ngành chip

"Đây là con chip AI tiên tiến nhất trong ngành,” Lisa Su, nữ CEO của Advanced Micro Devices (AMD), đã tuyên bố tại buổi ra mắt chip mi300 mới vào tháng 12/2023. Với thông số ấn tượng - 153 tỷ bóng bán dẫn, 192 gigabyte bộ nhớ và 5,3 terabyte mỗi giây băng thông bộ nhớ - loại chip này mạnh gấp khoảng 1,6 lần so với chip H100, chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu do Nvidia sản xuất.

>>Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn

Trong năm qua, Nvidia đã củng cố vị thế là nhà sản xuất chip hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, với vốn hóa thị trường cán mốc 1,5 nghìn tỷ USD, đứng thứ 5 thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sự ra đời của con chip mới có thể đánh dấu sự vươn lên nhanh chóng của AMD. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng những con số mà AMD đưa ra không nói dối: mi 300 thực sự vượt trội hơn H 100. Giá cổ phiếu của AMD đã tăng 10% vào ngày hôm sau.

Sự trỗi dậy của AMD

Vào ngày 30/1 vừa qua, AMD dự kiến sẽ bán được số lượng mi 300 trị giá 3,5 tỷ USD trong năm nay. Doanh thu của công ty cũng đã tăng mạnh mẽ vào năm ngoái, với 23 tỷ USD vào năm 2023, gấp bốn lần so với năm 2014. Giá trị thị trường của công ty đã tăng lên tới 270 tỷ USD.

So với lợi nhuận dự báo trong 12 tháng tới, mức định giá của AMD thậm chí còn cao hơn cả Nvidia. Năm ngoái, AMD đã thay thế Intel, công ty từng thống trị ngành sản xuất chip của Mỹ, trở thành công ty bán dẫn có giá trị thứ hai ở nước này.

Đó là một giấc mơ nếu nhìn lại một thập kỷ, khi AMD đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Vào năm 2013, công ty phải bán và cho thuê lại khuôn viên ở Austin (Mỹ) để huy động tiền mặt. Giá trị thị trường của công ty khi đó chưa đến 3 tỷ USD.

Sau này, bằng cách rời bỏ thị trường máy tính đã tới hạn và tập trung vào các lĩnh vực hứa hẹn hơn như CPU dành cho máy chủ trung tâm dữ liệu và bộ xử lý đồ họa (GPU), AMD đã tìm thấy động lực để quay trở lại. Năm 2017, AMD có ý tưởng sử dụng mô hình “lắp ráp Lego” để chế tạo chip, như chia thành các phần nhỏ để trộn và ghép các khối. Sáng kiến này tạo ra những con chip nhanh hơn và rẻ hơn so với đối thủ Intel. Trong mười năm qua, thị phần của AMD trong lĩnh vực CPU máy chủ đã tăng từ con số 0 lên 30%, phá vỡ thế độc quyền của Intel.

Tham vọng vượt qua Nvidia

Giờ đây, AMD phải đối đầu với gã khổng lồ khác – Nvidia, nơi các chuyên gia cho rằng cuộc chiến sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ngược lại với Intel, Nvidia cũng là một nhà thiết kế chip nên ít mắc sai sót trong sản xuất hơn. Quan trọng hơn, công ty này đang thống trị thị trường GPU không chỉ cho lĩnh vực game mà còn cho cả lĩnh vực đào tạo các mô hình AI.

Dù đang giữ thế thống trị ngành chip AI, Nvidia vẫn phải liên tục đổi mới để không bị tụt hậu

Dù đang giữ thế thống trị ngành chip AI, Nvidia vẫn phải liên tục đổi mới để không bị tụt hậu

>>"Cơn ác mộng" với ngành bán dẫn

Cả doanh thu và lợi nhuận hoạt động của Nvidia đều gần gấp ba lần AMD. Nvidia cũng cung cấp thiết bị mạng kết nối các cụm chip và phần mềm, được gọi là CUDA, để quản lý khối lượng công việc AI. Doug O'Laughlin của công ty nghiên cứu Fabricated Knowledge, cho biết Nvidia đã thống trị ngành sản xuất chip AI vì họ cung cấp những con chip tốt nhất, bộ kết nối mạng tốt nhất và phần mềm tốt nhất. Công ty này chiếm 86% số linh kiện thị trường chip AI toàn cầu.

Nhưng AMD có thể kỳ vọng với sản phẩm mới. Lãnh đạo công ty cho biết con chip mi 300 là kết quả của sự đầu tư kéo dài 10 năm, với gần 6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho R&D – tương đương với đối thủ Nvidia. Vào tháng 12 năm ngoái, Open AI cho biết họ sẽ sử dụng mi 300s cho một số hoạt động đào tạo của mình. Microsoft và Meta cũng đã công bố kế hoạch sử dụng GPU của AMD trong trung tâm dữ liệu của họ.

Trong tham vọng vượt qua Nvidia về mạng và phần mềm, AMD cũng đang hợp tác với các công ty khác. Vào tháng 12/2023, họ công bố hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị mạng, trong đó có hai công ty lớn nhất là Broadcom và Cisco. Công ty này cũng đang hỗ trợ một sáng kiến nguồn mở cho giao tiếp giữa chip với chip có tên là Ultra Ethernet Consortium như một giải pháp thay thế cho InfiniBand, một đối thủ do Nvidia đứng đầu. Nỗ lực đó được kỳ vọng sẽ gặt hái quả ngọt trong bối cảnh những gã khổng lồ công nghệ vẫn sẽ phải dựa vào các công ty sản xuất chip trong một thời gian nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Lực đẩy ngành bán dẫn Việt Nam

    Lực đẩy ngành bán dẫn Việt Nam

    02:30, 28/01/2024

  • Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?

    Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?

    04:30, 30/01/2024

  • Thêm rào cản mới, doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc chồng chất khó khăn

    Thêm rào cản mới, doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc chồng chất khó khăn

    04:00, 07/11/2023

  • Đài Loan đi

    Đài Loan đi "nước cờ" mới nhằm thống trị ngành bán dẫn

    04:00, 17/10/2023

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ X): Mỹ tiếp tục tung

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ X): Mỹ tiếp tục tung "đòn hiểm"

    03:30, 21/10/2023

TRƯỜNG ĐẶNG