Đài Loan (Trung Quốc) đang nỗ lực củng cố vai trò của mình trong ngành bán dẫn, nhưng bằng cách hướng sản xuất về hòn đảo này, chứ không phải mở rộng ra nước ngoài.
Từ những năm 1970 đến nay, Đài Loan nổi lên là một trong những "ông vua" trong ngành bán dẫn. Các nhà máy chế tạo chip (gọi tắt là fab) của họ đã giúp ngành công nghiệp điện tử toàn cầu hoạt động ổn định, nhưng chính các thiết bị sử dụng chip mới gây chú ý khi cuộc xung đột địa chính trị ngày càng trở nên gay gắt.
Các cường quốc hiện nay coi bộ vi xử lý không chỉ phục vụ cho riêng ngành máy móc mà còn cho cả nền kinh tế của họ. Mỹ đang chi 50 tỷ USD trợ cấp để đưa ngành sản xuất chip về nước. Châu Âu cũng có kế hoạch tương tự, đặc biệt là nhằm giảm sự phụ thuộc vào Đài Loan trong bối cảnh hòn đảo này thường xuyên căng thẳng với Trung Quốc đại lục.
Rapidus, một liên doanh các công ty điện tử Nhật Bản, đã đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip tiên tiến vào năm 2027. Samsung của Hàn Quốc, đối thủ chính của TSMC, đặt mục tiêu sẽ bắt đầu sản xuất những con chip như vậy vào năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc muốn xây dựng một ngành công nghiệp chip độc lập không phải phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ từ Mỹ và đồng minh.
Các chuyên gia cho rằng, trong một thế giới phân hóa về kinh tế ngày càng cao, rủi ro đối với vị thế hàng đầu trong ngành bán dẫn của Đài Loan không hề nhỏ. Chính thế mạnh về ngành này – thường được gọi là “lá chắn silicon” – đã giúp Đài Loan hạn chế được những hành động căng thẳng từ bên ngoài.
Để giải quyết bài toán sản xuất tại hòn đảo này hay đưa ra nước ngoài là bài toán lớn cho giới chức Đài Loan. Đẩy mạnh sản xuất chip ở nơi khác có thể khiến “lá chắn silicon” trở nên mong manh hơn. Bởi vậy, các hãng chip Đài Loan có lý do để tiếp tục sản xuất ở bản địa. Việc mở rộng ra nước ngoài quá nhiều có thể làm suy yếu mạng lưới nghiên cứu trong nước và khiến các công ty nước ngoài dễ dàng săn lùng nhân viên hơn.
Điều này khiến các chuyên gia nghi ngờ về chiến lược mở rộng của TSMC tại Mỹ nhằm lấy được các gói trợ cấp hấp dẫn. Theo đó, nhiều khả năng công ty Đài Loan sẽ không đưa những tiến bộ công nghệ hàng đầu sang các nhà máy ở Mỹ khi chúng hoàn thành vào 2025 và 2026.
Các nhà máy tiên tiến nhất có thể sẽ vẫn ở trong nước. Năm ngoái, TSMC đã chi khoảng 5 tỷ USD cho R&D tại Đài Loan, tăng hơn 30% so với năm 2021. Vào tháng 7 vừa qua, công ty đã mở một trung tâm R&D mới dành cho 7.000 nhân viên bên cạnh trụ sở chính ở Tân Trúc. Động thái này cho thấy chừng nào hoạt động R&D còn được thực hiện tại quê nhà, thì các nhà máy tiên tiến nhất của các nhà sản xuất chip có thể vẫn sẽ ở đó.
Không chỉ ở khâu thiết kế, các mảng khác trong chuỗi cung ứng cũng theo xu hướng tương tự. Trước đây, đóng góp chip không phải là một công việc mấy hấp dẫn, thế nhưng giờ đây các công ty Đài Loan đã đẩy mạnh đầu tư tại hòn đảo này để không để nó rơi vào tay nước ngoài.
ASE Holdings, nhà đóng gói chip lớn nhất thế giới, đã tăng ngân sách R&D hàng năm hơn gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2022, lên 800 triệu USD. Giống như TSMC, phần lớn trong số đó sẽ ở lại Đài Loan.
Đài Loan cũng vẫn có ý định duy trì vị thế thống trị về chip. Từ lâu, họ đã hạ giá trị của đồng đô la Đài Loan nhằm hỗ trợ xuất khẩu (bao gồm cả chip) và trợ giá năng lượng và nước – hai thứ mà các nhà sản xuất chip tiêu tốn rất nhiều. Morris Chang, người đồng sáng lập TSMC, đã tiết lộ rằng ngay cả mạng lưới đường sắt cao tốc của Đài Loan cũng có thể đã được thiết kế với mục đích sản xuất chip, để cho phép công nhân di chuyển giữa các địa điểm sản xuất.
Kế hoạch mới nhất của Đài Loan sẽ hỗ trợ ngành thiết kế chip của Đài Loan - một lĩnh vực đang do các công ty Mỹ như AMD và Nvidia thống trị. MediaTek, nhà thiết kế lớn nhất của Đài Loan, mới xếp thứ năm trên thế giới về doanh số bán bản thiết kế. Tham vọng của họ là nâng tỷ trọng doanh thu thiết kế chip toàn cầu của Đài Loan từ 21% lên 40%.
Tháng trước, Đài Loan đã công bố khoản trợ cấp 25 triệu USD để giúp các công ty bán dẫn vừa và nhỏ thiết kế những con chip kém tiên tiến hơn. Nhiều ưu đãi hơn sẽ được đưa vào kế hoạch 10 năm tiếp theo của Đài Loan dành cho ngành công nghiệp chip, dự kiến vào năm tới.
Rõ ràng, chiến lược duy trì vị thế ngành chip của Đài Loan không đơn giản chỉ là giữ vững ưu thế trong ngành, mà cản trở những dòng vốn chảy ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IX): "Cơn sóng ngầm” trong lòng nước Mỹ
04:00, 11/10/2023
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VIII): Bài học nào từ lịch sử ngành bán dẫn Mỹ?
04:00, 10/10/2023
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VII): Ứng xử với dòng vốn đầu tư mới
04:30, 09/10/2023
"Lỗ hổng" của Mỹ giúp Trung Quốc đột phá công nghệ bán dẫn
04:30, 08/10/2023
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VI): Khơi thông tiềm năng chất bán dẫn ở Việt Nam
03:30, 08/10/2023