Khát vọng doanh nhân Việt: Môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng
Cùng với các giải pháp bồi dưỡng đạo đức đội ngũ doanh nhân, để thúc đẩy lực lượng này phát triển trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần đồng bộ các giải pháp…
>> Triệu phú Pierre Bonnet truyền cảm hứng với “Doanh nhân khởi nghiệp Meta”
Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ... việc phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ doanh nhân là vô cùng quan trọng.
Thực tế, vai trò tiên phong của đội ngũ doanh nhân đã được khẳng định trong Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ chính trị. Đội ngũ doanh nhân “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh...”.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay, sau 37 năm đổi mới và 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tính đến đầu năm 2023, có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, gần 900 nghìn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và gần 14.400 hợp tác xã. Khu vực này cũng đang đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động.
>>Doanh nhân khởi nghiệp và hành trình kiến thiết giấc mơ
Đặc biệt, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu, có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, điển hình như: Viettel, Vinamilk, Habeco, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cộng đồng doanh nhân còn tồn tại một số hạn chế như: Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình so thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3, nhóm 4 của ASEAN... phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, kỹ năng quản trị còn hạn chế, năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít,…
Trong khi, Nghị quyết 41-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Để có thể hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, theo các chuyên gia, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy tối đa vai trò quản lý của Nhà nước.
Góp ý về phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW, PGS. TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công và TS. Dương Thị Thuý Hà - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Cần chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Đặc biệt, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Trong đó, cần rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.
Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, lao động, quyền sử dụng đất, khoa học và công nghệ. Nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng.
Cũng theo các chuyên gia, cần tăng cường quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp.
“Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp”, các chuyên gia đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần có giải pháp bồi dưỡng đạo đức phù hợp
20:41, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc
20:33, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế
20:26, 04/02/2024
Doanh nhân là lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế Nam Định
20:26, 03/02/2024
Đón đọc Doanh Nhân Xuân Giáp Thìn 2024: Khát vọng hóa Rồng!
02:30, 30/01/2024