Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
Dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến, tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng "sập bẫy" của kẻ xấu dù chiêu trò quen thuộc…
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã phải đưa ra cảnh báo về một số hình thức lừa đảo "bùng nổ" trong dịp cuối năm trên địa bàn. Đáng nói những hình thức lừa đảo này tuy không phải mới, được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy.
>>Lừa đảo trực tuyến, diễn biến khó lường
Chiêu trò không mới nhưng thủ đoạn biến tướng
Thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Sau đó, để tạo uy tín thực hiện hành vi lừa đảo, chúng giả danh là cán bộ Công an phường/Công an quận thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công,… và hướng dẫn cập nhật qua mạng vì: công an quận phải hoàn thành công việc ngay trong ngày, cập nhật trực tiếp trên ứng dụng được, cài phần mềm để lấy số thứ tự nhanh không phải chờ đợi,…
Đánh vào tâm lý lo lắng của nạn nhân, các đối tượng sẽ dẫn dắt nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, thực chất những đường link có chứa mã độc, những mã độc này sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Tinh vi hơn, chúng thường nhằm vào những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong tháng 01/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với những thủ đoạn trên. Đặc biệt, tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được từ những thủ đoạn trên lên tới gần 20,6 tỷ; trong đó bị hại bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng; ít nhất là 252 triệu đồng.
Đáng chú ý, các đối tượng không chỉ giả mạo cán bộ Công an để lừa đảo, dịp cuối năm, nhiều người có nhu cầu tìm kiếm các công việc ngắn hạn để tăng thu nhập chuẩn bị cho chi tiêu ngày tết. Lợi dụng tâm lý này, kẻ gian đẩy mạnh các kịch bản lừa đảo, đánh vào ham muốn kiếm tiền nhanh chóng của nạn nhân, hoặc áp dụng trò lừa cọc tiền để mua sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như vé tàu xe, máy bay, đồ gia dụng... với mức giá rẻ.
Cụ thể, kịch bản tuyển dụng việc nhẹ lương cao từng "bùng nổ" trong năm 2023 tiếp tục được đem ra sử dụng lại phổ biến. Kẻ lừa đảo liên lạc với nạn nhân qua số điện thoại, ứng dụng OTT hay mạng xã hội, mời chào những công việc như bình luận sản phẩm, cộng tác viên mua/bán hàng là sản phẩm, dịch vụ, cắt/may nhãn mác, vận chuyển hỏa tốc (ship hàng)... Mức thu nhập chào mời lên tới 200.000 - 500.000 đồng mỗi ngày dễ khiến "con mồi" sập bẫy.
Vẫn theo mô-típ cũ khi kẻ gian nắm được tâm lý, dồn ép và đẩy nạn nhân vào tình trạng muốn kiếm tiền nhưng khi đã "lún sâu" thì muốn gỡ, tìm mọi cách để lấy lại số tiền đã nộp cho chúng, từ đó khiến số tiền mất ngày càng lớn thêm mà không thể đòi lại. Chúng đưa ra hàng trăm lý do, từ hệ thống lỗi, giao dịch sai cú pháp, tài khoản trục trặc... để tạo tâm lý hoang mang cho nạn nhân hòng dễ thao túng.
Ngoài ra, lợi dụng giá vé tàu xe, máy bay dịp tết tăng và khó mua ở thời điểm gần cuối năm, kẻ gian cũng sử dụng hàng loạt fanpage (trang mạng xã hội) giả danh công ty bán vé, đại lý... để tung ra các ưu đãi giá rẻ, chiết khấu cao khi mua cho cả gia đình... Tuy nhiên khi nạn nhân chuyển tiền thanh toán, chúng sẽ chặn liên lạc và tiếp tục tìm kiếm người khác để lừa đảo.
>>Nở rộ bẫy lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”
Tránh “bẫy” cách nào?
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty an ninh mạng NCS cho biết, dịp gần tết người dân thường bận rộn nên cũng dễ mất cảnh giác. Lợi dụng điều này, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo như lừa bán hàng giá sốc, cơ hội trúng thưởng cao, bán tour du lịch giá rẻ, bán vé máy bay giá rẻ…, thực chất là nhắm vào lòng tham của nạn nhân để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chiếm đoạt tiền người dùng.
"Một số hình thức lừa đảo khác đã quen thuộc trong năm qua tiếp tục diễn ra dịp cận tết như giả mạo cơ quan điều tra, giả mạo người thân, qua đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn chuyển tiền vào các tài khoản của kẻ xấu", ông Vũ Ngọc Sơn nói. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, các chiêu thức lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn khiến cho nhiều nạn nhân mắc lừa và mất tiền. Chuyên gia bảo mật nhận định nguyên nhân chính là kịch bản lừa đảo khá tinh vi, thông tin đưa ra dồn dập khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý và bị dẫn dắt.
"Để phòng chống, người dân cần cảnh giác với tất cả các số điện thoại không có trong danh bạ gọi đến. Không vội tin nội dung nhận được mà cần kiểm chứng lại. Đặc biệt không chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ. Nếu mua hàng của người không quen biết thì chọn hình thức kiểm hàng rồi trả tiền để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng", vị chuyên gia khuyến cáo.
Đồng quan điểm, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng thông minh (SCS) cũng cho rằng, giáp Tết Nguyên đán, người dân tăng cường mua bán hàng hóa, dịch vụ hơn. Thời điểm này, mọi người khá bận, nên mức độ cảnh giác sẽ giảm bớt so với bình thường. Lợi dụng tâm lý người dân muốn nhanh chóng hoàn thành các giao dịch, mua bán trước khi nghỉ Tết, các đối tượng xấu cũng sẽ tăng cường các hành vi lừa đảo trực tuyến trong dịp này.
Theo khuyến nghị của vị chuyên gia, người tiêu dùng cần thận trọng hơn với các giao dịch trong khoảng thời gian sát đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Ví dụ, khi mua sắm hàng hóa và dịch vụ, cần lựa chọn những nguồn tin cậy, hạn chế việc chuyển tiền trước nhận hàng sau và tốt nhất nên mua ở các cửa hàng uy tín, chọn sử dụng dịch vụ giao hàng - thu tiền (COD).
“Song song đó, các gia đình nên hướng dẫn, nhắc nhở con em và các thành viên khác cách tham gia môi trường mạng đảm bảo an toàn, trang bị những giải pháp công nghệ nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các mối nguy bị tấn công mạng gây mất mát tài sản và dữ liệu riêng tư”, ông Tuấn Anh nói.
Để người dân tránh được “bẫy” lừa, ông Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) chia sẻ, đối với các thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”, người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, thông tin của các đối tượng đăng tin tuyển dụng, cảnh giác trước các lời mời hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng công việc.
Đặc biệt, người dân không nên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân: email, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, ảnh căn cước công dân cho các sàn thương mại điện tử, đối tượng quen qua mạng xã hội. “Nếu phát hiện các trường hợp lừa đảo, người dân nên thu thập các thông tin liên quan và cung cấp cho cơ quan công an để có giải pháp điều tra xác minh và xử lý theo quy định”, ông Hải nói.
Có thể bạn quan tâm
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán 2024
03:00, 31/01/2024
Cẩn trọng trước “bẫy” lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
03:30, 06/01/2024
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 4: “Bẫy tâm lý” lừa tiền tỉ
03:20, 16/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 3: Chiêu trò “bổn cũ soạn lại”
11:00, 15/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 2: Ăn “bánh vẽ”…thành nạn nhân
03:30, 14/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 1: “Thiếu” hiểu biết... “thừa” lòng tham
03:30, 13/11/2023