3 hành động để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp
Ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh xác định tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra, gắn liền với 3 hành động cụ thể.
>>>Tăng trưởng tín dụng giảm, NHNN tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đức Lệnh - P.GĐ NHNN chi nhánh TP HCM chia sẻ.
- Thưa ông, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024”. Các thông điệp được Lãnh đạo NHNN chia sẻ trong hội nghị có thể kỳ vọng về những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mới từ ngành ngân hàng?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Trước hết, Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024” do NHNN triển khai sau những ngày nghỉ lễ Xuân Giáp Thìn là bước đi để triển khai thực hiện Chỉ thị 01 và các nhóm nhiệm vụ giải pháp tín dụng năm 2024 của ngành Ngân hàng đối với toàn bộ hệ thống: từ cơ quan quản lý, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cả nước.
Hoạt động này đã thể hiện hành động cụ thể và ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ tín dụng năm - một nhiệm vụ quan trọng của NHNN để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Ở góc độ địa phương, ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai các nhiệm vụ được giao như thế nào trong năm 2024?
Ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh xác định tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này gắn liền với 3 hành động cụ thể sau:
Đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Nhóm giải pháp và chương trình hành động được thực hiện thông qua hoạt động tín dụng, hoạt động kinh doanh của các TCTD, trong điều kiện thuận lợi về thị trường tiền tệ và cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHNN. Trong đó, chính sách lãi suất thấp, không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn giảm chi phí tài chính, giảm giá thành mà còn khuyến khích doanh nghiệp hợp tác xã và hộ kinh doanh mở rộng, phát triển sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, quy mô tín dụng tăng với việc tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm lên 15%, đặc biệt là sự đổi mới trong điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN theo hướng linh hoạt và phù hợp hơn sẽ tạo thuận lợi cho các TCTD chủ động trong thực hiện kế hoạch và tăng trưởng tín dụng, cũng như góp phần quan trọng vào thực hiện nhóm giải pháp này.
>>>Tự hào Việt Nam là động lực thu hút kiều hối
Tập trung thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm triển khai thực hiện cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHNN trên địa bàn Thành phố, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ thị trường bất động sản và các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế (gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thuê; gói tín dụng lâm sản, thủy sản và cho vay xuất khẩu..); cho vay tiêu dùng và thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong quá trình này, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay bền vững, hạn chế bớt tính thị trường của lãi suất nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định hơn; Cải cách hành chính gắn với việc tiếp tục đổi mới quy trình giao dịch, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thời gian giao dịch cho khách hàng, cùng với tư vấn và thông tin tuyên truyền tốt để hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Làm tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Trong đó, tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với các chương trình hành động cụ thể bằng các gói tín dụng ưu đãi, các sản phẩm tín dụng phù hợp và hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, gắn với hoạt động đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, truyền thông chính sách. Đặc biệt là phối hợp với sở, ngành, quận, huyện và hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời, nhằm cải thiện và mở rộng quan hệ ngân hàng – khách hàng, cũng như làm tốt công tác triển khai chính sách; công tác nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.
- Vậy đâu là “chìa khóa” quan trọng để các hành động trên phát huy hiệu quả, thưa Ông?
Để những chương trình, hành động nêu trên phát huy hiệu quả, rất cần sự quyết tâm trong hoạt động của mỗi TCTD để khai thác và sử dụng tốt nguồn lực từ cơ chế chính sách của NHNN về tiền tệ, tín dụng và lãi suất với tinh thần trách nhiệm cao.
Trân trọng cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm
Trong quý I, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp quản lý thị trường vàng
05:05, 17/02/2024
Triển vọng tín dụng ngành ngân hàng năm 2024
04:40, 12/02/2024
Phân hóa chiến lược giảm lãi suất của các ngân hàng
13:00, 11/02/2024
Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh
04:50, 11/02/2024
Xuân về với cổ phiếu ngân hàng nhóm Big 3
04:43, 10/02/2024