Quảng Ninh tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 20/04/2024 15:11

Nỗ lực tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, bằng nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh Quảng Ninh chú trọng tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

>>> KCN Sông Khoai (Quảng Ninh): Lắng nghe, chia sẻ cùng nhà đầu tư

Với việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ các “điểm nghẽn” về đất đai, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giao đất, triển khai các dự án trên địa bàn. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư.

Hạ tầng KCN Sông Khoai của Tập đoàn Amata hiện là KCN có sức hút đầu tư tốt nhất tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên

Hạ tầng KCN Sông Khoai của Tập đoàn Amata hiện là KCN có sức hút đầu tư tốt nhất tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Ảnh: Vũ Phường)

Cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư

Công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm nhiều năm qua. Bởi, chỉ có cải cách hành chính mới đem lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giảm bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Cải cách hành chính sẽ giúp tỉnh nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh – Trần Như Long, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có khối lượng công việc rất lớn, TTHC nhiều, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, công chức, các TTHC thuộc phạm vi giải quyết của Sở đã được cắt giảm đáng kể, thời gian thực hiện nhanh, chính xác, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đơn cử, ông Long cho biết, thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất trung bình đã được cắt giảm từ 20 - 50% so với quy định. Đặc biệt, có những thủ tục được cắt giảm đến 70% như thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – Trần Như Long cho rằng, chỉ có cải cách hành chính mới đem lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – Trần Như Long cho rằng, chỉ có cải cách hành chính mới đem lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư (Ảnh: Vũ Phường)

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh cho thuê đất đối với 28 tổ chức với diện tích là 432,97 ha; giao đất cho 45 tổ chức với diện tích là 116,71 ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 41 tổ chức với diện tích là 1.306,11 ha. Năm 2023, tỉnh cũng đã giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 97 hồ sơ cấp giấy của các tổ chức với 2.130 giấy chứng nhận.

Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền (huyện Vân Đồn) là chủ đầu tư dự án bến cảng Ao Tiên Vân Đồn - cảng khách chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch. Ông Tạ Đức Quyết - Giám đốc công ty, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Vân Đồn cho biết, trong suốt quá trình đầu tư, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành, địa phương từ khi có chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành dự án. Hiện nay, các cơ chế, chính sách và TTHC đều được công khai, minh bạch trên môi trường điện tử nên các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ điều này. Hơn nữa, mọi quy trình, thủ tục thực hiện dự án đều được thực hiện đúng, đầy đủ theo quy trình và quy định pháp luật, không có tình trạng phiền hà, gây khó từ các cán bộ, công chức tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Quyết, bến cảng Ao Tiên Vân Đồn được xây dựng với quy mô gần 30ha với tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Đây là tổ hợp cảng tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh sở hữu 5 cầu cảng, có thể phục vụ tới 3 triệu lượt khách/năm. Đến nay, cảng đã đưa vào khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh về du lịch của vùng đất Vân Đồn vốn còn nhiều khó khăn trước đây.

Dự án bến cảng Ao Tiên Vân Đồn do công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư

Dự án bến cảng Ao Tiên Vân Đồn do công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư (Ảnh: Vũ Phường)

Quyết liệt, sáng tạo trong giải phóng mặt bằng

Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt. Với sự vào cuộc quyết liệt, cách làm sáng tạo, đột phá, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thị xã Quảng Yên hiện đang tập trung nhiều dự án đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị. Do đó, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ GPMB trên địa bàn thị xã Quảng Yên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB. Trong đó, các khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong là những dự án trọng điểm, thúc đẩy thu hút đầu tư với số vốn FDI đạt 3,0 tỷ USD, vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 55.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam trong KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh

Dự án đầu tư của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam trong KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Khoai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018 với tổng vốn đầu tư 155,5 triệu USD. Diện tích sử dụng đất là 714 ha do Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện đầu tư chia làm 5 giai đoạn. Riêng giai đoạn II Dự án KCN Sông Khoai có tổng diện tích thu hồi trên 120 ha, liên quan đến 870 hộ dân. Toàn bộ KCN Sông Khoai nằm trong ranh giới Khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

>>> Amata Hạ Long hút vốn đầu tư FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh

>>> Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ưu tiên nguồn lực lớn để thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Quảng Yên. Trong đó, xác định KCN Sông Khoai là KCN trọng điểm, tạo nền tảng cơ bản và những bứt phá cho địa phương.

Do khối lượng công việc lớn, trong quá trình triển khai đầu tư, doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngành tài nguyên môi trường và chính quyền thị xã Quảng Yên thông qua các buổi đối thoại trực tiếp, đến nay các hộ dân đã hoàn toàn đồng thuận để giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện các giai đoạn tiếp theo.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long – Nguyễn Văn Nhân cho biết, trong suốt quá trình đầu tư, triển khai dự án, doanh nghiệp nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long – Nguyễn Văn Nhân cho biết, trong suốt quá trình đầu tư, triển khai dự án, doanh nghiệp nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Vũ Phường)

Ông Nhân cho biết, năm 2023, KCN Sông Khoai giai đoạn I là một trong những “điểm sáng” của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút vốn FDI. Đến nay, KCN Sông Khoai đã thu hút được 18 dự án đầu tư thứ cấp (100% là dự án FDI đến từ 06 quốc gia) với tổng diện tích sử dụng đất là 129,5 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.547 triệu USD, suất vốn đầu tư bình quân đạt 19,67 triệu USD/ha đất công nghiệp; tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động.. Qua đó, góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh vượt mốc thu hút hơn 3,1 tỷ USD vốn FDI trong năm, cao nhất từ trước đến nay.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – Trần Như Long cho rằng, công tác thu hồi đất, GPMB có tính chất rất phức tạp, không đơn giản chỉ là áp dụng pháp luật thuần túy. Do đó, để khắc phục khó khăn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, cần phải triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. GPMB phải thực hiện theo nguyên tắc “Đúng ngay từ đầu”; trong xử lý phải cương quyết, nhất quán, dám chịu trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề có khó khăn, vướng mắc vì lợi ích chung; quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch và phải luôn đề cao trách nhiệm giải trình. Nếu có nội dung chưa được thực hiện đúng thì cần phải điều chỉnh, sửa đổi ngay, không được để sự việc diễn biến phức tạp. Khi quyền, lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất đã được nhà nước quan tâm tốt nhất, bảo đảm đúng chính sách, chế độ quy định thì phải có biện pháp cương quyết, nhất quán để xử lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất mở rộng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nước ngoài cần xem xét

    Đề xuất mở rộng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nước ngoài cần xem xét

    05:00, 02/11/2023

  • Hưng Yên: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai

    Hưng Yên: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai

    11:34, 10/06/2023

  • Sửa Luật Đất đai: Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai

    Sửa Luật Đất đai: Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai

    14:59, 09/06/2023

  • Thái Nguyên: “Thăng hạng” chỉ số tiếp cận đất đai

    Thái Nguyên: “Thăng hạng” chỉ số tiếp cận đất đai

    10:05, 15/10/2023

  • Bên Tre: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

    Bên Tre: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

    17:17, 16/12/2023

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG