Doanh nghiệp “gặp khó” trong vấn đề đất đai
Hàng loạt tồn đọng, bất cập liên quan đến vấn đề đất đai chưa được tháo gỡ đã phần nào kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
>>Nghệ An “trảm” loạt dự án “treo” dai dẳng suốt nhiều năm trời
Bổ sung thêm diện tích đất để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; giảm giá tiền thuê đất và đặc biệt tăng cường hơn nữa trong việc cải cách hành chính để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai… là những mong muốn của doanh nghiệp gửi gắm tới các cơ quan ban, ngành và chính quyền địa phương.
Vướng giải phóng mặt bằng…
Đại diện các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho rằng, hiện nay có rất nhiều vấn đề liên quan đến quy định, chính sách quản lý đất đai còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế; trong khi đó thì việc thực thi các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc không hiệu quả, để tồn đọng kéo dài nhiều năm… đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đơn cử như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp chủ trương đầu tư dự án vẫn còn có sự chậm trễ nhất định. Điều này thể hiện phòng ban chức năng xây dựng quy định hoặc tham mưu, đề xuất ban hành quy định còn thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến tính xa rời thực tiễn của quy định ban hành.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, bà Trần Thị Hường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mercedes-Benz Vinamotor Nghệ An cho biết: Hiện nay, Luật Đất đai đang quy định giá đất, quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là do người dân và doanh nghiệp tự thoả thuận với nhau. Tuy đất nhận chuyển nhượng là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm, đã có quy hoạch chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ nhưng khi doanh nghiệp thoả thuận để mua quyền sử dụng đất thì người dân luôn yêu cầu giá cao, chỉ thấp hơn không đáng kể hoặc tương đương giá đất ở sử dụng lâu dài.
“Chưa kể, sự bất đồng ý kiến của việc đồng ý chuyển nhượng hoặc không chuyển nhượng của những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, dẫn đến doanh nghiệp phải mất rất nhiều chi phí, thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng. Do đó ảnh hưởng đến tổng thể về tiến độ, tổng mức đầu tư vượt quá khả năng thực hiện, thậm chí rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trong việc quyết định tiếp tục đầu tư dự án hay dừng lại” – bà Hường nói.
>>Nghệ An: Áp lực từ các khoản thuế, doanh nghiệp “kêu cứu”?
Cần điều chỉnh giá thuê đất
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai thì tình trạng giá thuê đất quá cao, quy mô sản xuất, kinh doanh bị bó hẹp đang là trở ngại lớn, làm giảm sức cạnh tranh, kìm hãm sự phát triển của đại đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương này.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của DĐDN đã thấy rõ hiện thực trên khi đại đa số các công ty đều “kêu khổ” về mức giá thuê đất quá cao, khiến cho họ rơi vào cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn” khi phải thắt chặt mọi khoản chi khác để nhằm bù đắp phần nào chi phí phải nộp cho ngân sách Nhà nước.
Đơn cử như ý kiến của bà Hoàng Thị Hồng Nhung – Kế toán Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Đại Phát khi thắc mắc rằng: “Tiền thuế đất khi đất tăng thì thuế tăng nhưng hiện tại đất giảm nhưng tiền thuê đất lại không giảm. Do vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan thuế địa phương phải đưa ra phương án giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Ngoài vấn đề thuế, doanh nghiệp Nghệ An còn mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ được phép mở rộng quy mô diện tích đất để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Ông Cao Văn Ninh – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nước đá Ninh Hảo chia sẻ: Công ty được thành lập vào năm 2011 với diện tích đất thuê hiện nay chỉ được 200m2 để làm nhà xưởng, văn phòng và chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng của đối tác, khách hàng, công suất sản xuất không đủ để cung ứng ra thị trường, điều này bắt buộc doanh nghiệp phải mở rộng quy mô sản xuất.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi mong muốn được UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP Vinh chấp thuận cho công ty chúng tôi được thuê đất lâu dài với diện tích khoảng 3.000m2 để có thể đầu tư nhập khẩu dây chuyền máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương; góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách Nhà nước” – ông Ninh kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Vì sao tiểu dự án trăm tỷ đồng ở phố biển Cửa Lò thi công ì ạch?
06:06, 20/04/2024
Nghệ An: Xử lý bất cập sau phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp
00:30, 31/03/2024
Nghệ An: Những rào cản về thuế khiến nhà đầu tư “mắc cạn”
11:00, 17/03/2024
Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 4: Địa phương xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường
10:56, 29/02/2024
Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 3: Trăm dâu đang đổ…nhà đầu tư?
03:20, 28/02/2024