Do không đồng tình với phương án tính toán mà ngành thuế Nghệ An đưa ra, nhiều nhà đầu tư đã và đang phải đối diện với nguy cơ bị thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế…
>>Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất 0% và nỗi lo của doanh nghiệp
Liên tiếp trong những năm qua, các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang phải chịu cùng một nội dung, chung một tình trạng, đó là bị các cơ quan thuế ở địa phương này “áp” phương án tính toán khoản tiền phải nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn đối với toàn bộ diện tích đất của dự án.
“Áp thuế”… bất hợp lý?
Tuy nhiên, trên thực tế thì hiện nay nhiều dự án chỉ còn một hoặc một vài hạng mục công trình chưa hoàn thành, các phần diện tích đất đã hoàn thành xây dựng công trình đã được đưa vào sử dụng theo đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, đối với phần diện tích đất của dự án đã hoàn thành việc chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở theo quy định pháp luật thì chủ thể “sử dụng đất” hiện tại chính là hộ gia đình, cá nhân chứ không phải là chủ đầu tư.
Do vậy, xét ở góc độ pháp lý, nhà đầu tư cho rằng phương án tính toán mà ngành thuế tỉnh Nghệ An đưa ra là chưa có đầy đủ cơ sở, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu được biết, đại diện các doanh nghiệp cũng đã nhiều lần gửi đơn phản ánh đến UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan, bày tỏ quan điểm không đồng ý với cách xác định diện tích để tính tiền chậm nộp mà ngành thuế địa phương đưa ra. Đồng thời, đề nghị chỉ tính tiền chậm tiến độ đối với phần diện tích đất của dự án chưa xây dựng các công trình theo quy hoạch chi tiết; chứ không tính đối với diện tích đất đã hoàn thành công trình theo đúng quy hoạch và diện tích đất đã hoàn thành việc chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một đơn vị chủ đầu tư cho hay: “Đối với phần diện tích đất mà tỉnh cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở, khi mà chủ đầu tư đã chuyển nhượng và hoàn thành thủ tục sang bìa cũng như các nghĩa vụ tài chính liên quan với Nhà nước rồi thì người dân là chủ thể sử dụng đất. Việc xây dựng nhà ở là quyền của người dân. Trong khi đó, ngành thuế lại xử phạt bên chủ đầu tư về việc chậm tiến độ như vậy là chưa hợp tình, hợp lý. Bởi lẽ nếu như 10 năm, 20 năm hay 50 năm sau… người dân vẫn chưa xây dựng nhà ở thì chúng tôi vẫn phải nộp phạt như thế?!”.
Về nội dung này, ông Hồ Văn Bài – Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Danatol tại Nghệ An cũng thông tin: “Doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi các cấp cũng như làm việc trực tiếp với UBND tỉnh, Cục Thuế Nghệ An cùng các sở, ban, ngành khác về việc xác định diện tích đất chậm đưa vào sử dụng và chủ thể phải nộp khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian dự án được gia hạn sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
>>Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 5: Góc nhìn của luật sư
Nhà đầu tư sắp hết kiên nhẫn
Liên quan đến vấn đề trên, dựa theo Công văn số 1269/UBND-CN ngày 22/2/2024 của UBND tỉnh Nghệ An gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xin ý kiến về xác định dự án chậm tiến độ và giải quyết vướng mắc trong việc xử lý đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm về chậm tiến độ cũng cho thấy, hiện chính quyền tỉnh này cũng đang tỏ ra rất lúng túng trong việc giải đáp các khúc mắc của doanh nghiệp!.
“…Do hiện nay chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc phân định trách nhiệm của các chủ thể (Chủ đầu tư dự án, hộ gia đình cá nhân sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đang sử dụng đất của dự án trong trường hợp dược Nhà nước gia hạn tiến độ sử dụng đất hoặc bị thu hồi đất do vi phạm tiến độ nhưng không được gia hạn tiếp, nên UBND tỉnh Nghệ An chưa có căn cứ để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp” – Công văn số 1269 nêu rõ.
Điều đáng nói ở đây, trong khi UBND tỉnh và các sở có liên quan còn chưa “tỏ tường” thì cơ quan thuế địa phương lại có những động thái được cho là dồn nhà đầu tư vào “bước đường cùng” khi ban hành các văn bản thông báo với nội dung sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Cũng theo PV tìm hiểu được biết, thực trạng tréo nghoe nêu trên không chỉ xảy ra mới đây, mà trong suốt nhiều năm qua, năm nào chủ đầu tư cũng phải “giơ lưng” ra gánh chịu những khoản tiền được cho là “trời ơi, đất hỡi” từ các đợt thông báo nộp tiền của các cơ quan ngành thuế tại tỉnh Nghệ An đưa ra nếu như không muốn bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.
“Bị phong tỏa tài khoản; buộc phải ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên hay nặng nhất là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh... là những gì mà doanh nghiệp phải đối mặt. Những hệ lụy nảy sinh đằng sau đó khó có thể đong đếm được một cách cụ thể khi không những bị thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của mình đối với các đối tác, khách hàng trên thị trường.” – một chủ đầu tư dự án cho hay.
Vị đại diện doanh nghiệp này cũng bày tỏ quan điểm: “Đây không phải là câu chuyện của 1 năm hay 2 năm mà về lâu dài, nếu cứ tiếp diễn tình trạng trên thì doanh nghiệp sẽ không “sống nổi” và sẽ không có nhà đầu tư bất động sản nào còn mặn mà đến xem Nghệ An là điểm dừng chân lý tưởng để tham gia đầu tư nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất 0% và nỗi lo của doanh nghiệp
03:00, 22/03/2024
Nguy cơ mất “sân nhà” khi thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về mức 0%
12:31, 20/03/2024
Thuế xuất khẩu phân bón "chặn đường" doanh nghiệp
13:41, 19/03/2024
Cân nhắc lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu, đồ uống
03:00, 19/03/2024
Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
11:25, 17/03/2024
Nâng ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng với hộ kinh doanh - Cần sát thực tế
04:00, 12/03/2024