Thuế nhập khẩu phân bón từ các nước ASEAN là 0%, nhưng một số loại phân xuất khẩu vẫn bị áp thuế 5% khiến phân bón Việt khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
>>Triển vọng ngành phân bón: Kỳ vọng giá phân bón phục hồi trong năm 2024
Nghị định 26 điều chỉnh chưa đúng nguyên tắc
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 (Nghị định 26) của Chính phủ điều chỉnh chính sách áp dụng thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón theo một trong các nguyên tắc: “Khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng phân bón mà trong nước đã sản xuất đủ hoặc thừa”. Nhưng sau khi áp dụng quy định mức thuế xuất khẩu mới của Bộ Tài chính thì kết quả xuất khẩu phân bón ngày càng giảm sút. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản (Apromaco).
Căn cứ số liệu từ Tổng cục Thuế và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu của supe lân bón trực tiếp mỗi năm vào khoảng 500.000 tấn, trong khi đó, năng lực sản xuất vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn/năm, vậy supe lân thuộc mặt hàng phân bón dư thừa nguồn cung.
Doanh nghiệp sản xuất trong nước đang tìm cách tiêu thụ supe lân thông qua việc sản xuất ra mặt hàng NPK hàm lượng thấp phục vụ bón lót cây trồng. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ theo thống kê cũng chỉ vào khoảng 500.000 - 600.000 tấn. Với năng lực sản xuất hiện tại, supe lân vẫn còn dư thừa. Nhưng theo Nghị định 26 áp dụng thuế xuất khẩu 5% đối với sản phẩm supe lân là không đúng với nguyên tắc đặt ra của nghị định.
Ngoài ra, Supe lân khi tính giá trị khoáng sản và năng lượng trên tỷ trọng giá thành ở mức dưới 51%, chính vì vậy trước khi Nghị định 26 được áp dụng, thuế xuất khẩu của supe lân luôn là 0%.
Năm 2023, Apromaco có sản lượng sản xuất supe lân đạt gần 200.000 tấn, trong đó, sản lượng xuất khẩu khoảng 120.000 tấn. Tuy nhiên, từ khi Nghị định áp dụng thuế xuất khẩu 5%, gần như quý IV doanh nghiệp bị đình trệ không xuất được các đơn hàng, vì vướng thuế khiến giá mặt hàng tăng cao.
Trong khi Trung Quốc đang đưa ra mức giá FOB 130 USD ở thời điểm quý IV, giá thành sản xuất supe lân của Việt Nam ở mức 150 USD cộng với 5% thuế đã khiến sản phẩm của nước ta bị suy giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thời gian tới, ông Dũng nhận định, supe lân sẽ có xu hướng giảm, bởi người sử dụng chuyển sang một số mặt hàng thay thế như NPK, DAP. Hơn nữa, nông dân cũng đang chuyển đổi sang các cây ăn quả, giống lúa mới có yêu cầu về các loại phân bón khác. Nếu tiếp tục sản xuất nhưng không tìm được đầu ra, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa nhà máy đi tới nguy cơ phá sản. Việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp là rất cần thiết, những người làm chính sách cần dũng cảm, điều chỉnh theo tình hình thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng tránh được những khó khăn đó.
Tương tự như Supe lân, sản lượng sản xuất Urê trong nước cũng dư thừa nhiều nhưng đang chịu mức thuế xuất khẩu 5% khiến doanh nghiệp sản xuất Urê thiệt hại lớn. Theo ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, hiện tại sản lượng urê trong nước đã dư thừa so với nhu cầu.
Hiện công suất của các nhà máy hiện nay khoảng hơn 2,6 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu thực tế khoảng 2,3 triệu tấn/năm, dư thừa 0,36 triệu tấn/năm. Vào các thời điểm giá thế giới tăng đột biến giá bán urê trong nước vẫn thấp hơn từ 500 - 1.000đ/kg. Điều này chứng tỏ vai trò của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc đáp ứng đủ nhu cầu và bình ổn giá trên thị trường trong nước.
"Chúng tôi xin kiến nghị tới Bộ Tài chính xem xét việc điều chỉnh thuế suất theo đúng nguyên tắc áp dụng thuế xuất khẩu 0% với mặt hàng trong nước đã sản xuất dư thừa, trong đó có sản phẩm urê", ông Ninh kiến nghị.
>>Cân nhắc việc áp thuế VAT 5% với phân bón và vật tư nông nghiệp
Tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phân bón về 0%
Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, nguồn cung ure trong nước đã dư thừa: Hiện nhu cầu về ure của nước ta mỗi năm chỉ khoảng 1,6 đến 1,8 triệu tấn. Trong khi năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước gồm Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đã xấp xỉ khoảng 3 triệu tấn.
Trong khi đó, việc xuất khẩu ure từ Việt Nam đã bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn hàng ure từ một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Brunei... nơi các nhà sản xuất không phải chịu thuế xuất khẩu 5% như Việt Nam. Đơn cử, đầu năm 2022, Brunei đã đưa nhà máy sản xuất ure công suất 1,136 triệu tấn/năm đi vào hoạt động. Tính riêng từ tháng 01/2022 đến tháng 3/2023, Brunei đã xuất khẩu 556.000 tấn ure tương đương 322 triệu USD.
Không chỉ đối với ure, với phân bón supe lân cũng tương tự. Hiện tổng công suất sản xuất phân bón supe lân của các nhà máy tại Việt Nam cụ thể như: Supe lân Lâm Thao thuộc Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Supe lân Apromaco Lào Cai thuộc Công ty Vật tư nông sản; Supe lân Long Thành thuộc Công ty Phân bón miền Nam; Supe lân Đức Giang thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang) đạt khoảng 1,5 -1,6 triệu tấn/năm. Sản lượng phân lân nung chảy của 3 Nhà máy (Văn Điển, Ninh Bình, Lào Cai) khoảng hơn 600.000 tấn/năm. Tổng sản lượng hai loại lân, supe lân và lân nung chảy đạt hơn 2.000.000 tấn/năm.
Cũng theo thống kê, supe lân sử dụng trực tiếp ở mức 500.000 tấn/năm, lượng supe lân sử dụng cho sản xuất NPK vào khoảng 600.000 tấn/năm. Nhu cầu về lân đơn tại nước ta có xu hướng giảm rõ rệt do người dân đã và đang chuyển dần sang sử dụng các loại phân phức hợp hai thành phần như DAP, MAP hay đa thành phần như NPK.
Như vậy, năng lực sản xuất phân bón supe lân đang dư thừa tới hàng triệu tấn/năm, cần phải có đầu ra xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất supe lân để duy trì sản xuất, nếu không phải thu hẹp sản xuất vì cầu trong nước đang xuống mức khá thấp.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng supe lân xuất khẩu của Việt Nam rất nhỏ (năm 2022 chưa tới 100.000 tấn/năm). Cũng theo Ông Phùng Hà cho biết, giống như ure, năng lực sản xuất so với nhu cầu phân bón supe lân trong nước cũng đã dư thừa. Chính vì thế, việc xuất khẩu phân bón supe lân cần được khuyến khích để tăng giá trị sản phẩm quốc dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu được ngoại tệ cho quốc gia, đóng thuế cho địa phương.
Từ thực tế này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị xem xét điều chỉnh mức thuế suất xuất khẩu phân bón supe lân về mức 0%.
Cũng tại công văn gửi Bộ Tài chính, bên cạnh ure, supe lân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng kiến nghị mức thuế xuất khẩu về 0% đối với phân bón kali sulphate (SOP).
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện cả nước chỉ có Công ty SOP Phú Mỹ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất kali sulphate với công suất 40.000 tấn/năm. Công ty này cung ứng khoảng 60% cho thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu vì bà con nông dân chưa quen sử dụng SOP mà thường sử dụng KCl, tên thương mại là MOP.
Trong khi đó, lượng xuất khẩu của Công ty SOP khoảng hơn 10.000 tấn/năm, giá trị thuế rất nhỏ so với các ngành hàng khác nhưng lại có đóng vai trò quan trọng với một công ty duy nhất sản xuất SOP tại Việt Nam.
Việc áp dụng thuế xuất khẩu 0% đối với mặt hàng phân bón SOP nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất loại phân bón hoàn toàn mới, trong khi người nông dân Việt Nam chưa có thói quen sử dụng – TS. Phùng Hà phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Luật Thuế GTGT: Chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT
15:13, 16/01/2024
Phân bón Cà Mau chính thức bước vào thị trường Úc và New Zealand
19:22, 06/02/2024
Triển vọng ngành phân bón: Kỳ vọng giá phân bón phục hồi trong năm 2024
04:30, 08/01/2024
Phân bón Bình Điền: Nền tảng cốt lõi tạo thành công
08:00, 20/12/2023
Cân nhắc việc áp thuế VAT 5% với phân bón và vật tư nông nghiệp
04:00, 13/12/2023
Doanh nghiệp xuất khẩu phân bón tìm thị trường mới
03:00, 25/06/2023
Phân Bón Cà Mau không ngừng tìm kiếm nhân lực công nghệ chất lượng cao
21:56, 30/03/2023