Bản lĩnh và khát vọng của nữ doanh nhân Quảng Ninh
Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều chị em đã và đang đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
>>> PCI 2023: Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp giữ “quán quân”
“Ngôi nhà chung” của nữ doanh nhân
Hội nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh chính thức được thành lập tháng 10/2023 trên cơ sở tổ chức tiền thân là Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh. Với trên 200 hội viên tham gia sinh hoạt tại 7 câu lạc bộ nữ doanh nhân cấp huyện, 3 câu lạc bộ nữ doanh nhân cấp phường, trong đó 72 người trực tiếp tham gia sinh hoạt tại Hội nữ doanh nhân tỉnh.
Ban Thường vụ Hội gồm 20 người, trong đó có 01 Chủ tịch, 10 Phó Chủ tịch và 01 Tổng thư ký. Để từng bước kiện toàn bộ máy, Hội đã tiến hành thành lập 7 Ban chuyên đề để hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực.
Doanh nhân Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Mạnh Cường cho biết, kể từ thời điểm còn là Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh, các thành viên đã luôn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng cường các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, để gắn kết hội viên, Ban Chấp hành Hội đã duy trì sinh hoạt định kỳ hàng quý, và tổ chức các hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là tư vấn về chính sách thuế, vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho Hội viên được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh thương mại, các hội viên đã nâng cao được kỹ năng xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết, tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh do nữ Hội viên tham gia quản lý đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập bình quân cao so với mặt bằng chung.
Chính quyền đồng hành – Doanh nghiệp trách nhiệm
Theo Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Quảng Ninh, đại dịch Covid-19 là một cuộc “thanh lọc” khắc nghiệt đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nhân – doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng. Có thể nói, doanh nghiệp đã phải trải qua giai đoạn khó khăn “chưa từng có” trong lịch sử. Đặc biệt với doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ thì khó khăn càng nhân lên gấp đôi, khi các doanh nhân phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà” để chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua sóng gió thương trường.
Khi đó, các chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với tỉnh Quảng Ninh, cộng đồng doanh nhân nữ đánh giá tỉnh xứng đáng là địa phương đi đầu trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, từng bước tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Qua đó, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kinh tế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40-50% thời gian giải quyết so với quy định; đẩy mạnh giải quyết TTHC trực tuyến; cắt giảm thời gian làm thủ tục với các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất.
Cùng với đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của Quảng Ninh luôn được tăng cường. Đến nay, tỉnh đã ghi dấu ấn đậm nét với việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút vốn đầu tư FDI mạnh mẽ khi 7 năm liền giữ vững vị trí quán quân PCI, dẫn đầu toàn quốc về các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI trong nhiều năm.
>>> Quảng Ninh: Cải thiện môi trường kinh doanh – Góc nhìn doanh nghiệp
“Tôi đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trong lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, khi có phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp, các ngành đều được phản hồi và có giải pháp tháo gỡ nhanh nhất...”, bà Nguyễn Thị Bình nói và cho biết, những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp, nữ doanh nhân trong tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt, những chính sách linh hoạt cùng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng, tiếp cận tín dụng, thuế, phí, xuất nhập khẩu... đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, tỉnh cũng nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các nhóm doanh nghiệp đặc thù, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ.
“Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ quản lý cũng cam kết sẽ luôn có trách nhiệm, không ngừng nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các chủ trương, định hướng về phát triển KT-XH của tỉnh để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh phát triển của cả nước”, bà Bình nhấn mạnh.
Cần chính sách phát triển du lịch trải nghiệm
Công ty CP Ngọc trai Hạ Long là một trong số ít doanh nghiệp của cả nước ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong sản xuất và phát triển thương hiệu ngọc trai xuất khẩu gắn liền với du lịch trải nghiệm. Nữ doanh nhân Nguyễn Thùy Hương - Giám đốc công ty cho biết, mô hình khép kín từ nuôi trồng, cấy ghép, chế tác và kinh doanh sản phẩm ngọc trai hiện vẫn đang là mô hình duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được công ty áp dụng.
Hiện nay, sản phẩm ngọc trai của doanh nghiệp đã được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia và là sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo của tỉnh Quảng Ninh tạo được ấn tượng, yêu thích đối với du khách trong và ngoài nước.
Đánh giá về môi trường kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh, bà Hương cho biết, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa từ chính quyền các cấp, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích, phát triển du lịch của tỉnh đã tạo nền tảng, động lực để doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, cho ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo gắn với sản phẩm OCOP.
Với định hướng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tiến tới phục vụ khách hàng chất lượng cao, bà Hương mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng nuôi nguyên liệu hải sản, trong đó có nuôi trai lấy ngọc và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận những vùng nuôi nguyên liệu mới để an tâm đầu tư phát triển, sản xuất.
Bà Hương chia sẻ thêm: Quảng Ninh là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là một lợi thế rất lớn cho tỉnh. Tuy nhiên, việc vùng nuôi nguyên liệu bị hạn chế như hiện nay là nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa được nâng cao. Do đó, việc nhà nước giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu và ngày càng thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, đảm bảo quản lý hiệu quả, thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững.
Để da dạng hóa loại hình du lịch, bà Hương cho rằng, tỉnh Quảng Ninh cần bắt nhịp xu hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, du lịch nông thôn, đáp ứng thị hiếu của du khách quốc tế. Tỉnh cần chú trọng đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình phát triển kinh tế từ nâu sang xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, phát triển ngành nghề. Qua đó, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp, đóng góp vào ngành công nghiệp không khói, nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống nhân dân và “sức khỏe” doanh nghiệp.
>>> Doanh nghiệp TP Móng Cái (Quảng Ninh): Bản lĩnh vượt sóng gió
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại
Là doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Anh, HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng cho biết, công ty Hoàng Anh được thành lập từ năm 2009, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây dựng, truyền thông và phát triển thương hiệu; tư vấn các sản phẩm OCOP.
Tiếp nối những thành công đó, năm 2022, doanh nhân Lê Thị Thêm tiếp tục thành lập HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng dựa trên ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có trong tỉnh, bằng việc liên kết bền vững với bà con nông dân và một số hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất uy tín khác trên địa bàn thị xã Đông Triều, huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên để sản xuất nguyên liệu, đảm bảo có nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao, tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị.
Các sản phẩm của HTX Huy Hoàng được trao các chứng nhận OCOP tỉnh Quảng Ninh, như Rượu trà hoa vàng và Rượu dâu tằm (Đạt chứng nhận 4 sao). Sản phẩm Rượu trà hoa vàng đã được Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Bà Thêm chia sẻ, việc thành lập Hội nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh đã tạo môi trường hỗ trợ và thúc đẩy phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát huy vai trò thế mạnh của chị em doanh nhân tại các địa phương. Cùng với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội nữ doanh nhân được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội phát triển cả về chất và lượng đối với đội ngũ nữ doanh nhân của tỉnh, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khẳng định vai trò, vị thế xứng đáng của phụ nữ nói chung và đội ngũ nữ doanh nhân nói riêng.
Đánh giá về môi trường kinh doanh tỉnh Quảng Ninh, bà Thêm cho biết, những chính sách, cơ chế hỗ trợ từ Chương trình OCOP đã tạo động lực để HTX tiếp tục có những bước phát triển đáng kể trong sản xuất, kinh doanh, là đơn vị đi đầu trong việc đưa sản phẩm OCOP được sản xuất theo quy trình chuyên nghiệp với số lượng lớn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, doanh nghiệp mong muốn thời gian tới tỉnh tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng chục nghìn công nhân lao động, hàng năm tỉnh nên tiếp tục có những sự kiện, hội nghị quan trọng về xúc tiến đầu tư, thương mại hơn nữa vì đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, HTX tiếp cận đối tượng khách hàng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp.
Với mục tiêu, hoài bão đưa sản phẩm OCOP địa phương ra thị trường thế giới, doanh nghiệp kiến nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như: hỗ trợ mặt bằng để mở rộng nhà máy sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao; hỗ trợ vùng trồng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng để truy suất nguồn gốc; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài để tiếp cận đối tượng khách hàng mới, tìm kiếm cơ hội hợp tác,…
Có thể bạn quan tâm
Nữ doanh nhân với khát vọng Việt Nam
17:15, 04/04/2024
Bản lĩnh nữ doanh nhân ngành Điện
02:00, 23/03/2024
TP.HCM vinh danh nữ doanh nhân xuất sắc
11:06, 26/03/2024
Nữ doanh nhân với tấm lòng thiện nguyện
01:00, 10/03/2024
Nữ doanh nhân Vũ Thị Thuý: Thử thách là động lực vươn lên
03:40, 08/03/2024
Nữ doanh nhân Tạ Hương: Khó khăn là động lực của sự phát triển
03:00, 08/03/2024
Nữ doanh nhân Băng Tâm: Thành công không phải là vấn đề giới tính
02:45, 08/03/2024
Nữ doanh nhân tuổi thìn nặng lòng với nông sản sạch
02:00, 15/02/2024