Một phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Ảnh: TTXVN

Một phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Ảnh: TTXVN

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị vừa công bố các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân. Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân được tiến hành từ ngày 20/10/2020 đến hết ngày 10/11/2020.

Cụ thể, Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân, gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Từ cổ chí kim lịch sử luôn chứng minh triều đại nào lấy dân làm gốc triều đại đó luôn hưng thịnh. Quân vương nào luôn lắng nghe thấu hiểu lòng dân quân vương đó luôn được nhân dân gọi là minh quân.

Theo đó, tư tưởng “dân là gốc” đã được cha ông ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình. “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”, “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”…

Dân đã đồng tình thì việc gì cũng xong. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Lòng dân là “nhân”, vận nước là “quả”. Nhân nào quả ấy. Lòng dâan đồng thuận thì nước hưng thịnh. Lòng dân trăm mối thì nước suy vong. Vận nước là do chính chúng ta tạo ra. Khi ta làm tốt, xã hội đi lên thì gọi đó là thời vận đang đến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, muốn có sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sự đồng thuận nhất trí cao trong toàn dân phải thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc thực hành dân chủ được tiến hành đồng bộ từ địa phương đến Trung ương.

Đặc biệt, thực hiện dân chủ trong Đảng càng được đề cao. Nội bộ Đảng phát huy được dân chủ đồng nghĩa khai thác được sự tư duy sáng tạo, độc lập của mỗi đảng viên trong thảo luận họp bàn, sinh hoạt. Thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng là đi đầu gương mẫu, phát huy trí tuệ của đảng viên.

Thấm nhuần tư tưởng  đó, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu rõ: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng; khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức; xây dựng Luật Trưng cầu ý dân”. Đến Đại hội Đảng lần thứ X, Đảng ta xác định: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”.

Thực tế cũng đã chỉ rõ, chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân mới có thể chống tiêu cực, chống suy thoái, chống tham nhũng có hiệu quả, nhằm củng cố Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

Vì thế, Đại hội XIII là dịp người dân thực hiện quyền làm chủ, quyền dân chủ của mình một cách chính đáng. Đảng và Nhà nước phải đảm bảo người dân thực sự được tham gia bầu người đại diện cho mình. Tăng cường hơn nữa dân chủ ở cơ sở để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân trước kỳ Đại hội Đảng. Nâng cao hơn nữa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Việc Đảng lấy ý kiến nhân dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Muốn vậy, việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII phải diễn ra trên tinh thần tích cực, cầu thị, chân thành, hiệu quả, không hình thức. Việc làm này phải bảo đảm khoa học, thiết thực, đúng tiến độ, hiệu quả, tránh lãng phí; khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết của Nhân dân đối với Đảng và đất nước.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng diễn đàn thảo luận, lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để kích động, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, việc thực hiện dân chủ, tăng cường dân chủ là vấn đề luôn cần thiết trong bối cảnh hội nhập chính trị và phát triển kinh tế đa chiều của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, một lần nữa xin nhắc lại, nhận thức và thực hành tốt dân chủ một mặt là liều thuốc hữu hiệu nhất để ngăn ngừa những hoạt động chống phá từ bên ngoài.

Mặt khác, việc lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo các văn kiện vừa thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân, lại vừa củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.