Quảng Ninh tập trung dành nhiều nguồn lực, ưu tiên phát triển dịch vụ logicstics và tăng cường kết nối vùng, để trở thành tỉnh đa cực, đa trung tâm, phát triển đồng bộ và toàn diện nhất nước.
>>>Quảng Ninh: Quyết tâm đứng đầu cả nước về PCI
>>>Quảng Ninh: Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại
Quảng Ninh là địa phương có hệ thống cảng biển, cửa khẩu, lối mở thuận tiện cho hoạt động XNK hàng hóa cả trên bộ và trên biển.
Từ hệ thống cảng biển …
So với các địa phương ven biển khác, Quảng Ninh có những lợi thế riêng biệt, nổi trội khi sở hữu 250km đường biển, gần 800km đường thủy nội địa, nhiều cảng nước sâu thuộc nhóm cảng loại I và là cửa ngõ đường biển của khu vực, nằm trên các tuyến vận tải biển quốc tế. Cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hoá, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ…
Mặc dù dưới tác động của dịch COVID-19, hơn 2 năm các doanh nghiệp cảng biển từng bước đổi mới, chuyển đổi mô hình quản trị trong khai thác cảng biển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý.
Qua theo dõi, đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, lĩnh vực hậu cần cảng biển vốn là điểm yếu của tỉnh, hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ bốc xếp hiện đại, có khả năng giải phóng hàng hóa trên tàu biển có trọng tải đến 120.000 DWT. Nâng cao hơn nữa năng lực của loại hình dịch vụ này, tỉnh đang nghiên cứu thành lập hiệp hội xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển và xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, mở rộng quy mô các dịch vụ này.
Trước năm 2019, kho bãi lưu trú hàng hóa tại tỉnh chủ yếu tập trung tại khu vực Cảng Cái Lân. Đến nay, qua công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tỉnh đã cập nhật, bổ sung quỹ đất hỗn hợp dành cho dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê tăng thêm khoảng gần 5.000ha để thực hiện 5 dự án logistics tại Quảng Yên và đang thu hút thêm 2-3 dự án tại Bình Liêu, Móng Cái để phát triển dịch vụ kho bãi.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu Công nghiệp Deep C (TX Quảng Yên), nhận định: Với những lợi thế sẵn có về giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, Quảng Ninh có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cảng biển một cách đột phá. Nếu tỉnh sớm có hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần đồng bộ sau cảng, chắc chắn sẽ tác động tích cực lên tốc độ, quy mô vận chuyển hàng hoá. Nhất là trong bối cảnh Quảng Ninh đang thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT.
Đến phát triển logicstics và hợp tác quốc tế
Với mục tiêu đưa dịch vụ logistics của tỉnh tiến tới hiện đại hóa, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu để kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển thêm 3-5 dịch vụ cảng biển mới; 2-3 doanh nghiệp cung ứng tàu biển; 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư kinh doanh dịch vụ đại lý hàng hải; 2-3 hãng tàu biển quốc tế tham gia khai thác tuyến vận tải đi và đến Quảng Ninh; phát triển tối thiểu 3-5 doanh nghiệp vận tải, logistics, 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh có hệ thống cửa khẩu, lối mở thuận tiện cho hoạt động XNK hàng hóa cả trên bộ và trên biển. Thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Đơn cử như TP Móng Cái có hệ thống cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan cùng với 7 bến cảng, 9 bến thủy nội địa, 16 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu; hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hoá với tổng diện tích trên 130.000m2, được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng tốt nhu cầu trung chuyển hàng hoá và phục vụ hàng hoá XNK của các doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết: Từ ngày 01/01/2022 đến 15/4/2022, đã phối hợp làm thủ tục cho: 72.739 lượt phương tiện/lái xe xuất nhập cảnh. Tiếp nhận và làm thủ tục: 1.286 tờ khai xuất khẩu, số lượng hàng hóa xuất khẩu: 37.850 tấn, kim ngạch: 59 triệu USD; 153 tờ khai nhập khẩu, kim ngạch: 1,83 triệu USD, thu thuế: 4,29 tỷ đồng. Trong thời gian tới chi cục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp XNK đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan - Biên phòng. Hiện chi cục đang tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp trong liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong phát triển dịch vụ logistics, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Còn theo lãnh đạo TP Móng Cái cho biết; Địa phương tập trung triển khai Đề án hợp tác thúc đẩy logistics khâu vận tải TP Móng Cái (Việt Nam) - TP Đông Hưng (Trung Quốc); tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư và phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai các dự án có liên quan đến đề án phát triển logistics.
>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến đầu tư doanh nghiệp Hàn Quốc
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các địa cũng hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng Lab tại lối mở Km3+4 Hải Yên để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm.
Cùng với đó, địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ đầu tư đã và đang triển khai các dự án trên địa bàn như: Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, xã Vạn Ninh nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai xây dựng, đồng thời thu hút các nhà đầu tư các dịch vụ liên quan vào địa bàn thành phố để phát triển hệ thống dịch vụ logistics trên địa bàn mang tầm quốc tế và chuyên nghiệp; bổ sung 2 cụm công nghiệp dịch vụ logistics phía Nam sông Lục Lầm, phường Hải Hòa; các dự án mở rộng quy mô bến bãi tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở; Dự án xây dựng trung tâm giao dịch nông, lâm thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương...
Thời gian tới sẽ khuyến khích sự liên doanh, hợp tác giữa doanh nghiệp để hình thành trung tâm logistics và hình thành mạng lưới logistics tại các địa phương của Việt Nam - Trung Quốc để tạo sự liên kết, đồng bộ và chuyên nghiệp.
Củng cố và phát triển mạnh mẽ vận tải đa phương thức, nhất là vận tải biển kết hợp với vận tải đường bộ nhằm tạo sự liên hoàn, khép kín, tối ưu hóa chu trình luân chuyển hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển liên kết với doanh nghiệp vận tải đường bộ với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Từng bước gắn kết logistics khâu vận tải với thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc). Tổ chức hội đàm với TP Đông Hưng (Trung Quốc) về việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp logistics khâu vận tải song phương.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các địa phương tích cực liên kết đào tạo với các trường đào tạo nghề tổ chức đào tạo dựa trên nhu cầu đăng ký nhân lực của các doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực logistics ở cấp kỹ thuật, nghiệp vụ như: Lái xe nâng hạ hàng hoá, lái xe đầu kéo, tác nghiệp quản lý kho hàng...; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên doanh, liên kết để nghiên cứu ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số, hạn chế giao dịch thủ công tiến tới áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động logistics khâu vận tải./.
Có thể bạn quan tâm