Hầu hết 5.500ha mặt nước được sử dụng nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh đều sử dụng phao xốp để làm vật liệu nổi. Điều này làm dấy lên nhức nhối vấn đề rác thải đại dương.
>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến đầu tư doanh nghiệp Hàn Quốc
>>>Quảng Ninh: Thiết lập “vùng xanh” lưu thông hàng hóa
Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 5.500ha mặt nước được sử dụng để nuôi trồng thủy sản(NTTS), phân bổ ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Trong số đó bao gồm khoảng 4.000ha nuôi nhuyễn thể và khoảng 1.500ha nuôi cá biển.
Bài toán còn dang dở
Hầu hết diện tích NTTS trên đều sử dụng vật liệu nổi bằng phao xốp. Chỉ tính riêng khu vực Vịnh Hạ Long, theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hàng năm, các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác tại đây, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ NTTS.
Về lâu dài, việc sử dụng phao xốp sẽ tác động lớn đến vấn đề rác thải và môi trường biển. Bởi đây là loại vật liệu không thân thiện với môi trường, có tuổi thọ ngắn. Chỉ sau 2-3 năm sử dụng, phao xốp sẽ phân huỷ, vỡ nát thành những mảnh nhỏ trôi dạt trên mặt biển trở thành “bẫy tử thần” trên biển. Khi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ thì trở thành rác vô cơ, khó phân hủy, gây mất mỹ quan. Còn khi trôi nổi trên biển sẽ trở thành cạm bẫy thức ăn, giết chết các loại sinh vật biển nếu ăn phải...
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại Quảng Ninh.
>>>Quảng Ninh: Khôi phục nguồn nhân lực du lịch bằng cách nào?
Theo con số thống kê của ngành chức năng, tính đến tháng 2/2022, số lượng phao xốp trong NTTS toàn tỉnh Quảng Ninh là trên 3 triệu quả, trong đó tại huyện Vân Đồn là gần 2,7 triệu quả. Tính đến hết tháng 3/2022, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi được 38.000 quả phao xốp, chiếm khoảng 12% tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE. Trong đó, các địa phương Đầm Hà, Hạ Long, Quảng Yên đạt tỷ lệ chuyển đổi trên 50%; Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả đạt tỷ lệ chuyển đổi dưới 50%. Riêng huyện Vân Đồn, địa phương có gần 2,7 triệu phao xốp, chiếm tới 90% số phao xốp toàn tỉnh, hiện mới chuyển đổi được 9%. TP Móng Cái là địa phương duy nhất toàn tỉnh đến thời điểm này chưa thực hiện chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE. Tỷ lệ chuyển đổi này được cho là quá thấp so với mục tiêu đã đề ra.
Cái khó của chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE là vấn đề vốn đầu tư ban đầu đối với người NTTS. Bởi theo tính toán, đầu tư phao nhựa HDPE sẽ cao hơn 2-3 lần so với phao xốp, hiện giá 1 quả phao nhựa dao động 70.000 - 80.000 đồng, trong khi giá 1 quả phao xốp chỉ dưới 30.000 đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hậu, hộ nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Vân Đồn cho biết, gia đình bà có gần 10ha nuôi hàu trên vùng biển của huyện, hiện đã chuyển đổi phao xốp một phần diện tích. Phía gia đình cũng đã vận động người thân và bạn bè NTTS nhanh chóng chuyển đổi phao xốp sang phao HDPE, tuy nhiên vì số vốn bỏ ra mua phao khá lớn, do vậy nhiều người còn cân nhắc.
Ngoài ra, dù công tác thay thế phao nổi cho các lồng bè NTTS trên vùng biển đang được các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai nhưng phương án cụ thể về việc xử lý các phao xốp bị loại bỏ sau thay thế vẫn chưa có.
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn, hiện nay, mới chỉ có một số đơn vị trên địa bàn huyện có đề xuất ý tưởng về việc tái chế xốp thành các dạng vật liệu khác phục vụ cho xây dựng... Nhưng do số lượng phao xốp tập kết về chưa nhiều, nên chưa có đơn vị nào đứng ra đảm nhận công tác xử lý.
Còn tại huyện Đầm Hà được biết, phao xốp sau khi được thay thế từ lồng bè NTTS của các xã ven biển như Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập... cũng chưa có phương án xử lý cụ thể, hiện đều được đưa về các bãi tập kết trên bờ.
Bà Phạm Thị Tiên, hộ NTTS tại huyện Đầm Hà cho biết, việc dừng sử dụng phao xốp rõ ràng là hạn chế được việc phát sinh lượng lớn rác thải ra môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, nếu không có hướng xử lý cụ thể, kịp thời, mà bất đắc dĩ phải hình thành nên những bãi rác thải xốp trên bờ biển thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm khác tới môi trường.
Cần sự vào cuộc tích cực
Trên thực tế, khi triển khai việc chuyển đổi phao xốp sang phao HDPE trong hoạt động NTTS thì yêu cầu đặt ra là phải sớm có phương án xử lý phù hợp, dứt điểm đối với lượng phao xốp được thu gom sau khi chuyển đổi. Bởi việc xử lý rác thải xốp không hề đơn giản do đặc tính xốp nhẹ, dễ vỡ vụn nên khó để bảo quản, tái chế thành các loại vật liệu khác. Rác thải là xốp cũng khó bị phân hủy, nên sẽ gây hại cho môi trường đất, nguồn nước khi bị chôn lấp tùy tiện; nếu đốt sẽ sinh ra khí độc hại bay ra môi trường...
Theo ông Đỗ Đình Minh - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp khắc phục những khó khăn như việc chuẩn hóa đơn vị sản xuất, cung ứng và sản phẩm phao nổi HDPE; thống kê chính xác về số lượng phao nổi cần chuyển đổi, cùng địa phương giám sát, thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Đặc biệt là xử lý số phao xốp tồn đọng trên biển sau thay thế…
Còn theo ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái, TP Móng Cái thực hiện đồng thời thay thế, chuyển đổi vật liệu phao nổi đảm bảo theo Quy chuẩn địa phương gắn với việc sắp xếp lại hoạt động NTTS trên biển phù hợp với quy định, quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương; triển khai các phương án thu gom, tiêu hủy đối với những vật liệu nổi không đảm bảo và phao xốp sau khi thay thế. Đồng thời, tập trung ưu tiên thực hiện thay thế, chuyển đổi vật liệu nổi dùng để nuôi hàu, nuôi biển và bước đầu hình thành các mô hình kiểu mẫu nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn theo Quy chuẩn địa phương…
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 cần phải chuyển đổi xong 2,7 triệu quả phao xốp còn lại, trong đó đến 2,5 triệu quả nằm ở Vân Đồn. Như vậy số lượng phao xốp cần chuyển đổi của Vân Đồn trong 9 tháng tới gấp trên 6 lần tổng số phao xốp đã chuyển đổi của toàn tỉnh Quảng Ninh.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, ông Hà Văn Ninh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn cho biết: Huyện Vân Đồn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tích cực thay thế phao xốp bằng phao HDPE để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi trồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Huyện quyết tâm năm 2022 thay thế toàn bộ phao xốp bằng phao nhựa.
Có thể bạn quan tâm