Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định.
>>>Quảng Ninh: Thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực cửa khẩu
Tăng cường kiểm soát
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh: Là cơ quan thường trực của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Ninh, thời gian qua Cục QLTT tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định.
Tháng 1/2023, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh) đã phát hiện Cửa hàng May COSMETIC, địa chỉ tại Khu đô thị Monbay Hạ Long (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) bày bán công khai 542 sản phẩm mỹ phẩm gồm son môi, phấn má, sữa tắm; 569 sản phẩm bánh kẹo, hạt hướng dương, đồ uống... do nước ngoài sản xuất, với tổng trị giá hàng hóa theo niêm yết gần 150 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm mà lực lượng QLTT đã điều tra, phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Cùng với việc kiểm tra, xử lý theo thông tin tố giác tội phạm của quần chúng, Cục QLTT tỉnh còn chỉ đạo các phòng, đội QLTT tập trung bám cơ sở, nắm chắc tình hình và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã kiểm tra 163 vụ, phát hiện, xử lý 162 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh... với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT, người tiêu dùng không bị “tiền mất, tật mang” khi trở thành nạn nhân của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường không chỉ kịp thời phát hiện hàng hóa kém chất lượng, mà còn kết hợp tuyên truyền đến nhà sản xuất, kinh doanh, ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kể cả ký cam kết không tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Trong thời kỳ công nghệ số, hoạt động thương mại, kinh doanh trực tuyến phát triển, phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới, khiến công tác QLTT càng thêm phức tạp. Bởi vậy, lực lượng QLTT trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa, siết chặt công tác quản lý địa bàn, triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính.
Theo lãnh đạo Cục QLTT: Ngay từ đầu năm, Đảng ủy Cục QLTT tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15 (ngày 9/1/2023) đẩy mạnh nâng cao công tác tuyên truyền về hoạt động thương mại. Nghị quyết số 19 (ngày 14/1/2023) về đẩy mạnh công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin cảnh báo... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh ngiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn nhận thức đúng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bình ổn giá, kê khai giá và niêm yết giá. Đặc biệt, để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức gian trưng bày hàng thật, hàng giả tại một số chợ, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, để tự bảo vệ mình và tham gia phối hợp cùng cơ quan chức năng đấu tranh với các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 17.645 doanh nghiệp, 42.717 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Trong đó, 7 trung tâm thương mại, 12 siêu thị tổng hợp, trên 100 cửa hàng tiện ích, 22 chợ hạng 1, 23 chợ hạng 2 và 90 chợ hạng 3. Các chợ, trung tâm thương mại là nơi tập trung phần lớn các hộ kinh doanh thương mại, không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, mà còn là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm, đóng góp thu ngân sách, nâng cao đời sống nhân dân…
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các hộ kinh doanh không thực hiện niêm yết giá hàng hóa hoặc niêm yết chỉ mang tính chất đối phó; ứng xử không văn minh, còn hiện tượng chèo kéo khách, ép khách mua hàng. Một số tổ chức, cá nhân còn kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo QLTT, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 107 vụ, 98 đối tượng, trường hợp vi phạm với số tiền gần 3,4 tỷ đồng; trong đó, phạt vi phạm hành chính trên 1,5 tỷ đồng, hàng hoá tiêu hủy trị giá 1,76 tỷ đồng…
Cục QLTT tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại.
Nội dung, hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, như: Cung cấp thông tin trực tiếp; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí; khuyến cáo, ký cam kết thực hiện pháp luật... Qua đó đã chuyển tải những quy định, chế tài của pháp luật đối với hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm VSATTP...
Từ ngày 15/12/2022 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã cử 44 lượt CBCC tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP dịp Tết; tổ chức tuyên truyền cho 479 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành định của pháp luật trong kinh doanh thương mại. Đơn vị phối hợp với các cơ quan báo chí, cổng thông tin đưa 44 tin bài, phóng sự về hoạt động kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT và tình hình thị trường Tết…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Việc bày bán, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ giảm nhiều so với trước đây. Việc thực hiện niêm yết giá hàng hóa, bán theo giá niêm yết đã được các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quan tâm, chú trọng thực hiện, tạo niềm tin cho người dân, du khách, góp phần tích cực xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các đội QLTT chủ động nắm chắc diễn biến của tình hình thị trường, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định trong kinh doanh thương mại, dịch vụ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm.
Việc tăng cường kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho kinh tế phát triển ổn định.
Có thể bạn quan tâm