Quảng Ninh: Nâng cao chất và lượng cho sản phẩm OCOP

HẢI NGÂN 24/03/2023 01:38

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang hướng dẫn các đơn vị tham gia chương trình OCOP chuẩn hoá, tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ để các sản phẩm này từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.

>>>Quảng Ninh: Thanh niên thi đua khởi nghiệp phát triển kinh tế

>>>Cục Hải quan (Quảng Ninh): Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát triển sản phẩm chủ lực

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với diện tích gần 5.000ha. Xuất phát từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã phát triển được 569 sản phẩm OCOP, với 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Chỉ tính trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương. Đặc biệt, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, với 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất.

Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được bày bán tại khu di tích danh thắng Yên Tử

Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được bày bán tại khu di tích danh thắng Yên Tử

Để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.  

Như tại TP Hạ Long, địa phương này đã thực hiện quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ phát triển các mô hình thế mạnh, sản phẩm OCOP tiềm năng. Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, trên địa bàn TP Hạ Long có 14 sản phẩm mới tham gia thi, đánh giá sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong đó có 3 sản phẩm 5 sao, 8 sản phẩm 4 sao, 31 sản phẩm 3 sao và 23 sản phẩm đang tham gia chu trình OCOP chưa dự thi đánh giá, phân hạng. Các sản phẩm này đều đã thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn và Postmart.vn.

Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được bày bán tại Siêu thị (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được bày bán tại Siêu thị (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Còn tại huyện Bình Liêu, địa phương này đã thực hiện việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách đồng bộ đồng bộ. Đến nay, địa phương này có 26 sản phẩm OCOP của 9 tổ chức, cá nhân. Trong đó có 11 sản phẩm đã tham gia Hội thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh và được xếp hạng 3, 4 sao.

Tại huyện Ba Chẽ, để thúc đẩy chương trình OCOP, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình; khuyến khích các tổ chức kinh tế không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, mạnh dạn nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới.

>>>Quảng Ninh: Tập trung đẩy mạnh tiến độ các công trình trọng điểm

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, TP Hạ Long đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp chủ động khai thác các đặc trưng, khác biệt để tạo ra ưu thế, tăng sức cạnh tranh với các địa phương khác để xây dựng các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt 3 sao trở lên... Đồng thời, chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại sản phẩm nhằm nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Còn theo bà Lê Thị Thu Hương - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu cho biết, huyện thường xuyên rà soát, kiện toàn, bổ sung các sản phẩm thế mạnh của địa phương để có phương hướng phát triển phù hợp với thực tế. Thời gian tới, huyện Bình Liêu sẽ rà soát các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình để tư vấn hoàn thiện sản phẩm và sẽ tập trung vào các sản phẩm lợi thế để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Tập trung nguồn vốn cho sản phẩm OCOP

Là một trong số các chương trình, đề án đặc thù trong xây dựng Nông thôn mới, chương trình OCOP được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013. Đến nay, chương trình OCOP đã có bước phát triển đột phá, trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, được trung ương chọn, triển khai nhân rộng khắp cả nước.

Theo ông Ty Văn Bích - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, cho biết: Nhờ có chương trình OCOP, sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được nâng tầm giá trị, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, lợi nhuận của HTX tăng từng năm.

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP để củng cố các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm; tổ chức các hội nghị kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các siêu thị, Trung tâm thương mại… Đồng thời, sẽ tiếp tục chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được đầu tư bài bản, thiết kế mẫu mã bao bì đẹp mắt (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được đầu tư bài bản, thiết kế mẫu mã bao bì đẹp mắt (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Được biết, trong giai đoạn 2016-2022, tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt 17.045 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Riêng vốn tín dụng của các tổ chức OCOP chiếm trên 30% tổng vốn tín dụng, khoảng 5.133 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thuộc chương trình OCOP đến hết năm 2022 tăng 5-7 lần so với năm 2016; doanh thu đến hết năm 2022 đạt trên 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 310 tỷ đồng.

Theo anh Hoàng Văn Điện (ở thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà), năm 2017, gia đình đã đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng chuồng trại, thực hiện mô hình nuôi gà râu Cái Chiên. Gia đình anh cũng được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân xây dựng mẫu mã, bao bì, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đến nay, sản phẩm OCOP gà râu Hiền Điện khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm gia đình anh xuất bán từ 3.000-5.000 con, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương này có khoảng 8-10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia; ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc; ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định…

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đồng thời, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối…

Hiện địa phương này đang nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia chương trình OCOP qua việc đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; triển khai một số dự án, mô hình nhằm khai thác thế mạnh của các sản phẩm OCOP Quảng Ninh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế các xã miền núi, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Thanh niên thi đua khởi nghiệp phát triển kinh tế

    Quảng Ninh: Thanh niên thi đua khởi nghiệp phát triển kinh tế

    01:52, 21/03/2023

  • Hấp dẫn khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh cách nào?

    Hấp dẫn khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh cách nào?

    11:00, 20/03/2023

  • Cục Hải quan (Quảng Ninh): Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

    Cục Hải quan (Quảng Ninh): Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

    08:19, 20/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Nâng cao chất và lượng cho sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO