Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán khó khả thi

ANH KHÔI 18/11/2021 04:00

Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC về hướng dẫn và quản lý thuế, VCCI cho rằng, một số quy định còn khó khả thi…

>> Sàn thương mại điện tử chỉ nộp thuế thay cho người uỷ quyền

Trả lời Công văn số 10569/BTC-TCT ngày 14/9/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định tại Dự thảo còn khó khả thi.

Một số quy định tại Dự thảo được cho khó khả thi - Ảnh minh họa

Một số quy định tại Dự thảo được cho khó khả thi - Ảnh minh họa

Cụ thể, về phạm vi sàn thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ liên quan đến thuế của hộ, cá nhân kinh doanh, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.đ Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định, tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đều có trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ thuế của cá nhân (bao gồm cung cấp thông tin doanh thu hoặc kê khai, nộp thuế thay).

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định như vậy cần được xem xét lại do thiếu tính khả thi với một nhóm các sàn TMĐT bởi theo kết quả nghiên cứu của VCCI tại Báo cáo “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý”, sàn TMĐT có thể được phân chia làm hai nhóm: sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến và sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến. Điểm khác biệt giữa hai loại sàn này là chức năng đặt hàng trực tuyến (và thường đi cùng với chức năng thanh toán, xử lý đơn hàng, vận chuyển giao hàng, hậu kiểm sau giao hàng), dẫn đến sự khác nhau trong lượng thông tin mà các sàn TMĐT nắm giữ.

>> Hoãn Thông tư 40, sàn thương mại điện tử cần thêm thời gian

Trong đó, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ đơn giản có chức năng trưng bày sản phẩm hàng hóa (hay chức năng rao vặt), còn việc trao đổi, chốt đơn hàng và giao nhận, thanh toán đều do người bán và người mua chủ động liên lạc, trao đổi với nhau và sử dụng các phương tiện, dịch vụ của bên thứ ba. Vì vậy, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ không có thông tin về doanh thu của người bán (không có thông tin về số đơn hàng được đặt, mức giá mặt hàng, doanh thu của từng đơn hàng…);

Còn các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ có khả năng biết được doanh thu của cá nhân kinh doanh, và do đó mới có khả năng thực hiện các nghĩa vụ liên quan tại Dự thảo.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ áp dụng với các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến

VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo nên xem xét cân nhắc lại những nội dung chưa phù hợp - Ảnh minh họa

VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo nên xem xét cân nhắc lại những nội dung chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Đều 8.1.đ Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định, sàn TMĐT thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo pháp luật dân sự.

VCCI cho rằng, quy định dẫn chiếu sang pháp luật dân sự như tại Dự thảo là chưa rõ ràng về hình thức ủy quyền. Việc ủy quyền, trên thực tế, có thể thực hiện theo một trong hai hình thức: ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền; ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền.

Cùng với đó, theo VCCI hai hình thức này có một số điểm khác biệt như:

Quy định pháp luật: hợp đồng ủy quyền được quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự, trong khi Giấy ủy quyền được quy định tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau (và mỗi văn bản lại có một số yêu cầu khác nhau);

Chữ ký trên văn bản ủy quyền: hợp đồng ủy quyền cần có chữ ký của cả hai bên (bên ủy quyền – ở đây là người bán và bên được ủy quyền – ở đây là sàn TMĐT), trong khi Giấy ủy quyền chỉ yêu cầu chữ ký của bên ủy quyền;

Sự tham gia của các bên trong việc lập hợp đồng: Hợp đồng ủy quyền có sự tham gia của cả hai bên (sàn và người bán) trong khi Giấy ủy quyền thì chủ yếu chỉ do người bán lập;

“Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng hình thức ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền sẽ gây rủi ro trong việc thực thi như: chưa có quy định pháp luật rõ ràng để các bên thống nhất thực hiện (và do đó Dự thảo cần có quy định cụ thể nếu cho phép hình thức này), thiếu sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Việc này dẫn đến khó khăn cho các sàn TMĐT trong việc tuân thủ quy định và cho cơ quan thuế trong giám sát, xác định trường hợp nào đã ủy quyền và trường hợp nào chưa”, VCCI góp ý.

Do vậy, để đảm bảo tính khả năng thực hiện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng việc kê khai, nộp thuế thay được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng ủy quyền theo quy định về pháp luật dân sự.

Có thể bạn quan tâm

  • Sàn thương mại điện tử chỉ nộp thuế thay cho người uỷ quyền

    Sàn thương mại điện tử chỉ nộp thuế thay cho người uỷ quyền

    04:30, 18/09/2021

  • Hoãn Thông tư 40, sàn thương mại điện tử cần thêm thời gian

    Hoãn Thông tư 40, sàn thương mại điện tử cần thêm thời gian

    15:30, 27/07/2021

  • Tổng cục Thuế lấy ý kiến về lộ trình kết nối thông tin với sàn thương mại điện tử

    Tổng cục Thuế lấy ý kiến về lộ trình kết nối thông tin với sàn thương mại điện tử

    19:39, 21/07/2021

  • Sàn thương mại điện tử trong nước thiếu

    Sàn thương mại điện tử trong nước thiếu "sân chơi" cho các nhà bán hàng

    05:54, 21/07/2021

  • Vấn nạn “đánh giá ảo” trên sàn thương mại điện tử

    Vấn nạn “đánh giá ảo” trên sàn thương mại điện tử

    03:08, 19/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán khó khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO