24h

Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Cần siết chặt hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc

Gia Nguyễn 17/05/2025 14:00

Để ngăn chặn những hệ lụy tiềm ẩn về an toàn thực phẩm, góp ý Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi), đại biểu đề nghị, cần siết chặt hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng 17/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

sua-luat-chat-luong-san-pham-hang-hoa-17.5.2.jpg
Sáng 17/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cần xem xét cụ thể hàng hóa nào bắt buộc phải kiểm nghiệm theo chất lượng, công nghệ. Hàng hóa nào kiểm nghiệm đơn giản hơn, tránh hao tốn cho doanh nghiệp. Nếu nhìn vào sản phẩm mà không biết có chất lượng hay không thì phải có sự kiểm nghiệm và công bố để cho người dân biết, nhất là doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải trình, công bố.

Ví dụ như, các sản phẩm như hóa chất, nước giải khát, bia là các loại sản phẩm phải áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm nghiệm và công bố.

Đại biểu cho rằng, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thời gian qua các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt, tuy nhiên, còn tồn tại sản phẩm hàng hóa mà dư luận cả nước rất quan tâm về chất lượng, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bây giờ đổi mới tư duy không “tiền kiểm” mà “hậu kiểm” nhưng “tiền kiểm không kiểm được, còn hậu kiểm lại lơ là”, thiếu tinh thần trách nhiệm nên dẫn đến một số sản phẩm trong thời gian qua người tiêu dùng sử dụng nhầm hàng kém chất lượng mà cứ tưởng là hàng có chất lượng.

Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa như các Bộ: Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Y tế phải chịu trách nhiệm về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.

sua-luat-chat-luong-san-pham-hang-hoa-17.5.1.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tham gia thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

“Sự việc bắt giữ nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm là việc cả nước hoan nghênh đồng tình, nhưng bắt như vậy là trễ. Do đó, việc xử lý nghiêm trong “hậu kiểm” sản phẩm hàng hóa là cần thiết, để làm sao lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong tổ chức thực hiện, để người tiêu dùng biết mình tiêu xài, tiêu dùng sản phẩm do mình bỏ tiền ra rất xứng đáng và đảm bảo sức khỏe”, đại biểu chia sẻ.

Cũng quan tâm đến vấn đề đã nêu, tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị, cần đẩy mạnh thực hiện chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với kiểm tra, giám sát, quy định rõ lĩnh vực nào phải “tiền kiểm” và lĩnh vực nào phải “hậu kiểm”.

Theo đại biểu, nguyên tắc quản lý trong Dự thảo Luật vẫn thiên về biện pháp quản lý “tiền kiểm”, thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

“Vụ việc 600 sản phẩm sữa giả vừa qua, mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành nhưng sau đó người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu, còn cơ quan quản lý Nhà nước thì không kiểm tra, giám sát đầy đủ”, đại biểu Nguyễn Thị Hà dẫn chứng.

Trong khi đó, quan tâm đến phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro (thấp, trung bình, cao), tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhìn nhận, đây là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và Nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu “hậu kiểm” là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật lại quá tập trung ở khâu “tiền kiểm” bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp “hậu kiểm”.

“Công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của Nhà nước nhằm bảo đảm chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ.

Còn theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cần ban hành danh mục hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và cao ngay sau Luật có hiệu lực, bảo đảm tính đồng bộ và khả thi. Tuy nhiên, toàn bộ các quy định về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm lại chưa sửa đổi tương xứng với đòi hỏi cấp thiết của thực tế với cơ chế “hậu kiểm” chủ động, hiệu quả, khả thi.

“Hiện nay số lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện công bố hoặc tự công bố tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng, trong khi đội ngũ làm công tác hậu kiểm còn mỏng, phương tiện kỹ thuật hạn chế. Công tác hậu kiểm còn mang tính hình thức, bị động; thiếu cơ chế phân tích rủi ro, kết nối dữ liệu, giám sát cảnh báo; chưa có cơ chế huy động xã hội hóa vào công tác này”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Cần siết chặt hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO