Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi Luật Đường sắt nhằm khơi thông cơ chế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đồng thời hình thành ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, bền vững.
Là văn bản pháp lý quan trọng, tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ những tồn tại, bất cập đòi hỏi sớm phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.
Việc sửa đổi này cũng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi (Dự thảo) là việc cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn và chỉ kế thừa 6 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Xây dựng đánh giá kỹ lưỡng trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính. Đặc biệt, Dự thảo đã cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện quy định tại Luật Đường sắt 2017.
Tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại diện Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An cho biết, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mở ra bước chuyển quan trọng cho ngành đường sắt. Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong phát triển đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Để các chính sách khả thi hơn, đại diện Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An cho rằng, Dự thảo cần bổ sung các quy định, nguyên tắc về cơ chế tài chính hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đường sắt, ví dụ như quỹ phát triển khoa học công nghệ ngành giao thông. Ngoài ra, cần quy định chi tiết phương thức chuyển giao công nghệ bắt buộc trong các dự án đường sắt quan trọng, tránh tình trạng nhà thầu nước ngoài thực hiện đối phó hoặc chuyển giao không đầy đủ.
Đánh giá Luật Đường sắt sửa đổi nhìn chung đã hoàn chỉnh, song cũng quan tâm đến cơ chế chính sách để khơi thông điểm nghẽn, phát triển ngành đường sắt, PGS, TS Tô Duy Phương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam góp ý, với nội dung phân loại đường sắt địa phương, trong Dự thảo cần bảo đảm tính thống nhất, thuận lợi trong quá trình quản lý vận hành; mạng lưới đường sắt đô thị cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống.
“Đường sắt (metro) đô thị tại thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai các thủ tục xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay mới có 2 đoạn tuyến và vẫn chưa vào nội tâm thành phố được. Như vậy là rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm CO2, bảo vệ môi trường, phát triển giao thông xanh và hiện đại... Vì vậy, rất cần có giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực, rút ngắn trình tự, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt metro đô thị Hà Nội trong thời gian tới”, PGS, TS Tô Duy Phương nêu rõ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của Dự thảo với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như khuyến khích nội địa hóa và phát triển công nghiệp trong nước, thúc đẩy sự liên kết giữa công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp phụ trợ; đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất, vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh; an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường trong tất cả các khâu từ sản xuất, lắp ráp, bảo trì đến vận hành các phương tiện giao thông đường sắt; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, tiến tới tự chủ về công nghệ.